Đại Kỷ Nguyên

Sơ cứu đúng cách khi bị vật nhọn đâm, tránh mắc bệnh uốn ván

Nếu bị đâm hoặc giẫm phải vật nhọn (thủy tinh, đinh, kim loại…) gây rách da, chảy máu, mọi người không nên chủ quan mà nên rửa sạch và tiêm phòng để tránh nhiễm trùng uốn ván. 

Bệnh uốn ván thường gặp ở các nước đang phát triển. Tỷ lệ mắc trên thế giới chỉ vào khoảng 0,1-0,2/1 triệu người/năm, tỷ lệ tử vong là 13,2%. Tại Việt Nam, tỷ lệ này là 1,89/100.000 người/năm, tỷ lệ tử vong <5%, theo Người Đưa Tin.

Bác sĩ Lê Xuân Sơn, Trưởng khoa Truyền nhiễm trao đổi với VTV, Việt Nam nằm trong vùng có tỷ lệ mắc bệnh uốn ván cao.

Tại khoa Truyền nhiễm, đến tháng 7/2018, có 3 trường hợp bệnh nhân mắc uốn ván được điều trị tại khoa và khỏi hoàn toàn. Thời gian điều trị thường kéo dài, diễn biến bệnh thường phức tạp nên tiên lượng tử vong rất cao.

Bệnh nhân bị uốn ván do chủ quan với vết dằm đâm ở tay. (Ảnh: VTV)

Vi khuẩn uốn ván tồn tại ở trong đất, cát bụi, cống rãnh, cây gỗ mục, mảnh sắt hoen gỉ, phân súc vật, dụng cụ phẫu thuật chưa được khử khuẩn đúng cách…

Chúng dễ xâm nhập vào các vết thương hở dù chỉ là trầy xước nhỏ. Sau khi xâm nhập vào cơ thể, chúng đi vào hệ thần kinh và gây ra co cứng, co giật cơ khi có kích thích, rất nguy hiểm.

Các chuyên gia cảnh báo, khi bị vết thương, xây xước hoặc động vật cắn, cần xử lý ngay bằng cách giải phóng hết dị vật trong vết thương (bùn, đất, cát, mảnh sành, đinh, gai…), rửa vết thương bằng xà phòng nhiều lần, sát khuẩn bằng dung dịch cồn 70 độ, oxy già hoặc dung dịch bêtadin…

Sau đó đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để được tiêm kháng huyết thanh chống vi khuẩn uốn ván, tiêm vắc-xin uốn ván và điều trị theo phác đồ.

Lưu ý khi giẫm hoặc bị vật nhọn đâm

– Không nên cố rút vật nhọn ra nếu đã cắm sâu vào cơ thể, vì có thể khiến vết thương trầm trọng hơn và chảy máu.

– Dùng một miếng gạc hoàn toàn vô trùng bọc xung quanh vật nhọn.

– Đặt các tấm lót chèn xung quanh vật nhọn để nó khỏi di động.

– Hạn chế tối đa việc vận động mạnh.

– Đưa bệnh nhân tới các cơ sở y tế để được sơ cứu kịp thời.

– Trường hợp vật nhọn nông, có thể rút ra trực tiếp bằng tay, phải rửa sạch tay trước khi chạm vào vết thương. Nếu vết thương chảy ít máu, để vùng đang chảy máu dưới vòi nước mát trong vài phút.

– Không cọ vết thương khi rửa vì có thể làm vết thương nặng hơn. Không dùng miệng để hút chất bẩn trong vết thương.

– Sử dụng dụng cụ vô trùng để lau khô và ngay sau đó dùng băng chống thấm nước che phủ vết thương, tránh nhiễm trùng và bụi bẩn xâm nhập, nhất là khi bị đâm ở lòng bàn chân hoặc tay.

Cách phòng bệnh uốn ván

– Tiêm đầy đủ các mũi vắc-xin phòng bệnh.

– Trong lao động phải hết sức cẩn thận, tránh không để bị tổn thương, nhất là các loại tổn thương sâu, kín, bẩn như giẫm phải đinh, gai, chấn thương phần mềm ở nơi bùn lầy của chuồng chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhà vệ sinh…

– Vệ sinh môi trường sạch sẽ như nạo vét các chất thải, chất bùn, khơi thông cống rãnh để tránh ứ đọng không cho vi khuẩn và nha bào uốn ván phát triển.

​​​​​​

Lan Phương

Exit mobile version