Đại Kỷ Nguyên

Phát hiện hợp chất ‘vàng’ đẩy lùi tiểu đường, béo bụng trong… bia

Nghiên cứu mới từ Đại học Bang Oregon (Mỹ) chỉ ra rằng, một trong những nguyên liệu quan trọng giúp làm ra cốc bia ngon lành có thể đẩy lùi bệnh cao huyết áp, đường huyết cao, béo bụng… 

Báo Người Lao Động đưa tin, hoa bia hay hublông (danh pháp hai phần: Humulus lupulus) là thực vật dạng dây leo trong họ Cannabaceae có chứa một hợp chất “vàng” là xanthohumol có thể giúp hàng loạt người thoát khỏi hội chứng chuyển hóa – vấn đề đang đe dọa chất lượng sống nhiều người hiện nay. Một người được xác định là mắc hội chứng chuyển hóa nếu họ có ít nhất 2 trong 5 tình trạng sau: cao huyết áp, đường huyết cao, béo bụng, cholesterol “tốt” HDL thấp, triglycerides cao.

Nhóm khoa học gia dẫn đầu bởi giáo sư Adrian Gombart từ Đại học Bang Oregon (Mỹ) khám phá ra rằng xanthohumol (viết tắt là XN) trong hoa bia và 2 dẫn xuất của nó là DXN và TXN, có thể giúp cải thiện nhiều chức năng ở người mắc hội chứng chuyển hóa nhờ tác động vào hệ vi sinh vật đường ruột và các quá trình chuyển hóa ở gan.

Các thí nghiệm cho thấy XN, DXN và TXN tác động đến số lượng và sự đa dạng của vi khuẩn đường ruột bằng cách tiêu diệt chọn lọc các vi sinh vật có hại và bảo tồn những thứ có lợi; giảm viêm và thay đổi chuyển hóa axit mật, bao gồm giảm sản xuất axit mật thứ cấp và tăng axit mật kết hợp. Quá trình này giúp cải thiện mức chuyển hóa năng lượng, glucose và cholesterol, từ đó đẩy lùi các vấn đề của hội chứng chuyển hóa nói trên.

Theo thống kê tại Mỹ, có 35% dân số đang đối mặt với hội chứng chuyển hóa và không ít người tuy chưa hẳn là hội chứng chuyển hóa nhưng đang mang trong mình 1 trong 5 vấn đề được liệt kê, phổ biến nhất có thể kể đến cao huyết áp, tăng đường huyết hay béo bụng.

Sự phổ biến của hội chứng chuyển hóa được cho là liên quan đến chế độ ăn hiện đại nhiều chất béo bão hòa và đường tinh chế, cộng với lối sống thiếu vận động. Đó là tiền đề của các căn bệnh thời đại như nhóm bệnh tim mạch, tiểu đường type 2 và mất trí nhớ.

Tạo hương vị đặc trưng cho bia lại tốt cho sức khỏe

Theo báo Sức khỏe & Đời sống, ban đầu hoa bia được thêm vào bia vì chúng có đặc tính bảo quản tự nhiên. Về sau, hoa bia được đánh giá cao trong việc tạo ra hương vị thơm ngon đặc trưng cho nhiều loại bia nổi tiếng. Quan trọng hơn hoa bia còn tốt cho sức khỏe con người vì được dùng để sản xuất thuốc thư giãn, an thần tự nhiên…

Hoa bia được dùng để sản xuất thuốc an thần tự nhiên (ảnh: Blog Thưởng Thức).

Vào khoảng thế kỷ thứ X, hoa bia đã được thêm vào công thức cơ bản của bia. Kỷ lục bằng văn bản lâu đời nhất (từ năm 1067) còn tồn tại ghi chép về việc sử dụng hoa bia để sản xuất bia. Năm 1516, Wilhelm IV (vua nước Phổ) quy định tất cả bia Đức phải có mạch nha, hoa bia và nước.

Hoa bia tạo độ đắng cần thiết, hương vị ngọt ngào của mạch nha và tác dụng hỗ trợ cho men bia hơn các vi sinh vật khác hình thành trong quá trình lên men. Những nhà sản xuất bia đầu tiên sử dụng một hỗn hợp thảo dược để tạo hương vị cho bia, nhưng sau đó đã chuyển sang dùng hoa bia. Vào thời Trung cổ, khi nước không được xử lý an toàn để uống, bia là loại nước giải khát được lựa chọn, ngay cả đối với trẻ em. Hầu hết các làng đều có khu vườn hoa bia, cánh đồng lúa mạch và 1-2 nhà máy bia nhỏ.

Cây hoa bia là một cây leo thân thảo lâu năm (có thể khai thác đến 30 năm). Hoa đực và hoa cái mọc trên các cây riêng biệt. Chất đắng và tinh dầu thơm có chủ yếu trong phần nhụy của hoa cái, mà hàm lượng các chất này ở hoa cái chưa thụ phấn cao hơn nên trong sản xuất bia, người ta chỉ sử dụng hoa cái chưa thụ phấn.

Trong y học hiện đại, hoa bia được đánh giá cao về tác dụng thư giãn, an thần. Một chiếc gối nhồi hoa bia khô được coi là công cụ hiệu quả để chống lại chứng mất ngủ. Trà làm từ hoa bia rất tốt trong việc làm dịu căng thẳng thần kinh. Vị đắng của hoa bia giúp tăng cường và kích thích tiêu hóa, làm giảm co thắt cơ trơn đường tiêu hóa liên quan đến hội chứng ruột kích thích.

Tuy nhiên khi dùng chế phẩm bia hơi thì không áp dụng cho mọi đối tượng và chỉ tốt khi uống với mức độ phù hợp thể trạng mỗi người.

Exit mobile version