Đại Kỷ Nguyên

Lợi ích của thiền định qua lăng kính các nghiên cứu khoa học

Trong cuộc sống hối hả và bận rộn thì thiền định đang ngày một phổ biến và được ưa chuộng. Bên cạnh những phút bình lặng nhất thời là lợi ích lâu dài mà thiền định mang lại trong việc kiểm soát tâm trí, giảm căng thẳng, tăng độ tập trung… và cả những món quà đặc biệt đang chờ bạn khám phá.

Dưới đây là những lợi ích của thiền định thông qua lăng kính các nghiên cứu khoa học:

1. Giảm căng thẳng

Stress là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều người tìm đến thiền định. Khi bạn quá căng thẳng, nồng độ cortisol trong máu tăng cao hơn, đồng thời kích hoạt các cytokine gây phản ứng viêm. Tác động này khiến cho nhiều người rơi vào trạng thái mệt mỏi, mắc chứng khó ngủ, thúc đẩy trầm cảm, lo âu, tăng huyết áp…

Một nghiên cứu thực hiện trên gần 1300 người đã đưa ra nhận định rằng thiền định có thể làm giảm stress và các tình trạng liên quan đến stress như hội chứng ruột kích thích, rối loạn stress sau sang chấn.

2. Kiểm soát lo âu

Thiền định yoga có tác dụng giảm lo âu, căng thẳng. (Ảnh: baomoi.com)

Giảm stress cũng góp phần làm giảm lo âu. Nghiên cứu trong tám tuần thực hành thiền định chỉ ra rằng thiền định giúp người tập loại bỏ những lo lắng của họ và giảm các triệu chứng của rối loạn lo âu, bao gồm ám ảnh, hoang tưởng, hoảng loạn.

Tuy nhiên hiệu quả làm giảm lo âu là khác nhau khi thực hành thiền định trong các môn tập. Đây là kết quả thu được khi tổng kết rất nhiều nghiên cứu khoa học trên tổng cộng 2466 người thực hành. Ví dụ, yoga đã được chỉ ra là có tác đụng giảm lo âu, đây có thể là lợi ích từ cả việc thực hành thiền định kết hợp với các động tác hình thể khác.

3. Tăng cường cảm xúc tích cực

Cuộc sống là 10% những gì xảy đến với bạn và 90% còn lại là cách mà bạn phản ứng. Suy nghĩ tích cực trong mọi tình huống chính là chìa khóa cho cuộc sống hạnh phúc, thiền định đã mang lại hiệu quả đó.

Một nghiên cứu theo dõi 18 tình nguyện viên đã từng bị trầm cảm trong một thời gian dài trước và sau khi họ thực hành thiền định trong hơn 3 năm, kết quả cho thấy chứng trầm cảm của họ đều được cải thiện rõ rệt. Khi thực hiện nghiên cứu so sánh hoạt động não bộ ở nhóm người thực hành thiền định và nhóm không thực hành, thì các nhà khoa học thấy rằng vùng não bộ liên quan đến suy nghĩ tích cực và lạc quan ở nhóm người thiền định hoạt động mạnh mẽ hơn.

4. Thấu hiểu bản thân nhiều hơn

Liên tục nhìn vào bên trong nội tâm của bản thân mình khi thiền định giúp cho bạn cảm nhận chính mình, nhận ra những suy nghĩ không tốt của bản thân để cố gắng trừ bỏ hoặc hướng chúng theo chiều hướng tích cực hơn. Hiểu rõ bản thân cũng giúp bạn dễ dàng kết nối và thấu hiểu mọi người xung quanh.

Khi được hỏi, 21 phụ nữ đã chiến thắng căn bệnh ung thư vú nói rằng tập thái cực quyền khiến họ yêu bản thân hơn và lòng tự trọng được cải thiện nhiều hơn so với những người nhận được bảo trợ từ xã hội. Nghiên cứu khác chứng tỏ thiền định làm giảm cảm giác cô đơn được kiểm chứng ở trên 40 người cả đàn ông và phụ nữ.

5. Kéo dài thời gian tập trung

Khi nghiên cứu hai nhóm người có cùng công việc thì nhóm có thực hành thiền định giữ được độ tập trung vào một công việc trong thời gian dài hơn, họ cũng nhớ được chi tiết những nhiệm vụ, công việc tốt hơn so với nhóm không thiền định.

Sức chịu đựng, sự nhẫn nại của người tập thiền tốt hơn nên họ có thể kiên trì làm một việc lâu hơn. Khả năng tập trung cao độ là một bí quyết để nâng cao hiệu suất công việc.

6. Từ bỏ thói nghiện xấu

Thiền định làm tăng tính tự chủ và giúp bản thân nhận thức được tốt hơn yếu tố gây nghiện cũng như tác hại của nó, từ đó khiến cá nhân người tập không bị lệ thuộc vào chất gây nghiện, nghiêm khắc với bản thân để từ bỏ thói quen xấu này.

Nghiện ăn là thói xấu mà thiền định có thể khắc phục. (Ảnh: Hello Bacsi)

Một khảo sát ở 19 người nghiện rượu sau một thời gian tập thiền định cho thấy họ có khả năng kiểm soát sự thèm muốn, cảm giác nghiện rượu và những đồ uống chứa cồn. Nghiện ăn cũng là một thói xấu khá phổ biến. Có đến 14 nghiên cứu chỉ ra rằng khi lưu tâm thực hành thiền định thì người tập có thể kiểm soát chế độ ăn tốt hơn, hạn chế ăn uống theo cảm tính.

7. Cải thiện giấc ngủ

Càng ngày số người mắc chứng mất ngủ càng nhiều. Thống kê cho thấy gần ½ dân số sẽ phải đối mặt với mất ngủ vào một thời điểm nào đó.

Khi so sánh giữa hai nhóm người thì kết quả thu được kết luận người tập thiền định có cảm giác buồn ngủ sớm hơn và giữ được giấc ngủ dài hơn.

Thiền định trong một thời gian dài giúp tâm hồn bạn thuần tịnh hơn, kiểm soát và loại bỏ những suy nghĩ lo âu, tranh đấu trong cuộc sống, một trong những nguyên nhân gây nên mất ngủ.

8. Tăng khả năng chịu đau

Tâm trạng liệu có ảnh hưởng đến cảm nhận đau của bạn?

Một nghiên cứu sử dụng máy MRI để theo dõi hoạt động não khi người tham gia chịu một kích thích đau nào đó. Một số người tham gia đã trải qua bốn ngày huấn luyện thiền định, số còn lại thì không. Ở người tập thiền định trung tâm kiểm soát cảm giác đau hoạt động mạnh, họ có khả năng đương đầu với cơn đau tốt hơn và giảm cảm nhận đau.

Thiền định giúp tăng khả năng chịu đau. (Ảnh: Lmt-lss)

Một nghiên cứu lớn thực hiện ở 3515 người chứng minh rằng thiền định làm giảm những lời than phiền về các cơn đau mạn kéo dài liên miên. Nghiên cứu khác nhận định rằng thiền định làm dịu bớt những cơn đau lúc cuối đời ở những bệnh nhân mắc bệnh nan y giai đoạn cuối.

9. Giảm huyết áp

Bệnh tăng huyết áp đã là một căn bệnh phổ biến ở người già, tuy nhiên căn bệnh này ngày càng trẻ hóa. Tăng huyết áp lâu dài gây tổn thương mạch máu, khiến tim làm việc quá sức, từ đó dẫn đến suy tim, nhồi máu cơ tim và đột quỵ.

Nghiên cứu trên 996 tình nguyện viên trong khi họ thiền định thấy rằng tập trung  ý nghĩ vào một “câu thần chú” nào đó trong đầu mà không phát âm ra thì trung bình huyết áp giảm được 5 điểm. Các loại thiền định khác cũng có tác dụng tương tự. Tác động này thể hiện rõ hơn ở người cao tuổi và những người đã bị tăng huyết áp từ trước đó.

10. Những “món quà” đặc biệt

Bên cạnh các lợi ích chủ yếu về tinh thần nói chung, một số hình thức thiền định còn đem đến cho người tập những món quà đặc biệt.

Đáng chú ý có thể kể đến một nghiên cứu đăng trên tạp chí của Hiệp hội Ung bướu Lâm sàng Hoa Kỳ (ASCO) năm 2016 có lời kết: “Tập luyện Pháp Luân Công có thể giúp bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối kéo dài thời gian sống rõ rệt, hơn nữa, các triệu chứng ung thư cũng cũng cải thiện đáng kể.” Pháp Luân Công là một môn tu luyện cổ xưa với hơn 100 triệu người thực hành trên toàn thế giới. Môn tập bao gồm các bài giảng đạo đức và năm bài công pháp, trong đó có một bài thiền định.

Pháp Luân Công là một món quà cho nhân thế. (Ảnh: Anlanh.net)

Nghiên cứu thực hiện trên 152 bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối với thời gian sống sót trung bình dự kiến chỉ 5.1 tháng, nhưng trên thực tế họ đã sống đến 56 tháng. Tính đến thời điểm báo cáo, 149 người vẫn còn sống, 97% bệnh nhân báo cáo là các triệu chứng bệnh đã hoàn toàn biến mất. Những bệnh nhân ung thư tập Pháp Luân Công sau khi được chẩn đoán bệnh hoặc đã trải qua các biện pháp điều trị y tế.

Một nghiên cứu khác báo cáo về khả năng phát nhiệt của các nhà sư khi ngồi thiền được đăng trên Báo Gazette của trường Đại học Harvard vào năm 2002. Những nhà sư với trang phục mỏng thiền định sâu trong căn phòng lạnh 4°C. Các tấm vải sũng nước lạnh được choàng lên hai vai họ. Theo bài báo, trong điều kiện như vậy người bình thường sẽ run rẩy, hạ thân nhiệt, thậm chí có thể tử vong. Tuy nhiên, những vị sư này vẫn duy trì được thân nhiệt và đã làm khô các mảnh vải bằng nhiệt phát ra từ cơ thể. Mỗi nhà sư đã làm khô ba tấm vải trong thời gian vài giờ đồng hồ.

11. Tự do và linh hoạt

Có nhiều môn thiền định và hầu hết không đòi hỏi thiết bị hay không gian gì đặc biệt. Bạn có thể tập từ vài phút đến vài chục phút mỗi ngày. Nếu bạn muốn thiền định, hãy chọn một môn thiền định dựa trên những gì phù hợp với bản thân.

Nếu môi trường nơi làm việc hay ở nhà của bạn không thích hợp, không đủ yên tĩnh thì hãy cân nhắc đến việc tham gia một lớp học. Điều này cũng giúp bạn tập thiền định hiệu quả hơn vì có đội ngũ hỗ trợ trực tiếp.

Buổi sáng là khoảng thời gian yên tĩnh và không khí rất trong lành. Tranh thủ 15-30 phút để thiền định, tạo thói quen mỗi sáng sẽ giúp bạn khởi đầu một ngày mới tích cực hơn và tràn trề năng lượng. Nếu bạn có ý định thực hành thiền định, thì hãy bắt đầu những bước đi đầu tiên ngay từ ngày hôm nay nhé!

Tiểu Thiên

Exit mobile version