Đại Kỷ Nguyên

Kỳ tích y học: Cụ ông 101 tuổi chiến thắng ung thư đã di căn lên não

Được dự đoán chỉ còn sống vài tháng do ung thư đã di căn, tuy nhiên cụ Bert Collins (Australia) vẫn hồi phục kỳ diệu ở tuổi 101. 

Trường hợp của cụ Bert Collins được xem như một phép màu của y học. Ở tuổi 101, ông không chỉ sống lâu gần gấp đôi những người Australia cùng thời mà còn chiến thắng một cách ngoạn mục trước ung thư.

Theo Daily Telegraph, Bert thời trẻ thường xuyên ra ngoài mà không che chắn hay dùng kem chống nắng. “Tôi không biết ánh nắng mặt trời nguy hiểm như thế nào“, người đàn ông thừa nhận. Năm ngoái, ông được chẩn đoán ung thư hắc tố giai đoạn bốn. Khối u đã lan tới não, gan, xương và phổi nên thời gian sống của bệnh nhân chỉ còn tính bằng tháng.

Bác sĩ của cụ Bert tin bệnh nhân nên bỏ cuộc vì tuổi tác quá cao, song vẫn giới thiệu ông đến gặp bác sĩ Alex Menzies ở Viện Ung thư Hắc tố Australia.

Người ta thường quan niệm các cụ già không nên điều trị, nhưng những liệu pháp miễn dịch mới đạt hiệu quả khá cao và chúng tôi đón tiếp không ít bệnh nhân 80-90 tuổi tới can thiệp“, bác sĩ Menzies cho biết. Ông cũng khẳng định thể trạng Bert tốt hơn nhiều so với người trẻ hơn ông 20 tuổi, nên việc điều trị chắc chắn không gặp trở ngại.

Kết quả, sau bốn đợt điều trị với liệu pháp miễn dịch mới đã làm vô hiệu hóa lớp “khiên” của tế bào ung thư, khối u trong cơ thể cụ Bert biến mất.

Sự hồi phục thần kỳ của Bert khiến bác sĩ Menzies vô cùng ngạc nhiên. Tuy khuyến khích cụ già điều trị, bác sĩ Menzies cũng không biết chính xác bệnh nhân sẽ phản ứng như thế nào bởi trước nay ông chưa từng gặp người bệnh ung thư lớn tuổi đến vậy. Bên cạnh đó, dù liệu pháp miễn dịch tác dụng tốt với ung thư hắc tố, không phải 100% bệnh nhân đều thuyên giảm.

Tuy nhiên không phải bệnh nhân nào cũng có thể theo hướng điều trị này, lý do là chi phí rất lớn (khoảng hơn 12.000 đô la Mỹ/tháng), đồng thời nó cũng có một số tác dụng nguy hiểm do chính hệ miễn dịch gây ra, như suy tuyến giáp, viêm phổi…

Về phần mình, cụ Bert vô cùng hạnh phúc. Giờ đây, ông lại thoải mái cạo râu mà không chạm phải khối u trên mặt.

Tiết lộ bí quyết sống thọ, cựu binh từng chiến đấu trong chiến tranh thế giới thứ hai bật mí điều quan trọng nhất là: may mắn cùng thái độ sống. Cụ Bert từng hút thuốc nhưng đến năm 60 tuổi thì bỏ. Cụ cũng không uống rượu và chăm chỉ tập nhảy.

Sống qua 23 đời thủ tướng, cụ Bert đến nay vẫn hoạt bát, độc lập. Gần đây, cụ còn bắt tay làm những căn nhà búp bê nhằm gây quỹ từ thiện.

Khoa học hiện đại cũng khẳng định vai trò tối quan trọng của lối sống đối với sức khỏe cơ thể. Mối quan hệ là trực tiếp. Kỳ tích vượt qua bệnh tật có thể không phải là thuốc, mà chính là ở sẵn trong bạn.

Một câu chuyện về thay đổi lối sống và bỏ đi những thói quen không tốt, Báo Khoa học & Đời sống đã từng đăng câu chuyện: một bác sĩ tim vượt ‘cửa tử’.

Là một trong những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực tim mạch, TS.BS Lê Thị Thanh Thái, nguyên Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM biết rằng sinh mạng của mình chỉ còn tính bằng ngày khi cơ thể có dấu hiệu thải ghép sau phẫu thuật thay van tim. Nhưng rồi điều kỳ diệu đã mang đến sự tái sinh. Chỉ bằng cách thay đổi tâm thái và kết hợp các bài tập nhẹ nhàng mỗi ngày, TS.BS Lê Thị Thanh Thái đã loại bỏ được căn bệnh nguy hiểm đeo bám bẩm sinh. Hiện nay bà sống an nhiên tự tại mặc dù đã vào tuổi thập nhất cổ lai hy…

Mời quý đọc giả xem tiếp: Nguyên trưởng khoa tim mạch BV Chợ Rẫy, TS.BS Lê Thị Thanh Thái

Lương y Cao Sơn (T/H)

Xem thêm:

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.

 

Exit mobile version