Đại Kỷ Nguyên

Hóa chất phụ gia trong nước mắm ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe?

Dạo qua các gian hàng, bạn sẽ thấy có đủ các loại nước mắm: loại truyền thống thường có mùi hơi…hôi, kiểu dáng hơi cổ; loại hiện đại thì thơm ngon với nhiều lời có cánh, kiểu dáng nhẹ nhàng bắt mắt; loại cao đạm đặc biệt, độ đạm lên đến 60; loại bổ sung trung vi lượng như sắt hoặc vitamin…

Giá cả cũng phong phú, từ 5.000 đồng/L đến 80.000 đồng/L hoặc cao hơn nữa. Để quyết định chọn gì, không chọn gì, trước nhất chúng ta hãy tìm hiểu sơ qua một chút về chất lượng nước mắm và cần biết mình mong đợi điều gì ở loại sản phẩm này.

Độ đạm

Thông thường tiêu chí quan trọng hàng đầu để đánh giá chất lượng và xếp hạng nước mắm là độ đạm. Nhưng độ đạm cũng có dăm bảy kiểu. Nếu đó là các axit amin thu được do thủy phân cá trong quá trình sản xuất nước mắm truyền thống thì mới là tốt thực sự. Còn loại bổ sung, pha chế thêm vào để nâng độ lên thì không hẳn.

Xét cho cùng, dù nước mắm có độ đạm cao đến đâu, hay bổ sung những dưỡng chất gì đi nữa, thì cũng không thực sự ảnh hưởng đến chế độ dinh dưỡng của người ăn. Bởi lẽ bạn chỉ dùng nước mắm làm gia vị nêm nếm, như hương như hoa thôi. Mỗi ngày vài ml đến vài chục ml… quá ít để lấy đó làm nguồn dưỡng chất cho cơ thể.

Vậy nên đừng quá quan tâm đến chúng, mà hãy để ý đến số và lượng các chất phụ gia trong đó. Đây là yếu tố quyết định đến sức khỏe của bạn.

Xem thêm: Độ đạm của nước mắm – hiểu sao cho đúng?

Vậy hóa chất phụ gia nào hay gặp trong nước mắm và ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe?

Nước mắm truyền thống có mùi đặc trưng, dây dính một chút ra tay hoặc quần áo, khăn ăn thì còn lâu mới hết mùi. Quy trình sản xuất dài, mất nhiều công phu và thời gian, giá thành cao… Vậy là có lý do để tạo ra loại nước mắm pha chế công nghiệp, có thể chỉ từ chút ít nước mắm truyền thống, cõng theo một loạt các hóa chất phụ gia.

Tâm lý người tiêu dùng muốn có độ đạm cao, vậy hãy thêm chất nâng độ đạm. Có thể là axit amin tổng hợp, urê, thậm chí là melamine nổi tiếng độc hại. Màu nước mắm phải là màu vàng đặc trưng, vậy hãy thêm các chất tạo màu.

Bạn muốn có nhiều loại hương khác nhau, vậy hãy thêm hương liệu. Mỗi loại nước mắm có một hương liệu tương ứng: hương cá hồi, cá cơm, cá ngừ… Thậm chí có cả hương liệu cho nước mắm gắn với địa danh nổi tiếng như Phú Quốc. Nếu chưa tin, bạn chỉ cần tìm trên mạng với từ khóa: hương liệu nước mắm sẽ có kết quả ngay. Khoảng 320.000 – 370.000 đồng/kg.

Rồi các chất điều vị, để chỉnh vị cho đúng với gì bạn muốn: hơi ngọt cũng được, hơi mặn cũng có… Các chất tạo ngọt hay được dùng là Acesulfame K, mã hiệu 905; aspartame, mã hiệu 951; cyclamate, mã hiệu 952…Đây là những chất hóa học siêu ngọt với nhiều tai tiếng gây hại cho sức khỏe con người. Hai chất Disodium Inosinate (631), Disodium Guanylate (627), còn gọi là cặp đôi I-G cũng bị phản đối không kém. Ngay cả bột ngọt hay còn gọi là mì chính (monosodium glutamate, mã hiệu 621) có trong nước mắm cũng bị nhiều chuyên gia y tế cực lực phản đối.

Để bảo quản được lâu, thì các chất sau hay được dùng trong pha chế nước mắm: axit clohidric, Natri benzoate (211), Kali sorbate (202). Hãy nhớ rằng, nếu loại chất bảo quản nào đó thêm vào thực phẩm và làm cho vi khuẩn, sâu, gián, chuột không dám ăn, thì bạn cũng đừng ăn vội. Vi khuẩn và bạn đều là cơ thể sống, có điều kích thước khác nhau. Nếu hóa chất kìm hãm được vi khuẩn phát triển, thì cũng có thể kìm hãm tế bào trong cơ thể bạn. Ngoài ra còn nhiều chất phụ gia khác có thể được công bố hoặc không được công bố. Hàm lượng bao nhiêu thì tùy tâm người sản xuất.

Các loại nước mắm pha chế kiểu này giải quyết được bài toán kinh tế trước mắt cho người sản xuất kinh doanh, có thể là siêu nhanh, siêu rẻ, siêu bền (để lâu không thối), siêu lợi nhuận nhưng với sức khỏe người tiêu dùng thì chắc chắn là liêu xiêu.

Như vậy, bạn nên tìm chọn cho mình một thương hiệu nước mắm, tốt nhất là các sản phẩm truyền thống có uy tín. Khi chọn nước mắm, hãy liếc mắt coi thành phần phụ gia một chút, nên chọn loại nào ít phụ gia thì tốt hơn. Đừng quá mải xem các ngôi sao điện ảnh, ca nhạc trong quảng cáo rồi mà tội cho thân. Người quảng cáo không hẳn đã hiểu về sản phẩm và dùng nó đâu.

Mạnh Lạc

Xem thêm: Bột ngọt (mì chính) lặng lẽ giết người trong êm ái?

Exit mobile version