Đại Kỷ Nguyên

Đông trùng hạ thảo Tây Tạng – Viagra của người cổ đại được mua với giá hàng chục ngàn USD/kg

Nấm là một trong những sinh vật bí ẩn nhất hành tinh. Một trong những loại nấm kỳ lạ nhất trên thế giới là từ Tây Tạng. Người Tây Tạng gọi nó là đông trùng hạ thảo (mùa đông là côn trùng, mùa hè thì là cỏ).

Ở phương Tây, người ta thường gọi loại nấm này với cái tên là Cordycep, nhưng cái tên này thực ra được dùng rộng rãi cho nhiều loại nấm.

Cordycep là một loài nấm ký sinh trên côn trùng. Để tạo thành đông trùng hạ thảo, côn trùng phải là ấu trùng của bướm ma. Thay vì kéo kén như các loài bướm khác, sâu bướm ma lại đào hang dưới lòng đất, tại đó, đôi khi chúng có thể bị nhiễm bào tử Cordycep ẩn nấp trong đất. Sau khi ăn hết nội tạng của côn trùng, một nấm hình dùi cui sẽ mọc lên từ lớp vỏ ngoài ấu trùng.

Thật kỳ lạ khi nghĩ rằng loài nấm “độc ác” này lại có lợi ích đến vậy trên cơ thể con người, nhưng các thầy thuốc Tây Tạng và Trung Hoa đã coi đông trùng hạ thảo là một loại thuốc rất quý giá từ nhiều thế kỷ. Nó được sử dụng để cải thiện hệ hô hấp, sự trao đổi chất, chức năng sinh dục, làm tinh thần sảng khoái và nhiều công dụng khác nữa.

Đông trùng hạ thảo dược liệu quý giá từ lâu đời

Đông trùng hạ thảo được các thầy thuốc Đông y hiện đại gọi nó là một adaptogen (thực vật giúp tăng cường sức khỏe toàn diện cho cơ thể). Và với những ai đã quen thuộc với sức mạnh của nó đều coi đây là một trong số những adaptogen tốt nhất được biết đến dành cho nam giới. Trong y học Trung Hoa, đông trùng hạ thảo giúp tăng cường tinh lực và khí của cơ thể, giúp nuôi dưỡng nguồn sống.

Các ghi chép đầu tiên được biết đến về đông trùng hạ thảo là từ một thầy thuốc và lạt ma của Tây Tạng từ những năm 1400, người đã mô tả nó như là một “loại thần dược” trong nhiều mặt, nhưng chủ yếu là về mặt tăng cường chức năng sinh dục. Sau đó, loài nấm này cũng nhận được lời ca tụng tương tự từ các thầy thuốc Trung Hoa.

Tây Tạng đã được hưởng lợi từ việc bán loại nấm này với người Trung Quốc trong nhiều thế kỷ, nhưng trong những thập kỷ gần đây, giá đã tăng vọt. Một kilogam nấm có giá khoảng 4,5 USD vào năm 1970, và gần 220 USD trong những năm 1990. Ngày nay, mỗi một cân nấm chất lượng cao có thể có giá tới 88.000 USD hoặc cao hơn. Doanh thu từ đông trùng hạ thảo khoảng 1 tỷ USD mỗi năm.

Mọi người nghỉ ngơi khi thu hoạch nấm Đông Trùng Hạ Thảo. Có nhiều dược tính quý, loại nấm này đem lại gần một nửa thu nhập cho người dân vùng nông thôn ở Tây Tạng (ảnh: China Photos/Getty Images)

Câu chuyện về sự tăng giá nhanh chóng của đông trùng hạ thảo liên quan đến vài yếu tố khác nhau. Vào đầu thiên niên kỷ này, khi Viagra được tán dương bởi phương Tây, thì các bài ca ngợi về đông trùng hạ thảo chỉ dành cho các quý ông giàu có ở phương Đông. Đông trùng hạ thảo đã được coi trọng trong nhiều thế kỷ, vào cuối những năm 1990, nó trở thành một biểu tượng phân biệt đẳng cấp giữa các tầng lớp ở Trung Quốc. Danh tiếng cổ xưa là thần dược giúp tăng cường chức năng sinh dục góp phần lớn vào sức lôi cuốn của nấm, và giá cả tăng cao đã khiến nó trở thành một thứ đặc biệt. Những chiếc nấm tốt thường được dùng làm quà tặng để nịnh nọt và dành sự ủng hộ từ những người đàn ông quyền lực.

Đông trùng hạ thảo từ vị thuốc cổ xưa trở thành hàng cao cấp đã đem lại đổi thay đáng kể cho nền kinh tế Tây Tạng. Trên đồng cỏ nông thôn của cao nguyên Tây Tạng, nơi người ta tìm thấy đông trùng hạ thảo, những người dân nơi đây trước kia chỉ có thu nhập từ việc sản xuất sữa chua, bơ của bò Tây Tạng và len bỗng nhiên trở nên giàu có. Nhờ sự bùng nổ nhu cầu của loài nấm này, người nông dân Tây Tạng giờ đây có thể xây những ngôi nhà hiện đại, TV màn hình phẳng, Iphone và cho vay vốn. Ngày nay, 40% thu nhập của nông dân ở khu tự trị Tây Tạng đến từ thu hoạch đông trùng hạ thảo.

Một người phụ nữ với một cây nấm đông trùng hạ thảo ở huyện Quý Đức, Thanh Hải, Trung Quốc (Ảnh: China Photos/Getty Images)

Kêu gọi cho những vụ thu hoạch bền vững

Sự thịnh vượng này đã đem đến cho nông thôn Tây Tạng những ngôi trường học và cơ sở hạ tầng hiện đại, cũng như sửa chữa lại các ngôi chùa cổ bị phá hủy trong chiến dịch “giải phóng hòa bình” được thực hiện bởi quân đội của Đảng cộng sản Trung Quốc trong những năm 1950. Nhưng loại nấm vàng này cũng đem lại những mặt tối. Những tranh chấp về vùng săn nấm đã dẫn đến một số vụ giết người, và các vụ thu hoạch tăng lên nhanh chóng chưa từng có tiền lệ đã làm dấy lên nhiều mối lo ngại về tính bền vững.

Một người chăn gia súc đào đông trùng hạ thảo ở phía Tây Bắc tỉnh Cam Túc, Trung Quốc. Các loại nấm ký sinh chỉ mọc ở độ cao từ khoảng 3.000 – 5.200m. (AFP/AFP/Getty Images)

Nhà sinh thái học và chuyên gia về nấm Daniel Winker đã cố gắng thúc đẩy sự bền vững hơn trong việc thu hoạch đông trùng hạ thảo trong 15 năm qua. Nhưng dự án của ông về kỹ thuật thu hoạch nấm thử nghiệm để ngăn chặn việc thu hoạch quá cạn kiệt và bảo tồn loài nấm này cho tương lai khó mà thực hiện được. Đề xuất nghiên cứu của ông từ năm 2009 đã bị từ chối, và các trường đại học Trung Quốc không quan tâm nhiều đến dự án này.

Winkler đã tham dự một số cuộc hội thảo ở Trung Quốc để thảo luận về kế hoạch phát triển, nhưng chính quyền Trung Quốc đã mua một dự án khác: nuôi trồng bướm ma và nhân giống nấm nhân tạo. Mặc dù điều này sẽ lấy đi nhiều áp lực lên các nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhưng chắc chắn sẽ tàn phá nền kinh tế của Tây Tạng.

“Rõ ràng họ chẳng tôn trọng những người đang kiếm sống từ loại nấm này”, ông Winler nói, “Ý tưởng về sự bền vững của họ không có gì liên quan tới những người dân này. Họ chỉ quan tâm tới việc tạo ra một số lượng lớn sản phẩm, thu lợi nhuận dưới cái vỏ bọc của sự bền vững”.

Hãy xem việc rớt giá của loại nấm ký sinh trên côn trùng hạng hai có dược liệu tương tự: loài đông trùng hạ thảo tên militaris. Trong những năm 1990, một kg nấm này có giá gần 176 USD. Khi các nhà khoa học biết cách thu hoạch thành công loại nấm này, giá của nó đã giảm rõ rệt. Giá bây giờ chỉ khoảng 3.3 USD/1kg.

Nấm nhái

Trong y học cổ truyền Trung Quốc, đông trùng hạ thảo là phương thuốc cuối cùng được dùng để điều trị các bệnh về phổi và thận, như hen suyễn, khí phế thũng, suy thận, đau lưng, bệnh về khả năng sinh sản và suy nhược. Giống như nhân sâm, đông trùng hạ thảo đã được sử như dược liệu quý từ lâu đời bởi khả năng làm tăng sinh lực và sức bền.

Mặc dù có các tuyên bố rằng nấm có xuất xứ từ Trung y, song người Tây Tạng đã sử dụng nó từ rất lâu. Người Trung Quốc cổ đại đã biết tới loại nấm mọc lên từ con ve sầu, nhưng có bằng chứng cho thấy họ không biết gì về các loại đông trùng hạ thảo có nguồn gốc từ sâu bướm, mãi cho tới những năm 1600.

Trong khi người Trung Quốc có một nền y học thảo dược rất phong phú, họ cũng có tiếng trong việc sử dụng những loại thuốc kỳ lạ để chữa bệnh (như sừng tê, xương hổ, và dương vật bò Tây Tạng)

Đông trùng hạ thảo thì khác. Mặc dù nó vẫn là một phương thuốc kỳ lạ, nhưng trong 20 năm qua, giá trị của dược liệu từ loại nấm này đã thu hút những người phương Tây.

Tuy nhiên, thay vì nghiên cứu đông trùng hạ thảo, các nghà nghiên cứu ở phương Tây lại chú ý đến một loại nấm đặc biệt khác.

Gần như tất cả các nấm Cordyceps được dùng trong các sản phẩm bổ sung của Mỹ được sản xuất trong phòng thí nghiệm giống như peneciline hay men bia, không nhất thiết có sâu bướm. Các sợi nấm riêng biệt (Winkler đã nói rằng không bao giờ sản xuất được nấm thực sự như trong tự nhiên) được nuôi trồng trên các loại ngũ cốc, lúa mạch đen, và được bán dưới dạng bột khoảng 132 USD cho 1 kg.

Các nhà sản xuất tuyên bố rằng loại được nuôi ở phòng thí nghiệm sẽ mạnh gấp năm lần so với đông trùng hạ thảo tự nhiên. Và với giá chỉ bằng 1% so với nấm thật thì đây quả là một thương vụ hấp dẫn. Nhưng Winkler nói rằng sự so sánh này là không chính xác.

“Đây chỉ là những nhà tiếp thị, họ không phải các nhà nghiên cứu. Vâng, họ hỗ trợ nghiên cứu, và họ thúc đẩy việc sản xuất nấm, thứ sau này được bán ra, và tôi không nghi ngờ gì nữa. Nhưng thông điệp này chỉ phục vụ cho việc bán hàng,” ông nói. “Những gì có trên thị trường ở phương Tây chỉ là một phần có trong sản phẩm tự nhiên. Nó không có đầy đủ các tác dụng mà các sản phẩm tự nhiên có”.

“Không có ai bỏ ra tiền hay nỗ lực cần thiết để thử nghiệm các ứng dụng dược học của nấm đông trùng hạ thảo tự nhiên. Tuy nhiên, nghiên cứu thu được trong phòng thí nghiệm đã cho thấy một vài hứa hẹn. Các loại nấm đã chứng minh được khả năng điều chỉnh miễn dịch, chống virus, chống ung thư, chống ôxi hóa và làm giảm sự hoạt tính của cholesterol. Nó cũng cho thấy có khả năng cải thiện hệ tiêu hóa và giải độc”.

Phương thuốc truyền thống và sự chịu chơi của người hiện đại

Theo truyền thống, đông trùng hạ thảo được sử dụng như chức năng thực phẩm hơn là một loại thuốc, và thường được nấu thành canh cùng với thịt lợn hoặc thịt gà. Một món ăn lâu đời là nhồi vào trong dạ dày của con vịt và quay cả con lên.

Liều dùng truyền thống là tương đối lớn. Trong cuốn sách năm 1995 tên “Nấm làm thuốc”, thầy thuốc Đông y và châm cứu Christopher Hobbs khuyên dùng từ 3-9 gam đông trùng hạ thảo để hồi phục sức khỏe cho người bị suy nhược cơ thể. Hobbs chỉ ra rằng, người Trung Quốc xưa dùng 25-50 gam một ngày để điều trị bệnh thiếu máu và bất lực.

Thông thường, những chiếc nấm lớn hơn sẽ có giá cao hơn. Nếu cây nấm đã tách ra khỏi cơ thể của côn trùng thì đã mất đi nhiều giá trị. (Ảnh: bedo/iStock)

Với liều dùng như vậy thì rất tốn kém kể cả đối với loại được sản xuất trong phòng thí nghiệm. Với chi phí hiện nay, môt liều chỉ 1 gam mỗi ngày cũng tốn kha khá.

Tuy nhiên, những người từng dùng qua loại nấm này lại rất vui vẻ đầu tư.

“Tôi biết người Trung Quốc có những bạn bè sẵn sàng chi một nửa thu nhập của họ để dùng loại nấm này, bởi họ cảm thấy như, ‘Tôi đang già đi, và tôi đang tụt dốc. Loại này cứu vãn cuộc sống của tôi’. Đó là lý do vì sao mọi người lại sẵn sàng trả một số tiền đáng kinh ngạc như vậy”, Winkler nói.

Theo Conan Milner, Đại Kỷ Nguyên Tiếng Anh.
Thuần Thanh biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version