Đại Kỷ Nguyên

Điều gì xảy ra trong cơ thể khi chúng ta đang ngủ?

Sau một ngày dài lao động, việc thư giãn tốt nhất của mỗi người là nghỉ ngơi hay chính là ngủ. Nhưng nhiều người không biết được rằng, những mệt mỏi tan đi sau một giấc ngủ lại là nhờ sự miệt mài chăm chỉ của cơ thể chỉnh lại những sai khác và làm mới cho cơ thể.

Sau mỗi sáng thức dậy bạn có thể cảm thấy mình như một người khác, khỏe khoắn và năng động hơn. Vậy rốt cuộc cơ thể bạn đã làm những gì?

Não được làm sạch

Ảnh: antranik.org

Hằng ngày chúng ta không chỉ tiếp nhận một lượng lớn thông tin đưa vào não bộ mà còn tiếp xúc với rất nhiều những chất độc hại từ môi trường khiến cho não bộ vô cùng mệt mỏi. Tuy nhiên các cơ quan của cơ thể đều có cơ chế tự sửa chữa.

Khi bạn ngủ, não sẽ mở ra một van cho phép dịch não tủy chảy từ xương sống vào não, rửa các mô và lấy đi tất cả các chất độc đối với nó. Quá trình này là một phần của một chu kỳ lớn hơn được gọi là hô hấp tế bào, một loạt phản ứng giúp tế bào tạo ra năng lượng từ chất dinh dưỡng và giữ cho cơ thể hoạt động.

Mặc dù sự làm sạch này xảy ra trên toàn cơ thể, nhưng hiệu quả của nó là đáng chú ý nhất trong não và đây là một trong những lý do mà bạn cảm thấy sảng khoái sau một giấc ngủ dài. Để hoàn thành công việc này, não cũng sử dụng nhiều năng lượng hơn so với các bộ phận khác trong cơ thể khi ngủ.

Cao hơn trong khi ngủ

Ảnh: thepragmaticparent.com

Điều này không có nghĩa là mỗi ngày thức dậy bạn cao lên mà là khi cơ thể thư giãn, các khớp xương không phải chịu áp lực nên độ dãn của xương tự nhiên sẽ dài hơn một chút.

Thực tế cho thấy bạn sẽ lùn đi 1cm vào cuối ngày sau một ngày hoạt động do trọng lượng cơ thể gây áp lực trên cột sống và nén xương sống xuống khiến chất lỏng chảy ra từ giữa các đĩa đốt sống khiến xương bạn ngắn lại. Còn khi lưng bạn giải tỏa căng thẳng vào ban đêm, chất lỏng được cho phép trở lại vào các khớp nối và cơ thể tăng thêm 1cm.

Mặc dù chênh lệch chiều cao không đáng kể nhưng đối với trẻ đang trong giai đoạn phát triển thì việc ngủ sẽ giúp cho quá trình thúc đẩy phát triển chiều cao cho trẻ.

Giảm huyết áp và nhịp tim

Ảnh: Hello Bacsi

Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy rằng chúng ta thường cảm thấy rất đói khi thức dậy và cực hiếm có cảm giác đói trong khi ngủ. Điều này là do khi ngủ, cơ thể bắt đầu giảm nhiệt độ, huyết áp và nhịp tim để làm chậm sự trao đổi chất của cơ thể. Khi thức dậy, huyết áp và nhịp tim lại nhanh chóng tăng trở lại để đáp ứng nhu cầu về năng lượng và chúng ta ngay lập tức cảm thấy đói. Nhưng trong một thời gian ngắn, có một sự mất cân bằng, dẫn đến sự chậm chạp và tư duy mơ hồ của những người vừa mới thức dậy.

Thải độc cơ thể

Gan và thận hoạt động tích cực nhất vào khoảng thời gian từ 23h đến 5h sáng hôm sau. Lúc này cơ thể ở trạng thái ngủ sâu nhất. Trong khoảng thời gian này, gan sẽ bài mật để thải độc cho cơ thể. Khi không được ngủ, việc bài tiết độc tố bị cản trở và chúng ta thường thấy mệt mỏi vào sáng hôm sau. Việc này diễn ra thường xuyên sẽ khiến cơ thể tích tụ nhiều độc tố, làn da cũng trở nên sần sùi và thô ráp.

Giấc mơ

Ảnh: poradum.com

Các nhà khoa học cho rằng những giấc mơ xuất hiện trong chúng ta khi ngủ là do sự biến đổi xảy ra ở vỏ não người. Các tế bào não sẽ hoạt động sắp xếp lại tư duy và những sự kiện xảy ra trong ngày và làm hiện lên những ký ức xa xôi hoặc là bộ não gợi lên một thực tế tưởng tượng chỉ tồn tại trong đầu mà bạn nghĩ là có thật tạo nên giấc mơ.

Tuy nhiên dường như còn một khía cạnh mà khoa học vẫn chưa thể giải thích được những giấc mơ thấy trước được tương lai, hay những giấc mơ lặp đi lặp lại trở thành hiện thực, và những điềm báo dường như báo trước. Như vậy có vẻ như những giấc mơ vẫn cần một lời giải thích thoả đáng hơn.

Minh Nguyên t/h

Exit mobile version