Đại Kỷ Nguyên

Chủ quan khi bị dằm tre đâm vào tay, người đàn ông ở Hà Nội nguy kịch do mắc uốn ván

10 ngày sau khi bị dằm đâm vào tay, nam bệnh nhân không thăm khám và điều trị đúng cách dẫn tới bị uốn ván toàn thể, cứng hàm, hai chân khó di chuyển…

Zing cho biết, bệnh nhân B.V.M (52 tuổi, Đa Tốn, Gia Lâm, Hà Nội) vào viện Đa khoa Đức Giang trong tình trạng tỉnh, khó nói chuyện, có vết thương bàn tay phải kích thước 1x1cm, sưng nề và chảy mủ.

Trước đó, bệnh nhân M. bị dằm tre mục đâm vào lòng bàn tay và đã sơ cứu tại nhà nhưng không lấy hết được dằm. Do vết thương nhỏ, bệnh nhân chủ quan không để ý tới. Vài ngày sau, bệnh nhân bị sưng nề ở vết thương, người nhà có mua kháng sinh về cho uống.

Khoảng 10 ngày sau, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng cứng hàm, khó há miệng, nuốt khó, cứng gáy… Gia đình bệnh nhân đưa đi khám tại trung tâm y tế được chẩn đoán viêm khớp thái dương hàm và được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Đức Giang điều trị.

Tại đây, các bác sĩ xác định bệnh nhân có dấu hiệu đè lưỡi tăng, tăng trương lực cơ cổ nhẹ, lưng, bụng chưa có co giật. Bệnh nhân được chẩn đoán mắc uốn ván toàn thể giai đoạn khởi phát. Trước đó, bệnh nhân này chưa từng tiêm phòng uốn ván.

Bác sĩ Lê Xuân Sơn, Trưởng khoa Truyền nhiễm trao đổi với Em Đẹp, sau 10 ngày điều trị uốn ván, bệnh nhân đã tỉnh táo, không sốt, miệng há 3cm, hết co giật, tiếp tục được điều trị dùng kháng sinh tiêu diệt uốn ván, khống chế co cứng cơ, và các rối loạn thần kinh thực vật.

Các giai đoạn của bệnh uốn ván

Bác sĩ Sơn cho biết, uốn ván là bệnh hiếm gặp, khi mắc phải, tiên lượng tử vong cao do điều trị kéo dài, diễn biến bệnh phức tạp. Bệnh khởi phát ở giai đoạn đầu rất dễ bị nhầm lẫn với bệnh lý về hàm mặt (cứng hàm).

Bệnh do nhiễm vi khuẩn uốn ván là một loại trực khuẩn gram dương gây ra. Ở ngoài môi trường, vi khuẩn uốn ván thường có trong đất, cây gỗ mục, mảnh sắt hoen rỉ, đường tiêu hóa của động vật có vú… Vi khuẩn bị nhiễm vào người do tiếp xúc trực tiếp từ những vết thương bị bẩn, sau mổ đẻ, vết thương động vật cắn.

Triệu chứng của bệnh gồm cứng hàm, khó há miệng mà không do chấn thương, không có sưng phù nề, sốt cao…

Thời gian ủ bệnh: Từ khi có vết thương tới khi có triệu chứng kéo dài 2-60 ngày (thơi gian ủ bệnh ngắn bệnh sẽ rất nặng).

Khởi phát bệnh: Cứng hàm tới khi có cơn co giật, co thắt hầu họng từ 1-7 ngày.

Toàn phát: Từ khi có con co giật/co thắt hầu họng tới khi bệnh lui từ 1-3 tuần.

Giai đoạn bệnh lui: Các cơn co giật hết, trương lực cơ bệnh nhân dần trở về bình thường. Bệnh nhân quay trở lại sinh hoạt bình thường, thời gian kéo dài khoảng 7 ngày.

Lưu ý

– Uốn ván có thể phòng ngừa nếu tiêm phòng vắc-xin, miễn dịch sau tiêm sẽ kéo dài 5-10 năm. Hiện nay, lịch tiêm uốn vấn đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ nhỏ và phụ nữ tuổi sinh đẻ.

– Khi bị vết thương do chấn thương, súc vật cắn, vật sắc nhọn đâm, mọi người cần tới cơ sở y tế để vệ sinh vết thương và tư vấn tiêm phòng uốn ván.

Phương Nam

Exit mobile version