Đại Kỷ Nguyên

Bảo bối dưỡng sinh của Đông Pha cư sỹ có đúng 2 chữ nhưng khiến người đời truyền tụng mãi

Bôn ba góc biển chân trời hàng chục năm, Tống triều văn nhân đúc rút cho người đời đúng 2 chữ. Ai làm được nhất định bất bệnh mà trường thọ bách niên.

Tô Thức (1037 – 1101), tự Tử Chiêm, hiệu là “Đông Pha cư sỹ” nên người đời còn gọi ông là Tô Đông Pha. Ông người Mi Sơn Mi Châu (nay thuộc thành phố Mi Sơn tỉnh Tứ Xuyên). Nhiều năm bôn ba góc biển chân trời đã mang đến cho Tô Đông Pha rất nhiều trải nghiệm mới mẻ, sâu sắc.

Đại văn học gia triều Tống cho rằng, dưỡng sinh nằm ở hai chữ “An” và “Hòa”. An tức là tĩnh tâm, Hòa tức là thuận tâm (hài lòng).

An là nguyên tắc của vạn vật, làm cho con người thấy nhẹ nhàng, và người ta tuân theo, đó là thuận theo nguyên tắc của vạn vật. Nói đúng ra, mỗi người nên phải có tâm tính “An” “Hòa” thì có thể đạt được cảnh giới dưỡng sinh của vạn vật xung quanh.

Đạo dưỡng sinh chủ phải an hòa, thuận mình cùng tự nhiên (Ảnh minh họa)

Tô Đông Pha cũng là tác giả cuốn “Quyết luận về phép dưỡng sinh sống lâu, thanh thản”, “Vấn dưỡng sinh”… Đó không chỉ là những phép dưỡng sinh hợp với tuổi tráng niên mà còn hợp với tuổi già để giữ cho cơ thể tráng kiện, đầu óc sáng suốt. Trong sách “Luận trà”, ông cho rằng trà trừ bệnh về răng lợi. Sau mỗi bữa ăn nên nhấp trà đặc, sẽ trừ được chứng viêm lợi, làm chắc răng.

Ông từng viết: “Nhất viết vô sự dĩ đương quý, nhị viết tảo tẩm dĩ đương phú, tam viết an bộ dĩ đương xa, tứ viết vãn thực dĩ đương nhục.”, viết xong còn chú thích rõ ràng phía dưới:

Con người không nên coi công danh lợi lộc, vinh nhục, được mất làm trọng. Trong tu dưỡng tâm tính nếu có thể ung dung tự tại, thích ứng trong mọi hoàn cảnh, vạn sự không mưu cầu, tất có thể trường thọ lâu dài và đáng quý hơn tài vật của cải. Người già nên hình thành thói quen sinh hoạt lành mạnh, dậy sớm ngủ sớm mới có thể trường thọ với đất trời.

Con người không nên cưỡng cầu an nhàn, nên thường xuyên đi bộ, ít cưỡi ngựa hay ngồi xe. Vận động hằng ngày một cách thích hợp có thể giúp tứ chi tráng kiện, khí huyết tuần hoàn lưu thông.

Về phương diện ăn uống, khi bụng đói mới nên ăn, ăn no tới 80% nên dừng lại như vậy mới có thể không sinh dục vọng ăn uống tham lam vô độ với món ăn ngon.

Đông Pha cư sỹ nhấn mạnh tới vấn đề bồi dưỡng tâm tính, sống có quy luật, thường xuyên vận động, điều độ trong ăn uống, không quá kén chọn đồ ăn… như vậy mới có thể kéo dài tuổi thọ.

Tô Đông Pha còn có một thói quen dưỡng sinh vô cùng độc đáo. Đó là dùng lược chải trên da thịt để tăng sức khỏe và xoa chân – được ông coi là bảo bối quan trọng nhất. Mỗi ngày trước khi ngủ và sáng dậy, ông đều ngồi trên giường, nhắm mắt, co từng bàn chân đặt lên đầu gối chân kia, dùng lòng bàn tay xoa mạnh gan bàn chân mỗi bên chừng 200 lượt.

Xoan bóp bàn chân giúp thông kinh lạc toàn thân

Y học ngày nay chứng minh việc xoa gan bàn chân có thể góp phần trị được nhiều bệnh như thiếu máu, tiểu đường, yếu sinh lý, đau lưng…
Ông tự giữ nghiêm ngặt chế độ sinh hoạt điều độ, tiết chế ẩm thực, “mỗi bữa không dùng quá một chén rượu, một miếng thịt”; coi trọng phương châm sống lạc quan, ham vận động.

Cuộc đời Tô Đông Pha ba chìm bảy nổi, mấy lần bị hạ ngục, vậy mà trong ngục ông vẫn tập luyện đều đặn, giữ tâm trí thảnh thơi, tinh thần sáng suốt. Lúc gặp cảnh đời bất đắc chí nhất, ông vẫn không hề buồn chán, sa đà rượu chè. Trái lại, ông ngao du sơn thủy, thưởng ngoạn danh thắng cổ tích, giữ được cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.

Nhiều bậc danh nhân xưa chú tâm tới thuật dưỡng sinh, Tống triều văn nhân Tô Đông Pha là một cây đại thụ trong đó. Từ thực hành và lý luận, các danh nhân đều nhất trí quan điểm rằng tinh thần và sức khỏe cơ thể có mối liên hệ mật thiết. Cốt lõi của nâng cao sức khỏe, kéo dài tuổi thọ chính là phải tu dưỡng tinh thần chứ không phải ăn gì bổ gì. Nguyên lý xem ra nhiều người có thể lĩnh hội, đơn giản nhưng thực hành thường hằng lại không dễ.

Theo Secretchina
Kiên Định

Exit mobile version