Đại Kỷ Nguyên

5 sai lầm thường gặp khi nấu cơm làm chất dinh dưỡng tổn thất nặng

Đồ ăn ngon mà cơm không đạt thì bữa ăn cũng kém hấp dẫn. Thậm chí, nếu nấu cơm không đúng cách, chất dinh dưỡng cũng theo đó mà bay đi.

Dưới đây là một số sai lầm mà không ít người gặp phải khi nấu cơm.

1. Vo gạo quá kỹ

Vo gạo kỹ quá làm mất chất (Ảnh minh họa)

Nghiên cứu cho thấy, lớp vỏ ngoài của hạt gạo tập trung nhiều vitamin, chất khoáng, chất xơ, sắt, kẽm rất cần thiết cho sức khỏe. Những chất này góp phần làm cân bằng và phong phú thêm thêm giá trị dinh dưỡng của hạt gạo.

Tuy nhiên xay xát gạo và vo gạo quá kỹ đã làm mất đi khoảng từ 70 – 95% những chất dinh dưỡng này. Một phần có thể là do thói quen từ thời bao cấp, khi nguồn gạo thường không đạt chất lượng, lẫn nhiều sạn, nên phải chà xát rất nhiều. Phần khác là do tâm lý thích ăn cơm trắng, cơm dẻo nên hạt gạo được xát kỹ hơn. Bạn nên thực hiện đúng nghĩa rửa gạo: tức là cho gạo vào xoong, nồi… khuấy nhẹ tay, rồi gạn nước nhằm loại trừ trấu, sạn.

2. Đổ quá ít hoặc nhiều nước

Cơm nấu đủ nước sẽ ăn ngon miệng, dễ tiêu hóa. (Ảnh minh hoa: qua dienmayxanh)

Lượng nước nhiều hay ít là yếu tố quan trọng quyết định cơm ngon. Bạn chỉ cần ghi nhớ Công thức đổ nước đơn giản sau: số bát nước = số bát gạo+ thêm 1/2 bát. Ví dụ: 1 bát gạo sẽ thêm 1,5 bát nước. Tất nhiên sẽ có 1 số giống gạo ít hút nước hơn (ít trương nở), hoặc gạo cũ nở nhiều hơn gạo mới… bạn cần điều chỉnh lượng nước cho phù hợp với khẩu vị của mình.

3. Nấu cơm bằng nước lạnh

Mọi người vẫn thường hay nấu cơm bằng nước lạnh. Nhưng việc sử dụng nước lạnh để nấu cơm sẽ khiến cho hạt gạo bị trương nở, các chất dinh dưỡng theo đó mà tan ra trong nước. Nếu nấu cơm bằng nước sôi sẽ khiến lớp ngoài của hạt gạo bị co lại, tạo lớp màng bảo vệ hạt gạo không bị nứt vỡ.

Nấu cơm bằng nước sôi kết hợp với đậy kín vung để giữ nhiệt, tránh tiếp xúc với oxy không khí (yếu tố phá huỷ thêm các vitamin trong gạo), sẽ không chỉ giúp nấu nhanh hơn, hạt cơm thơm dẻo hơn mà còn giữ lại được nhiều chất dinh dưỡng.

Nghiên cứu cũng cho thấy nhờ việc nấu cơm theo phương pháp này, lượng vitamin B1 sẽ được giữ lại nhiều hơn 30% so với cách nấu bằng nước lạnh.

4. Để chế độ giữ ấm quá lâu

Vì một lý do nào đó, sau khi nấu cơm bằng nồi cơm điện, cơm đã chín mà chưa ăn luôn, lại để ủ ấm vài tiếng đồng hồ. Điều này không tốt vì ủ cơm lâu với nhiệt độ cao và độ ẩm như vậy sẽ khiến cơm mất chất dinh dưỡng.

5. Hâm cơm bằng lò vi sóng

Lò vi sóng phá hủy các vitamin (Ảnh minh họa)

Lò vi sóng thật tiện lợi, nhưng nó cũng là kẻ hủy diệt các vitamin. Cơm để qua đêm hoặc để lâu rồi lấy ra hâm nóng bằng lò vi sóng để ăn sẽ có hại cho sức khỏe. Tốt nhất là bạn nên nấu bữa nào ăn bữa đó, tránh hâm đi hâm lại.

4 cách để ‘cấp cứu’ khi nấu cơm, cháo gặp sự cố

1. Cách nấu cơm, cháo không bị trào ra ngoài

Khi nấu cháo, nếu không để ý, cháo rất dễ bị trào ra ngoài. Nếu bạn cho vào nồi vài giọt dầu vừng khi bắt đầu sôi, thì cháo có sôi bao nhiêu cũng không bị trào ra ngoài.

Dùng nồi cơm điện nấu cơm cũng có thể bị trào. Để khắc phục tình trạng này, bạn nên vo gạo trước 3 tiếng đồng hồ, dùng lượng nước vừa phải để ngâm, sau đó mới cho vào nấu.

2. Xử lý cơm sống

Cơm sống là một vấn đề nan giải, nhất là khi nhà có khách. Để xử lý cơm sống, bạn có thể làm theo phương pháp này: Đánh tơi cơm sống, dựa theo tỷ lệ 500g gạo: 50g rượu, đổ rượu vào trong nồi, dùng lửa nhỏ để đun cho tới khi rượu bốc hơi hết, cơm sẽ chín và không có mùi rượu.

3. Xử lý mùi cơm khê

Mùi cơm khê có thể dịu bớt nhờ là và củ hành (Ảnh minh họa)

Cho nước lạnh vào một cái bát đặt vào giữa nồi cơm bị khê, ấn cho miệng bát xuống bằng với cơm. Tiếp đó, bạn đậy nồi cơm lại, sau 1-2 phút mở nồi ra, mùi cơm sẽ hết khê.

Cơm vừa bị khê, bạn mở nồi cơm ra, lấy 3-5 cọng hành tươi hoặc củ hành cho vào và đậy vung lại. Sau vài phút lấy hành ra, mùi khê sẽ hết.

Vừa ngửi thấy mùi khê, bạn ngay lập tức cho nồi cơm vào trong nước lạnh sâu khoảng 3 – 6 cm hoặc đặt lên trên mặt đất vừa vẩy nước lạnh, sau khoảng 3 phút, cơm cũng hết mùi khê.

Khi ngửi thấy mùi khê, bạn ngay lập tức rút điện, đặt lên cơm 1 miếng vỏ bánh mỳ, đậy vung lại, 5 phút sau vỏ bánh mỳ sẽ hút hết mùi khê, cháy.

4. Xử lý cơm nhão

Nhiều nước quá khiến cơm bị nhão (Ảnh minh họa)

Khi cơm bị nhão thì bạn nên mở vung ra để hơi nước đọng ở trên không rơi vào. Sau đó xúc cơm ra bát, đĩa để cơm bốc hơi, sẽ hạn chế bớt nhão.

Đại Hải tổng hợp

Xem thêm:

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.

Exit mobile version