Đại Kỷ Nguyên

10 thói quen dân văn phòng ‘cần bỏ ngay’ để tránh nguy hại cho sức khoẻ

Đặc thù công việc của khối nhân viên văn phòng là ngồi nhiều tại chỗ, tiếp xúc thường xuyên với điện thoại, máy tính, máy in và ở trong môi trường máy lạnh, vậy nên dễ mắc phải những thói quen rất không tốt cho sức khoẻ.

Hãy tham khảo 10 thói quen dưới đây xem bạn có điểm nào cần tránh.

1. Tư thế xấu

Những tư thế xấu phổ biến của dân văn phòng là vai gù và cột sống cong với cổ và đầu hướng về phía màn hình máy tính. Tư thế ngồi kém thường dẫn đến đau lưng và cổ.

Đau cổ và lưng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hạnh phúc cũng như mức độ năng lượng, theo một bài báo năm 2012 được công bố trên tạp chí Phản hồi sinh học.

2. Ngồi lâu

Việc ngồi ì một chỗ mà không vận động sẽ dẫn tới mỏi lưng và tụ máu ở phần dưới cơ thể. Bên cạnh đó, ngồi quá lâu cũng ảnh hưởng tới cổ.

Khi đứng lên đột ngột, máu không lưu thông kịp sẽ gây chóng mặt, nhức đầu, khó chịu.

3. Thường xuyên đi giày cao gót

Mang giày cao gót liên tục trong nhiều giờ đồng hồ sẽ khiến chân bị áp lực, sưng và đau, đặc biệt sẽ khiến cho vòm chân bị còng xuống. Do đó, cần trữ sẵn một đôi đế bệt, những lúc không cần thiết, tranh thủ tháo giày cao gót và xỏ đôi này.

4. Sử dụng máy tính quá lâu

(Ảnh minh hoạ)

Ngồi quá lâu trước màn hình vi tính sẽ làm tổn hại đến sức khỏe của da, đồng thời còn làm giảm tuổi thọ và giảm thị lực. Để khắc phục vấn đề này, sau một khoảng thời gian nhìn vào màn hình, nên rời màn hình rồi nhìn vào một vật xung quanh và chớp mắt để mắt không bị khô.

5. Ngồi sát máy in, máy photocopy

Theo các chuyên gia y tế, việc ngồi quá gần máy in hay máy photocopy có thể gây đau ngực, ho hay viêm họng vì khí ozone do các loại máy này phát ra. Máy in laser cũng có thể phát ra ozone, sản sinh ra bụi mực, khi chúng xâm nhập vào phổi và máu sẽ làm tăng nguy cơ ung thư và bệnh tim. Vì vậy, tốt nhất nên có một khoảng cách nhất định đối với các thiết bị này, hoặc đặt chúng ở một phòng riêng có hệ thống thông gió tốt.

6. Đeo tai nghe nhiều

Do sợ những tiếng ồn xung quanh làm xao nhãng công việc, nhiều người khi ngồi vào bàn làm việc là vội nhét tai nghe vào ngay. Thói quen này cực nguy hại cho thính lực vì khi đeo tai nghe, khoảng cách âm thanh truyền đến dễ dàng, trực tiếp kích thích đến thần kinh tai. Thời gian dài mở âm thanh lớn có thể làm suy giảm thính lực.

7. Ít uống nước

Trong phòng có điều hòa nhiệt độ, có thể không gây khát, nên quên uống nước. Điều này làm cho cổ họng bị khô, ảnh hưởng tới chức năng hoạt động của các cơ quan khác trong cơ thể, dễ gây ra các bệnh như: sỏi thận, giảm trí nhớ, sỏi đường tiết niệu…

8. Ăn quá nhanh

Đa phần dân văn phòng đều cảm thấy thời gian nghỉ trưa đối với họ quá ít nên họ phải làm mọi thứ thật nhanh, và ăn cũng qua loa cho xong bữa. Thói quen này không tốt cho hệ tiêu hóa và nếu tiếp tục duy trì sẽ có nguy cơ bị đau dạ dày, bị trào ngược, ợ chua và đầy hơi.

9. Bỏ ăn bữa sáng

Bữa sáng rất quan trọng, vì sau khoảng thời gian ngủ giấc dài cần bổ sung năng lượng cho cơ thể bắt đầu một ngày làm việc. Dân văn phòng được xem là một trong những đối tượng thường xuyên bỏ bữa sáng, điều này rất có hại cho sức khỏe. Bỏ ăn bữa sáng không chỉ khiến cơ thể mệt mỏi mà còn dẫn tới béo phí, vì vậy nên dành khoảng 15 để ăn sáng các bạn nhé

10. Không dưỡng ẩm da

Làm việc trong môi trường máy điều hòa lại thiếu không khí trong lành, da và hệ hô hấp chắc chắn sẽ gặp vấn đề. Cụ thể là da dễ mất nước, khô ráp, sạm màu, nổi mụn hay dị ứng… Vì vậy, bên cạnh việc uống nhiều nước thì việc dùng kem dưỡng ẩm và bổ sung các thực phẩm giàu vitamin A, E… cũng là điều rất cần thiết. Ngoài ra, thỉnh thoảng cũng nên ra ngoài để hít thở không khí trong lành nhằm cải thiện tình trạng trên

Hoàng Kỳ (T/h)

Xem thêm:

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.

Exit mobile version