Đại Kỷ Nguyên

Sự thật tàn nhẫn đằng sau giọt nước mắt của những chú hổ ở Thái Lan

Chùa là nơi linh thiêng, thanh tịnh, nơi giúp đỡ những người sa cơ lỡ vận hay cưu mang các loài động vật bị đe dọa, săn bắn. Tuy nhiên, “Chùa Hổ” ở Thái Lan lại đươc ví như “địa ngục trần gian” với những câu chuyện thẫm đẫm nước mắt.

Đất nước Thái Lan nổi tiếng với các tour du lịch chùa chiền, nhất là nơi có nuôi và huấn luyện hổ. Điển hình tại “Chùa Hổ”, một điểm du lịch nổi tiếng ở tỉnh Kanchanaburi, phía tây Bangkok trung bình mỗi ngày có khoảng 300 du khách ghé thăm.

Vào những ngày cao điểm, con số thậm chí có thể lên đến 900 người. Giá vé vào cửa để quan sát hổ là 300 baht (khoảng 193.000 VNĐ)/người.

Người ta biết đến chùa Hổ như một nơi thiêng liêng, trốn trú thân an toàn. Theo thông tin của nhà chùa, “những chú hổ ở đây được các nhà sư nuôi dưỡng rất tốt, hằng ngày cho ăn thịt gà và thịt bò”.

Tuy nhiên, các du khách không biết rằng đằng sau những cụm từ mĩ miều “chốn trú chân an toàn”, “thuần dưỡng bằng tay không” và “ngoan ngoãn selfie” là câu chuyện thẫm đẫm nước mắt của các chúa tể sơn lâm.

Nước mắt loài hổ rơi xuống ngay nơi chùa thiêng

Chứng kiến được nhiều sự việc tàn nhẫn của những “người nhân danh thiện nghĩa” trong nhà chùa, nhiều du khách, cộng đồng quốc tế và các hội bảo vệ động vật liên tục lên án về tình trạng vận chuyển, nhập lậu, ngược đãi động vật tại Thái Lan.

Vào ngày 1 tháng 6, cơ quan bảo tồn động vật hoang dã mới vào cuộc và mở những đợt “đột kích” bất ngờ. Cuối cùng, sự thật được đưa ra trước ánh sáng khi cơ quan này phát hiện 40 xác hổ non đông lạnh được cất giữ trong khu vực bếp của “Chùa Hổ”.

Một nhân viên CWI xót xa tâm sự: “Chùa Hổ thực chất hoạt động như một cơ sở bất hợp pháp để hổ sinh sản và trao đổi với một trang trại hổ ở Lào. Một vài con hổ non ban đầu có thể được tặng một cách hợp pháp. Nhưng phần còn lại đều được bán”.

Chưa dừng lại ở đó, sự việc lên tới đỉnh điểm khi giới chức Thái Lan tiếp tục khai quật được hơn 20 bình rượu ngâm hổ cũng tại ngôi chùa này.

Sự thật phũ phàng, tàn khốc trên đã khiến lòng dân không chỉ thất vọng tràn trề mà còn đẩy sự bất bình, phẫn nộ lên đến cao trào. Họ bắt đầu nghi ngờ về cách huấn luyện tay không và thực hư của việc những chú hổ “ngoan ngoãn selfie” là như thế nào?

Bức màn sự thật dần hé lộ, người ta càng thấy kinh sợ về ngành công nghiệp du lịch ở Thái Lan hơn. Những con hổ ngoan ngoãn nằm im để khách du lịch vuốt ve, selfie thực chất đều bị giam hãm, đánh đập và cho uống thuốc an thần. Đây đúng là nơi “địa ngục trần gian” kinh sợ nhất .

Theo báo cáo của nhóm Bảo tồn Động vật hoang dã của Anh (CWI), sau 2 năm tích cực điều tra tại “Chùa Hổ”: “Những con hổ thay vì được vuốt ve và chăm sóc tận tình như các hình ảnh tràn làn trên báo chí trước giờ lại bị ngược đãi và chịu sự huấn luyện tàn nhẫn, khắc nghiệt“.

Câu chuyện chưa có hồi kết, ngành công nghiệp tàn nhẫn vẫn tiếp tục

Theo CWI, mặc dù Chùa Hổ ở Kanchanaburi đã bị đóng cửa nhưng không có nghĩa ngành công nghiệp du lịch kiếm lời trên nước mắt loài hổ đã chấm dứt.

Ở vườn hổ Sriracha, thủy cung Samui ở Thái Lan vẫn tiếp tục cho phép khách du lịch selfie với hổ. Phũ phàng hơn, du khách còn được khuyến khích trả tiền để chụp hình và tha hồ tạo dáng với chúng.

Vốn dĩ, loài hổ bẩm sinh rất sợ lửa. Nhưng người huấn luyện đứng canh giữ và ép buộc chúng nhảy qua vòng lửa với chiếc roi bằng kim loại nặng lăm le trên tay. Nếu có bất cứ sai phạm nào, chúng sẽ ăn roi và bị bỏ đói sau đó.

Chính quyền Thái Lan cho biết: “Hiện tại có 1.500 con hổ đang bị giam cầm trên cả nước và tình trạng lạm dụng, ngược đãi không chỉ ở hổ mà còn nhiều loài động vật khác vẫn tiếp tục diễn ra. Vườn Sriracha đang nuôi giữ 350 con hổ, nhiều hơn bất kì cơ sở nào khác trên đất nước Thái Lan“.

Ở Thái Lan, bên cạnh hổ thì voi được sử dụng phổ biến trong ngành du lịch, cưỡi voi cũng là một trong những dịch vụ hút khách bậc nhất. Để du khách cưỡi lên lưng một chú voi không phải là điều dễ dàng. Cho nên, người quản lý phải huấn luyện chúng bằng nhiều hình thức tàn bạo như:

Đâm vào da thịt chúng một dụng cụ đặc biệt được gọi là bullhook – thanh kim loại có 2 ngạnh sắc nhọn ở đầu giống như sừng bò. Chúng sẽ học được cách sợ con người, và buộc phải phục tùng người ta dựa trên nỗi sợ đó.

Những chú voi con bị bắt xa mẹ từ khi nhỏ. Bản năng của voi sẽ thoái hoái dần bằng cách sử dụng phương pháp phân cách và buộc phải nghe theo sự kiểm soát của con người.

Chúng bị cùm, bỏ đói, đánh đập và luôn rất lo sợ những con dao, cây đinh được sử dụng để khống chế. Nhiều chú voi đã không thể sống sót sau quá trình này.

Rất nhiều chú voi bị thương, vết thương còn có máu rỉ khiến tỷ lệ bị nhiễm trùng tăng cao, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và đồng thời khiến cho khả năng tái hòa nhập của chúng khi thả về tự nhiên gần như không còn…

Ngoài ra ở Trung quốc, Tổ chức Bảo vệ Quyền lợi Động vật (PETA) châu Á sau khi đến thăm 10 rạp xiếc khác nhau và các cơ sở đào tạo động vật ở thành phố Tô Châu, các con động vật cũng phải hứng chịu phương pháp huấn luyện khắc nghiệt như:

Chúng bị xích vào một chiếc móc treo tường buộc phải đứng thẳng trong nhiều giờ đồng hồ để huấn luyện cách đi bộ. Nếu không giữ thẳng người, chúng sẽ bị ngạt thở đến chết.

Những con thú hung dữ như báo, sư tử liên tục bị người huấn lấy các thanh gỗ đánh vào chúng, mặc kệ sự gào thét đau đớn…

Nhận thức về việc chống ngược đãi động vật, các rạp xiếc ở Bolivia, Colombia, Ecuador, Hy Lạp, Mexico, Singapore và nhiều quốc gia khác trên thế giới đã cấm hoạt động.

Bên cạnh đó, nhiều nơi ngay lập tức nói không với những sản phẩm được thử nghiệm qua động vật, đưa ra điều luật phạt tiền, thậm chí phạt tù đối với hành vi ngược đãi, giết hại thú vật.

Còn bạn nghĩ sao về vấn đề này? Hãy bày tỏ ý kiến của mình để giúp cho những con động vật  xấu số kia được hưởng cuộc sống tốt đẹp vốn có nhé!

Hà Châu tổng hợp

Xem thêm:

Exit mobile version