Đại Kỷ Nguyên

Sawubona, lời chào đã trở thành di sản của nền văn minh hùng mạnh nhất lục địa châu Phi

Trong các bộ tộc ở Natal, Nam Phi, lời chào phổ biến nhất là “Sawubona”, có nghĩa là “Tôi thấy bạn, bạn quan trọng với tôi và tôi tôn trọng bạn rất nhiều”. Để đáp lại, mọi người sẽ trả lời: “Shikoba”, có nghĩa là “Tôi hiện hữu là vì bạn mà”.

Natal là một trong bốn tỉnh nguyên sơ ban đầu ở Nam Phi. Ở đây có vùng đất Bantustan ở Kwazulu hay vùng đất của người Zulu. Hầu hết những điều chúng ta biết về vùng đất và con người nơi đây là từ cuộc chiến nổi tiếng với nước Anh diễn ra vào cuối thế kỷ 19. Tuy nhiên, các sách lịch sử thường không coi trọng, hoặc bỏ qua di sản quý báu này của các dân tộc châu Phi. Rất nhiều di sản văn hóa, con người và triết học vô cùng thú vị đều bắt nguồn từ vùng đất này. “Sawubona” là một trong những di sản như thế

Sawubona: Mọi chú ý của tôi đều tập trung vào bạn. Tôi thấy bạn, biết được những nhu cầu của bạn, đoán được những nỗi sợ của bạn, hiểu được sai lầm của bạn và chấp nhận tất cả những điều này. Tôi chấp nhận bạn như bạn vốn có và bạn là một phần của tôi.

Thuật ngữ “sawubona” lại trở nên nổi tiếng trong những năm 90 trên thế giới, nhờ vào cuốn sách về kỹ thuật và cách tổ chức thông minh có tên “Môn thực hành thứ 5”. Trong cuốn sách này, tác giả Peter Sengue, giáo sư tại Đại học Stanford, đề cập đến người Zulus. Ông nhấn mạnh cách thức tuyệt vời của họ về tương tác và giải quyết các vấn đề với nhau. Không phải ngẫu nhiên mà họ trở thành một trong những nền văn minh hùng mạnh nhất trên lục địa châu Phi.

Bức tranh Sawubona – Lời chào đặc biệt của người Zulu (Ảnh: nospensees.fr)

“Sawubona” – lời chào của người Zulu tượng trưng cho tầm quan trọng của việc hướng sự quan tâm của mình đến một người khác. Quan tâm đến ai đó đối với bộ tộc này có nghĩa là: Bạn đang hiểu được thực tại của người đối diện mà không theo những thành kiến, hay oán hận. Nó cũng thể hiện ở việc bạn nhận biết nhu cầu của người kia; đồng thời đề cao người đó trong tập thể bằng cách coi họ như một phần quan trọng trong cộng đồng …

“Sawubona” – Tôi thấy bạn với tất cả hiện thực của bạn

Trong văn hóa phương Tây, câu chào phổ biến nhất là “xin chào, bạn thế nào?”. Đa phần chúng ta thể hiện câu chào này một cách tự động và hiển nhiên không đợi câu trả lời. Lời chào chỉ đơn thuần mang tính chất mào đầu cho một cuộc trò chuyện. Vì quan niệm này, hiếm khi chúng ta nhìn vào mắt nhau khi cất tiếng chào. Cuộc sống hiện đại ngày nay luôn thúc bách, đưa đẩy chúng ta nhằm vào những nhu cầu riêng của mình. Nhịp sống hối hả không đòi hỏi ta phải quan sát kỹ lưỡng ánh mắt của người khác để đoán biết những nhu cầu thực sự của họ. 

Người Zulu lại khác. Họ nhấn mạnh sự cần thiết phải nhìn người khác một cách có ý thức và bình tĩnh. Người Zulu tìm kiếm những khoảnh khắc để nuôi dưỡng sự giao tiếp bằng ánh mắt yên bình. Nó cho phép con người cảm nhận được những cảm xúc của người đối diện và bày tỏ mong muốn lắng nghe. Người Zulu tin rằng những ánh nhìn chân thành này có sức mạnh làm động tâm can của người đối diện, ngay cả khi họ là người có nhiều góc khuất trong tâm hồn, hay là người đã từng có những hành vi gây tổn thương những người khác và làm hại cho cộng đồng .

“Sawubona” là cách người Zulu bày tỏ sự tôn trọng dành cho người đối thoại (Ảnh: nospensees.fr)

“Sawubona” là cách người Zulu truyền đi thông điệp: Tôi đang quan tâm đến bạn, đang thực lòng muốn hiểu bạn, muốn nhìn ra những nhu cầu, những mong muốn, những sợ hãi, những đau buồn của bạn. Và quan trọng hơn, tôi cũng đang nhìn ngắm những điều tốt đẹp, những phẩm chất bên trong bạn. Liệu có ai không muốn được nhìn nhận theo cách này? Và liệu còn điều gì đáng giá và nuôi dưỡng cho một mối quan hệ bằng việc tặng cho người khác một vị trí trân trọng trong trái tim bạn, và trong cả cộng đồng?

Một số nhận thấy sự tương đồng giữa thuật ngữ “Sawubona” và lời chào “Namaste” trong tiếng Hindu của người Ấn Độ. Hơn cả lời chào, khi giao tiếp với người kia bằng tâm hồn và mong muốn trao đi sự tương hỗ thiện lành, người Zulu đang thực lòng trân trọng người cùng giao tiếp với mình. Những cử chỉ này thể hiện một nét đẹp đáng ngưỡng mộ rất xa lạ với thế giới hiện đại của chúng ta. 

“Shikoba” – Tôi cảm thấy nhẹ nhõm khi biết tôi tồn tại vì bạn

Khi một người thuộc cộng đồng Zulu gây ra một hành động sai trái, phạm lỗi hoặc phạm tội, mọi người yêu cầu anh ta đến giữa làng. Ở đó hàng xóm, bạn bè và gia đình của anh ta xếp thành một vòng tròn và anh ta phải đứng vào giữa. Mọi người nói câu chào nổi tiếng Sawubona với người đó, rồi gợi lại cho cá nhân đó những việc làm tốt, những thành công trong quá khứ và tất cả các đức tính tốt của anh ta.

Đối với người ở Natal và cộng đồng Zulu không ai sinh ra là xấu. Họ luôn tâm niệm rằng: Đôi khi những khủng hoảng và sự mất cân bằng khiến con người ra rời xa bản tính thiện lương tự nhiên này. Mục đích các cuộc họp này là để kêu gọi trở về con đường tử tế. Mọi người chỉ cho anh ta thấy sự hiện diện quan trọng của người đó đối với cộng đồng. Mục đích để đề cao người đó, để người đó quay lại con đường thiện lương, hòa đồng và vui vẻ.

Trong những buổi nói chuyện vòng tròn, người châu Phi dùng thiện lương để cảm hóa cái xấu (Ảnh: nospensees.fr)

Vì vậy, bất cứ khi nào một thành viên của cộng đồng nói “Sawubona”, người đó phải trả lời “Shikoba”. Câu trả lời này tạo ra sự nhẹ nhõm và hạnh phúc. Đồng thời, nó sẽ nhắc nhở cho người phạm tội đó rằng, anh ấy là một phần của cộng đồng, và mọi người đều công nhận điều đó bằng cả trái tim.

Người phạm lỗi này ban đầu có thể cảm thấy xa rời cộng đồng vì hành vi của mình, sau buổi gặp gỡ với cả làng để nói Sawubona và Shikoba, người đó có cơ hội để hòa nhập lại. Mọi người để cho anh ta một không gian, một sự gần gũi, một tầm quan trọng, đó là thời điểm để người phạm lỗi thấm thía những điều sai của mình. Nhưng đó cũng là khoảnh khắc anh ta có thể hàn gắn những tổn thương và bắt đầu lại mọi thứ.

Người Zulus luôn suy nghĩ rằng con người chỉ tồn tại khi những người khác nhìn thấy họ và chấp nhận họ. Và cộng đồng tạo nên con người. Do đó, không có gì hạnh phúc hơn là được tha thứ sau một lỗi lầm. Sự tha thứ giúp con người dễ dàng từ bỏ không gian cô độc mà bản thận họ tạo ra sau khi phạm lỗi, để quay trở về với cộng đồng. Họ có được sự dũng cảm thừa nhận lỗi sai để sửa chữa nó, bởi họ đã nhìn thấy cơ hội được giao tiếp, được cảm thông, yêu thương và chấp nhận.

Mỗi chúng ta phải chăng đều có thể học được cách nói lời chào chân thật mà đầy sự tôn trọng này (Ảnh: .informagiovanibiella)

Chúng ta liệu có thể học hỏi những lời chào nhân ái này từ bộ tộc Zulu. Học nói lời “Sawubona” để biết cách quan tâm đến người khác: Tôi thấy bạn, tôi chấp nhận bạn như bạn vốn có – Tôi đang lắng nghe nhu cầu của bạn. Để rồi có thể tha thứ cho những sai lầm. Học “Shikoba” – “Tôi tồn tại là vì bạn” để biết cách thừa nhận lỗi lầm của mình và nhanh chóng trở về với bản tính thiện lương. 

Xuân Hà biên dịch

Exit mobile version