Đại Kỷ Nguyên

‘Phật quốc’ Tây Tạng, nơi nụ cười đơn sơ và mộc mạc tỏa sáng giữa đất trời

Đứng uy nghiêm trên mái nhà của thế giới, dọc theo cao nguyên Thanh Tạng, Tây Tạng là một vùng đất hùng vĩ và tuyệt đẹp. Với bầu trời xanh ngắt cùng những dải đất bao la, những chỏm núi băng tuyết trắng xóa sừng sững, những mặt hồ trong veo trải dài, nơi đây chính là một bức tranh diễm lệ, lung linh và sâu thẳm. Không chỉ vậy, nó còn là miền đất ước mơ, nơi ấp ủ và nuôi dưỡng tâm hồn con người, nơi đưa con người về với đất trời cao rộng.

Tây Tạng là một vùng đất ở Trung Á và là nơi cư trú của người dân Tây Tạng. Nằm ở độ cao trên 4000 mét so với mực nước biển, nơi có dãy núi tuyết Hy mã lạp sơn hùng vĩ, cao nguyên này vẫn thường được gọi bằng cái tên đầy kiêu hãnh “Nóc nhà của thế giới.”

Tây Tạng thường được gọi bằng cái tên kiêu hãnh “Nóc nhà thế giới” (Ảnh: Pixabay)

Người Tây Tạng rất yêu thiên nhiên, yêu thương và trân trọng muôn loài. Họ quỳ lạy những dãy núi chập chùng và những hồ nước sâu thẳm. Họ chịu đựng băng tuyết giá lạnh và chăm chỉ làm việc. Họ uống trà bơ sữa và ngắm nhìn những lá cờ màu sắc rực rỡ tung bay trong nắng gió. Họ ca hát và nhảy múa theo những bài đồng dao trong những bộ trang phục truyền thống lộng lẫy. Nụ cười đơn sơ, mộc mạc của họ luôn rạng rỡ trên những gương mặt sạm nắng, rắn rỏi và kiên cường. Người Tây Tạng là hiện thân cho đức tính hiền hòa và nhẫn nhục.

Nơi đây có những chỏm núi băng tuyết trắng xóa và những mặt hồ trong veo trải dài (Ảnh: Pixabay)

Tây Tạng còn được gọi là “Phật quốc” bởi Phật giáo là nền tảng của xã hội truyền thống nơi đây. Toàn bộ nền văn hóa Tây Tạng được sinh trưởng và phát triển từ những giá trị tâm linh mà người Tây Tạng trân quý và tôn thờ, và nền văn hóa ấy đã bám rễ sâu vào cuộc sống của phần lớn người dân Tây Tạng.

Toàn bộ nền văn hóa Tây Tạng được sinh trưởng và phát triển từ những giá trị tâm linh mà người Tây Tạng trân quý và tôn thờ (Ảnh: Internet)

Ở Tây Tạng, chùa chiền được xây dựng ở khắp mọi nơi. Bất kỳ ai khi đặt chân tới miền đất thiêng liêng này đều không khỏi ngỡ ngàng và choáng ngợp khi tận mắt chứng kiến những bà lão tóc bạc phơ trong tay cầm chiếc ống có cuốn kinh Phật ở bên trong, các nhà sư trong những bộ cà sa màu đỏ tụng kinh và khấn Phật. Đất trời cận kề bên họ, ai ai cũng đều an nhiên và tĩnh lặng. Tây Tạng, nét đẹp lộng lẫy đã làm cho nhiều người chiêm ngưỡng quên lối về. Đến Tây Tạng để được sống lại một thời cổ xưa huyền ảo.

Tây Tạng lung linh và vô cùng huyền ảo (Ảnh: Internet)

Tới Tây Tạng, người ta không thể không tới Học viện Phật giáo Larung Gar nằm trong thung lũng Larung ở độ cao 4.000 m, cách thị trấn Sertar, Garze, Tây Tạng khoảng 15 km. Học viện do một vị Lạt ma thành lập vào năm 1980 khi nơi này chỉ là một vùng đất hoang vu, hoàn toàn không có người ở. Dù ở giữa vùng xa xôi, hẻo lánh nhưng Larung Gar vẫn không ngừng phát triển, và trở thành một trong những trung tâm nghiên cứu Phật giáo Tây Tạng lớn và có ảnh hưởng nhất thế giới.

Học viên Phật giáo Larung Gar nằm trong thung lũng Larung ở độ cao 4000m (Ảnh: Internet)

Khuôn viên của Larung Gar vô cùng rộng lớn, với những ngôi nhà mang kiến trúc truyền thống độc đáo trải khắp một vùng thung lũng và sườn núi bao quanh. Học viện Larung Gar có hơn 40.000 tu sĩ, nữ tu và các chư vị giáo sư. Nơi đây chính là biểu tượng và niềm tự hào của Phật giáo Tây Tạng.

Nơi đây là nét đẹp lỗng lẫy làm cho người chiêm ngưỡng quên lối về (Ảnh: Internet)

Tuy nhiên, nét đẹp đó hiện đang bị đe dọa nghiêm trọng. Ngày 20/7/2016, chính quyền Trung Quốc đã đưa người vào tiến hành phá dỡ Học viện Phật giáo Larung Gar, thánh địa Phật giáo của người Tây Tạng. Chính quyền dùng máy kéo, máy xúc đập phá toàn bộ những kiến trúc truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa Tây Tạng, đẩy hơn 40.000 tăng ni đang cư trú tại đây rơi vào cảnh màn trời chiếu đất, buộc phải rời khỏi tu viện truyền thống của mình.

Hơn 40.000 tăng ni đang cư trú tại đây rơi vào cảnh màn trời chiếu đất, buộc phải rời khỏi tu viện truyền thống của mình (Ảnh: Internet)

Sự kiện Trung Quốc phá hủy Thánh địa Phật giáo lớn nhất thế giới Larung Gar chỉ là câu chuyện được kể tiếp về lịch sử đàn áp tôn giáo, tín ngưỡng kinh hoàng ở quốc gia này.

Cũng vào ngày 20/7/1999, Đảng Cộng sản Trung Quốc mà đứng đầu là cựu Tổng bí thư Giang Trạch Dân đã ra lệnh đàn áp và thanh trừ Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần ôn hòa lấy Chân – Thiện – Nhẫn làm nền tảng, mang lại một trạng thái thăng hoa cả về sức khỏe và tinh thần cho người tập luyện, một môn tu luyện trăm phần có lợi mà không một phần hại. Cuộc đàn áp đã đẩy hơn 100 triệu người tu luyện vô tội vào cảnh bị tù đày, tra tấn, đánh đập, biết bao trẻ em trở thành mồ côi, không nơi nương tựa, biết bao gia đình chịu cảnh ly tán, tan hoang.

Niềm tin vào Thần Phật vốn là bản tính nguyên sơ của người Phương Đông đã bị chính quyền thẳng tay trừ diệt để xưng tụng chủ nghĩa vô thần bất chấp Thiên lý lẫn đạo lý. Bất cứ ai yêu Tây Tạng cũng cảm thấy đau đớn. Tây Tạng, nơi có những tâm hồn an lạc nhất thế gian đang rơi lệ.

Thiên Thủy

Exit mobile version