Đại Kỷ Nguyên

Phát hiện mới: “Phế phẩm” của cà phê có thể chữa tim mạch, tiểu đường

Vỏ trấu và vỏ lụa của hạt cà phê vốn là phế phẩm bỏ đi, nhưng một nghiên cứu mới của Mỹ vừa khám phá ra tác dụng tuyệt vời của nó đối với các bệnh nhân tim mạch, tiểu đường.

Nếu sản lượng cà phê hàng năm ở các tỉnh Tây Nguyên (nơi sản xuất cà phê lớn nhất Việt Nam) khoảng trên dưới 1 triệu tấn nhân, thì lượng vỏ cà phê thu được là một con số khổng lồ, theo tờ Nông nghiệp đưa tin. Người trồng cà phê ở Tây Nguyên sau khi thu hoạch cà phê xong, đem xay để lấy nhân, còn vỏ cà phê thì được cho là phế phẩm, đem đổ bỏ.

Ảnh: Nongnghiep.

Nhiều năm trở lại đây, dưới sự hướng dẫn của các nhà chuyên môn, nông dân Tây Nguyên đã biết sử dụng chính cái gọi là “phế phẩm” ấy – vỏ cà phê, đem ủ làm phân vi sinh, bón cho vườn cây của mình. Việc làm này không những làm sạch môi trường, mà còn đem đến cho người trồng cà phê ở đây một lượng phân bón hữu cơ dồi dào, chất lượng cao, tiết kiệm được rất nhiều tiền đầu tư…

Tuy nhiên, mới đây điều tuyệt vời hơn lại được phát hiện ra từ “phế phẩm” ấy. Theo báo NLĐ, công trình vừa công bố trên tạp chí Food and Chemical Toxicology đã tìm ra “vị thuốc” có tính năng giảm viêm, giảm sự đề kháng insulin trong vỏ trấu và vỏ lụa của hạt cà phê, thứ được coi là sản phẩm phế thải của ngành chế biến cà phê.

Giáo sư Elvira Gonzalez de Mejia từ Đại học Khoa học Nông nghiệp, Tiêu dùng và Môi trường thuộc Đại học Illinois (Mỹ), một trong các tác giả chính, cho biết hai hợp chất tuyệt vời họ tìm thấy trong vỏ hạt cà phê là axit protocatechuic và axit gallic.

Ảnh: Capherangxay.

Khả năng giảm viêm, cải thiện khả năng xử lý glucose và độ nhạy insulin này có thể là tiền đề cho các phương thuốc trị hàng loạt bệnh, như tiểu đường type 2 hay một số bệnh tim mạch.

Vì là thứ hoàn toàn tự nhiên, có nguồn gốc từ thực phẩm nên “vị thuốc” này không độc hại. Hơn nữa chúng còn là những chất chống oxy hóa mạnh mẽ. Chất chống oxy hóa từ lâu đã được biết đến là liều thuốc tốt cho tuổi thọ, ngăn ngừa lão hóa và nhiều bệnh tật.

Các tác dụng này đã được chứng minh qua thí nghiệm trên 2 tế bào là đại thực bào (tế bào phản ứng miễn dịch và tế bào mỡ); cũng như thử nghiệm trên quá trình sản xuất và chuyển hóa các tế bào mỡ trong cơ thể, cơ chế phản ứng viêm… Các bước phân tích cũng cho thấy “vị thuốc” này có tiềm năng cho hiệu quả bền vững nhờ cải thiện các khả năng tự nhiên của cơ thể.

Video xem thêm: Bác sĩ: hành trình chữa bệnh cho chính mình

Exit mobile version