Tại một số quốc gia châu Á, người ta đã quen với kiểu đánh giá thành công của bản thân mình và người khác qua tài sản vật chất đang sở hữu. Điều này sẽ khác biệt hoàn toàn khi bạn đến Mỹ. Ở đây, người ta thường không thể hiện sự giàu có, họ dùng tiền để trang trải cuộc sống của bản thân, chăm sóc người thân và gia đình.
Người giàu không nhất định sở hữu nhà lầu xe hơi
Ở Mỹ, những căn nhà độc lập được thiết kế giống như biệt thự của chúng ta, ngoài ra còn một loại nhà xây theo từng phố (chúng ta gọi là biệt thự liền kề) có giá rẻ hơn. Điều đặc biệt là những người bình thường ở đây cũng có thể mua nhà, chứ không phải chỉ có người giàu. Điều đó đồng nghĩa với việc sở hữu một căn nhà to đẹp không “chứng tỏ” được bạn là một người giàu có.
Tỷ phú Warren Buffett, một trong những người giàu nhất thế giới vẫn sống trong ngôi nhà giản dị mua từ năm 1958 và không có ý định chuyển nhà dù cho tài sản của ông liên tục gia tăng nhanh chóng trong những năm qua.
Hơn nữa, người Mỹ rất năng động, tính cách sôi nổi, thích trải nghiệm những môi trường sống khác nhau và thường xuyên thay đổi công việc, mỗi lần như vậy đều có thể chuyển cả chỗ ở. Trong nhiều trường hợp, đi thuê nhà sẽ phù hợp với sự lưu động của công việc và cuộc sống. Chính bởi điều này mà người Mỹ không cần “an cư lạc nghiệp”, họ đề cao sự tự do và sống thoải mái hơn việc sở hữu một tài sản cố định.
Người quyền quý cũng không được đối xử đặc biệt
Ở Việt Nam, nếu được chụp ảnh riêng với chủ tịch nước, thủ tướng hay các nhân vật quyền quý là một điều rất đáng để tự hào. Nhưng ở Mỹ thì khác, quan chức Chính phủ là do cử tri bầu cử và bạn sẽ có nhiều cơ hội gặp họ khi họ tiến hành chiến dịch vận động tranh cử. Nếu bạn muốn chụp ảnh, họ sẽ cười vui vẻ và thể hiện thái độ thân thiện nhất với bạn, sau đó còn phải cảm ơn bạn đã ủng hộ cho họ. Đặc biệt, các quan chức sau khi được bầu chọn, bạn viết thư cho họ nhất định sẽ nhận được hồi đáp. Nếu như trong giờ làm chưa giải quyết hết công việc, họ sẽ phải ở lại muộn để trả lời từng lá thư một.
Một viên chức Trung Quốc đã từng chia sẻ: “Ở trong nước, người khác nhìn tôi là cúi đầu khom lưng. Nhưng ở Mỹ, ngay cả người nhặt ve chai họ vẫn luôn đứng thẳng.”
Các đại gia châu Á vốn quen “chỉ tay năm ngón” khi đến đất Mỹ cũng mất hết sự kiêu ngạo, bởi, đối với người Mỹ, con đường bạn hay tôi đang đi đều chỉ là một lựa chọn, và đều được trân trọng như nhau. Người ta dựa vào tình huống thực tế của bản thân để lựa chọn công việc và các phương diện khác trong cuộc sống chứ không phải là để gây dựng danh tiếng cho bản thân, gia đình hay dòng tộc.
Khi bạn từ một khách sạn sang trọng bước ra gọi xe, bạn sẽ thấy người phục vụ rất đúng mực, lễ phép và chu đáo với bạn nhưng anh ta không hề ngưỡng mộ chiếc xe đắt tiền bạn đang đi hay bộ vest sang trọng bạn mặc. Đó có lẽ là điều đã tạo nên nước Mỹ vĩ đại, bởi, khi thanh thế không thể khiến một cá nhân sợ hãi thì cả dân tộc đó sẽ khiến người khác kính nể.
Dù bạn là ai, gia đình vẫn là số một
Hiện nay, rất nhiều người bị cuốn vào công việc và tiền bạc đến nỗi không có thời gian dành cho gia đình, thậm chí có những người làm việc cả ngày lẫn đêm. Chồng không phụ giúp vợ việc nhà, mẹ không có thời gian chăm lo cho con, đến mức, khi cha mẹ qua đời có thể còn không kịp đến gặp mặt lần cuối…
Ở Mỹ, nếu làm như vậy thì bạn sẽ bị người khác phê phán. Đối với họ, gia đình là số một: người Mỹ thường đặt ảnh chụp chung của gia đình trên bàn làm việc, sau giờ làm và cuối tuần họ đều dành thời gian cho gia đình, hàng năm đều có những kỳ nghỉ mà cả nhà cùng tham gia…
Gia đình đệ nhất tiểu thư Mỹ Ivanka Trump là một ví dụ điển hình. Mặc dù đảm nhiệm nhiều vai trò và lịch trình làm việc vô cùng bận rộn, nhưng hai vợ chồng Ivanka chưa bao giờ xao nhãng việc gia đình. Họ dừng mọi công việc vào cuối tuần và các kỳ nghỉ để đưa các con ra ngoài dạo chơi, hàng ngày tự tay chuẩn bị bữa ăn cho con cái và dành mọi khoảng thời gian có thể cho tổ ấm của mình. Đây là điều mà những người giàu có và bận rộn khác rất khó làm được.
Bạn đang đọc bài viết: “Ở Mỹ, giới nhà giàu có là những người đặc biệt trong xã hội?” tại chuyên mục Đời Sống của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: dkn.doisong.giaoduc@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn! |