Những ngày này, cả nước đang xôn xao chuyện điểm thi THPT Quốc gia, những gia đình có con em dự thi thì đau đầu chuyện xét tuyển, nguyện vọng, điểm chuẩn đầu vào các trường đại học… Tôi tìm đến một trường đại học đào tạo về kinh tế danh tiếng ở Hà Nội, ngôi trường là mơ ước của biết bao thí sinh dự thi.
Trường đang độ nghỉ hè nên khá vắng vẻ, đâu đó chỉ có một số em đăng ký học hè, một số khác thì đến sinh hoạt câu lạc bộ, chơi guitar, một số đến trường để hoàn thành nốt thủ tục tốt nghiệp… Ban đầu tôi hơi e ngại khi đến bắt chuyện nhưng sau khi nhận được sự chào đón nhiệt tình từ các em, chúng tôi bắt đầu nói chuyện rất thẳng thắn và cởi mở. Cùng với một câu hỏi: “Các em có cảm nghĩ gì về trường đại học”, tôi đã nhận được rất nhiều câu trả lời khác nhau.
Q.B (sinh viên năm cuối): Có lẽ em chọn sai trường rồi chị ạ. Trước kia em chỉ thi vào trường vì nó hot nhưng học xong rồi em vẫn chưa biết ra trường mình sẽ làm gì, em cũng không tự tin apply vào các công ty vì tiếng anh của em chỉ ở mức bình thường, em lại chưa có kinh nghiệm. Hiện tại em đang đi làm phục vụ ở một nhà hàng để trang trải sinh hoạt.
T.A (sinh viên năm cuối): Em vẫn chưa ra được trường vì còn nợ môn. Lúc trước cũng vì em ham chơi điện tử quá nên mới bị như vậy. Em đang tranh thủ hè này đăng ký học để nhận bằng vào tháng 12 sắp tới. Em có một người bạn nữa cũng phải ra trường muộn vì mải đi làm thêm kiếm tiền quá, bây giờ mới chịu tập trung vào học để “trả nợ” môn. Cũng may bố mẹ vẫn chu cấp tiền hàng tháng cho chứ bạn em đã bị cắt tiền viện trợ từ tháng trước rồi.
H.N (sinh viên năm 3): em hoang mang lắm chị ơi. Chỉ còn 1 năm nữa là ra trường nhưng em cũng chưa biết ra trường mình sẽ đi đâu, làm gì. Em còn học rất kém tiếng anh nữa. Em đã đi học rất nhiều trung tâm, cả giáo viên Việt Nam và nước ngoài nhưng vẫn không tiến bộ được bao nhiêu. Trước kia là em thi đại học ban A nên tiếng anh của em kém lắm. Khi vào trường em lại càng tự ti vì không theo kịp chương trình học.
Đ.N (sinh viên năm nhất): Em mới học năm nhất nên xả stress đã chị ạ. Hồi học phổ thông em phải chịu rất áp lực nên giờ em muốn theo đuổi những sở thích mà trước đây không có cơ hội. Em muốn học guitar, học dance và cả chụp ảnh nữa.
N.A (sinh viên năm nhất): Chị gái em trước học ở đây nên em cũng thi vào trường này. Chị ấy giờ đang làm cho một tập đoàn đa quốc gia có trụ sở ở Sài Gòn. Chị khuyên em nên tập trung học ngoại ngữ và các kỹ năng mềm. Em đang cố gắng học tiếng anh để xin học bổng và tham gia các hoạt động ngoại khóa để năng động hơn. Nhà em ở Hà Nội nên em không gặp nhiều khó khăn để làm quen với môi trường mới ở đại học như các bạn ở nơi khác. Nói chung em nghĩ quan trọng nhất là bản thân mình có cố gắng trau dồi kiến thức hay không, còn danh tiếng của trường chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong thành công sau này của mình. Em may mắn vì có chị định hướng và chỉ dẫn nên biết khá rõ mình cần làm gì còn một số bạn thì không may mắn được như vậy. Nhiều bạn phải tự dò đường và làm quen với môi trường mới ở đại học rất cực, nhưng em tin nếu cố gắng thì ai cũng có cơ hội thành công.
Kết thúc buổi chiều, tôi ra về mà lòng nặng trĩu. Chia sẻ tích cực của N.A có lẽ không đủ để tôi hết buồn vì những góc tối phía sau cánh cổng trường đại học, bởi tôi biết vẫn còn rất nhiều những câu chuyện tương tự như Q.B hay T.A. Để thi đậu vào trường đại học top đầu cả nước, các em đã phải học hành vô cùng vất vả, thức khuya dậy sớm ôn luyện, căng thẳng, áp lực suốt một thời gian dài. Các em đều đã từng là những học sinh xuất sắc, từng là niềm tự hào của gia đình, từng mang theo biết bao ước mơ, hoài bão vào trường đại học, nhưng kết quả thì….
Tôi không trách nhiều em đã “ngủ quên” trong những năm tháng đại học, bởi lẽ tôi biết bên ngoài trường học có rất nhiều thứ hấp dẫn cám dỗ các em, mà những đứa trẻ mới vào đời thì rất khó để đứng vững mà không chênh vênh. Tôi chỉ buồn cho những mầm tài năng còn quá non nớt để đương đầu với sóng gió nghiệt ngã của cuộc đời, chỉ thương cho những ông bố bà mẹ ở một làng quê nghèo nào đó đang vất vả sớm hôm ngoài đồng bất kể mưa nắng để lo cho con “ăn học thành tài”.
Tôi cũng không trách hệ thống giáo dục nước nhà, bởi lẽ tôi hiểu rằng chúng ta đều muốn thay đổi nó, cải tiến nó; chỉ là có quá nhiều vấn đề nan giải vẫn còn tồn đọng ở đó, mà những người làm giáo dục vẫn đang nỗ lực “dò đường”. Tôi chỉ mong rằng, trước khi con đường ấy được tìm ra, các em sinh viên có thể trưởng thành và sống trách nhiệm hơn với cuộc đời mình; còn với các em chuẩn bị bước vào cánh cổng đại học, hãy suy nghĩ thật chín chắn và cẩn thận. Dù thế nào tôi vẫn luôn tin tưởng và thương mến các em!
Hải Dương