Đại Kỷ Nguyên

Những điều thú vị về Burundi ‘trái tim của Châu Phi’, đất nước có những người ‘đói nhưng không nghèo’

Burundi đất nước nằm ở trung tâm Châu Phi, nơi được biết đến là “đất nước triệu nụ cười” bởi sự thân thiện và nhiệt tình của người dân bản địa. Nhưng không chỉ có vậy, đất nước nhỏ bé này còn có những điều rất thú vị về con người và văn hoá mà không phải ai cũng biết.

Ảnh: Reference.com

Burundi là quốc gia thuộc vùng trung tâm châu Phi, nằm trong liên kết các nước Đông Phi. Phía Bắc giáp Rwanda, phía Đông và Nam giáp Tanzania, phía Tây giáp Cộng hòa Dân chủ Congo và hồ Tanganyika.

Thân thiện và nhiệt tình

Ở đất nước Burundi, bất kỳ người nào bạn gặp trên đường cũng có thể tươi cười và nói “Bwakeye / Mwaramutse!” (Xin chào!) một cách thân thiện với bạn. Khi cần hỏi đường hay nhờ giúp đỡ, mọi người đều dễ dàng nhận lời. Họ cũng có thể vì bạn mà thay đổi lịch trình, đi cùng bạn tới nơi bạn cần đến trước rồi sau đó mới quay lại con đường của mình.

Ảnh: unicefusa.org

Nếu không may ôtô của bạn gặp sự cố và chết máy giữa đường, các thanh niên sẽ nhiệt tình đến giúp mở nắp xe, kiểm tra xe như một người thợ sửa xe chuyên nghiệp. Sau khi giúp bạn xong, họ vui vẻ nói xin chào và rời đi.

Đội mọi thứ lên đầu

Nếu đến Burundi, chắc hẳn điều đầu tiên gây ấn tượng với bạn có lẽ là hình ảnh người dân nơi đây đội mọi thứ lên đầu từ đứa trẻ đầu đội vừa một nải chuối lớn, hay những người phụ nữ đội trên đầu xô, chậu, bao tải lớn và thậm chí cả những cây mía dài… chỉ cần bước chân ra đường là bạn đã có thể thấy rất nhiều người dân địa phương với phong cách đặc trưng này.

Ảnh: en.wikipedia.org

Tại các khu vực miền núi của Burundi, người dân có thể mang khối lượng một vật bằng 70% trọng lượng cơ thể của họ trên đầu. Ngoài ra, để giảm sự ma sát với da đầu, họ đặt một miếng vải quấn thành vòng tròn trên đầu trước khi đặt các vật khác lên.

Ảnh: victorenglebertphotography.blogspot.com

Vậy vì sao họ lại đội mọi thứ lên đầu? Nếu bạn hỏi người dân địa phương câu hỏi này thì họ sẽ vui vẻ trả lời là “họ thích như vậy”. Nhưng, tất nhiên ngoài lý do người Burundi yêu thích truyền thống đội đầu của mình thì còn những lý do khác nữa.

Ở Burudin, ngoại trừ vài con đường ở thủ đô Bujumbura là bằng phẳng, còn lại hầu hết các nơi đều là địa hình đồi núi, dốc đá, di chuyển khá khó khăn. Nơi đây cũng không có nhiều phương tiện để hỗ trợ vận chuyển, vì vậy, cách tốt nhất để mang vác hàng là đội lên trên đầu, vừa giúp giảm sức nặng của đôi tay, vai, lưng vừa cảm thấy thoải mái hơn khi cầm thêm nhiều thứ khác. Một số người thì cho rằng cách mang vác đồ này giúp họ dễ dàng di chuyển khi đi trên con đường đồi dốc. Dần dần qua nhiều thế hệ, việc đội mọi thứ lên đầu đã trở thành thói quen cho cả một dân tộc.

Phụ nữ tóc dài nhưng không phải tóc thật

Có lẽ không ít người trong chúng ta khi xem những hình ảnh về phụ nữ Châu Phi vẫn tự hỏi: không hiểu vì sao tóc của họ lại quăn tít và ngắn đến vậy?

Ảnh: trocaire.org

Thật ra, rất nhiều cô gái bản địa đều ao ước có được mái tóc dài, suôn thẳng hoặc uốn lọn. Nhưng, có một thực tế là 100% người dân Châu Phi (không lai) có tóc thật quăn tít và chỉ dài 1-2cm, sát da đầu. Vì vậy, nếu thấy các cô gái tết tóc, thắt bím thì đó là tóc được nối hoặc các loại tóc giả được đội lên đầu, đa phần tóc giả được thắt sẵn từ sợi ni lông sẽ rẻ và phổ biến hơn.

Các cô gái tết tóc, thắt bím thì đó là tóc được nối hoặc các loại tóc giả được đội lên đầu. (Ảnh: edge.ug)

Phụ nữ ở Burundi nếu đi làm văn phòng sẽ dành một khoản chi tiêu khá lớn cho việc làm các kiểu tóc và mua tóc giả, thậm chí tới khoảng một phần tư tiền lương mỗi tháng.

Ảnh: empirelifemag.com

Ưu tiên hàng đầu cho người đi bộ

Vì đất nước Burundi chưa có nhiều cột đèn giao thông nên ý thức giao thông của người dân là nhường nhịn nhau, hạn chế bóp còi xe.

Ảnh: english.alarabiya.net

Nếu bạn có ngơ ngác lỡ trớn băng qua đường mà quên ngó nghiêng hai bên thì cũng không bị bác tài nào la mắng. Họ chỉ nhẹ nhàng nói với bạn làm như thế rất nguy hiểm và tự bạn sẽ cảm thấy áy náy vì sự bất cần của mình mà lần sau cẩn thận hơn.

Vì luôn nhường nhịn nhau mà đôi khi cũng xảy ra chuyện dở khóc dở cười, có hôm khi giữa ngã ba đường, chỉ có hai chiếc xe vì cứ nhường nhau khiến xe phía sau kẹt lại một dòng dài. Và lẽ thường, khi người điều khiển xe trông thấy bạn đi bộ từ xa, họ sẽ giảm tốc độ để nhường đường. Dù bất cứ tình huống nào thì người đi bộ cũng được ưu tiên hàng đầu.

Không đánh nhau

Khi đi ngoài đường phố ở Burundi, bạn sẽ vô tình nghe tiếng la ó ồn ào của một đám thanh niên, ai nấy đều cao to lực lưỡng lao sầm vào nhau thật đáng sợ. Nhưng khi nhìn kỹ bạn sẽ nhận ra họ chỉ xô đẩy nhau như đang chơi bóng bầu dục thôi chứ không đánh nhau.

Ảnh: cnn.com

Người Burundi hiếm khi có chuyện đánh nhau hay đâm chém vì xích mích cá nhân, họ cứ đẩy qua đẩy lại cả một buổi đến khi nào chán thì mọi người sẽ tự giải tán. Bạn sẽ thấy dù họ giận đỏ mặt tía tai nhưng nhất định không đánh nhau. Có lẽ, một phần lý do cho hành động này là vì luật ở đây phạt rất nặng cho những tội ăn cắp vặt hay đánh nhau.

Và một điều đặc biệt khác, ở Burundi không công nhận mối quan hệ đồng giới. Hình phạt cho mối quan hệ đồng giới nếu bị phát hiện sẽ là bỏ tù hoặc tử hình.

Đến Burundi bạn sẽ quên đi những định kiến trước đây về một châu Phi nghèo đói để cảm nhận chân thực nhất về một vùng đất mới. Bởi, đằng sau những vất vả nhọc nhằn vẫn là nụ cười rạng rỡ của những đứa trẻ bản địa chạy tung tăng trên phố, các bà các chị dành dụm tiền để đổi kiểu tóc mới. Đằng sau khí hậu và điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, người dân địa phương nơi đây vẫn giữ trong mình những truyền thống tốt đẹp. Mọi điều trên thế giới đều luôn làm chúng ta bất ngờ và có cái nhìn khách quan hơn để hiểu và yêu hơn văn hóa muôn màu xung quanh.

Huệ Nhi tổng hợp

Exit mobile version