Đại Kỷ Nguyên

Những điều chưa được kể về thung lũng Silicon: Là thiên đường hay địa ngục?

Là một quản lý tại Google, cô Gloria Liou đã chia sẻ những trải nghiệm chân thực nhất về cuộc sống ở Thung lũng Silicon, “vùng đất mơ ước” của rất nhiều người, nơi có đời sống cao cấp và các công ty hàng đầu thế giới, nơi mà hầu hết chúng ta khẳng định rằng: “Ai mà không muốn sống ở đây kia chứ?”  

Tôi lấy làm vinh dự được sống ở Thung lũng Silicon. Tôi sinh ra và lớn lên ở đây, bây giờ tôi làm việc tại đây với tư cách là người quản lý sản phẩm cho Google. Thời tiết nơi này rất tuyệt, tỷ lệ tội phạm thấp và các trường học được tài trợ tốt. Những người trưởng thành tìm được công việc vừa ý, trẻ con có nguồn lực vô tận. Mọi người thưởng thức món sushirritos với giá chỉ 15 đô la và cà phê Blue Bottle với giá 6 đô la. Các đường phố tràn ngập những chiếc xe điện nổi tiếng Teslas và các loại xe tự lái.

Đây là nơi của cơ hội. Nhiều sinh viên mới tốt nghiệp, bao gồm cả tôi, đều cố gắng tìm kiếm một công việc với mức lương hậu hĩnh triệu đô, cộng với nguồn vốn sở hữu, tiền thưởng, trên hết là các món lợi nhuận, ngay từ khi học đại học. Hơn thế nữa, tôi nhận được thực phẩm miễn phí không giới hạn tại nơi làm việc, ba bữa ăn đầy đủ mỗi ngày và nhiều đồ ăn nhẹ như tôi muốn ở giữa bữa. Chúng tôi có một nơi để giặt giũ, cắt tóc, có cả một khu chơi bowling và khu vực leo núi đá mô hình.

Ảnh: enkey.it

Đây chính là thung lũng Silicon, ai mà không muốn sống ở đây kia chứ?

Tuy nhiên, có những bức tranh khác về Thung lũng Silicon. Trong khoảng thời gian khi tôi học lớp 8, bốn học sinh tại một trường học gần đó đã tự tử bằng cách nhảy vào trước đường sắt Caltrain. Vào năm tôi học lớp mười, một người bạn cùng trường thường cùng tôi đi bộ đến thư viện đã tự kết liễu đời mình. Vào năm cuối trung học, mỗi bạn học của tôi đều có một cố vấn đại học. Một số người đã trả tới 400 đô-la/một giờ cho các cố vấn để chỉnh sửa lại bài tiểu luận của họ. Ngoài ra, tôi còn chứng kiến ​​các học sinh khác trả tiền để “mua” bài luận được viết sẵn. Các bạn cùng lớp của tôi đã khóc khi nhận được điểm A trong bài kiểm tra, khóc vì nhận được ít hơn 100 lượt thích trên hồ sơ của họ và khóc vì không vào được đại học Harvard. (Tôi thừa nhận, tôi cũng đã khóc vì điều đó).

Nhiều người thức suốt đêm mỗi tuần để có thể “sống sót” qua bảy lớp nâng cao vị trí (AP). Họ phải trải qua các hoạt động sau giờ học cả bảy ngày trong tuần, nhịn đói giảm cân để phù hợp với việc trở thành “những đứa trẻ nổi tiếng”. Họ trộm cắp tiền của cha mẹ để mua quần áo hàng hiệu, và nhiều người mắc các chứng rối loạn sức khỏe tâm thần cho đến tận hôm nay, nhiều năm sau khi tốt nghiệp trung học.

Ảnh: o4uxrk33.com

Trong những năm học cấp ba của tôi, trong 1.300 học sinh trường tôi chỉ có tổng cộng ba học sinh da đen và khoảng một chục học sinh Latinh. Tôi làm việc tại một công ty rất chú trọng về sự đa dạng nguồn nhân lực, nhưng không có một kỹ sư da đen hoặc Latinh. Trong năm 2017, trong số tất cả các nhân viên công nghệ tại Google, chỉ có 2% là người da đen, 3% là người Latinh và 25% là nữ. Số liệu thống kê này đối với nhân sự thuộc cấp quản lý cao cấp hoặc trên toàn Thung lũng Silicon còn tệ hơn nhiều.

Sự thiếu đa dạng không dừng lại ở công việc, nó thấm vào mọi khía cạnh của cuộc sống. Mọi người đều mặc trang phục của hãng Patagonia và North Face, mọi người đều đeo tai nghe, mọi người đều đến Hồ Tahoe vào cuối tuần. Và mọi người đều nói về những điều giống nhau như: khởi nghiệp, công nghệ blockchain, học máy (trí tuệ nhân tạo cho phép các hệ thống “học” tự động từ dữ liệu để giải quyết những vấn đề cụ thể).

Hồ Tahoe. (Ảnh: besttimerv.com)

Trong trường đại học nghệ thuật tự do của tôi, các cuộc trò chuyện rất đa dạng, từ văn học Anh đến chính sách công cộng, đến triết lý đạo đức, đến vấn đề bất bình đẳng kinh tế xã hội,…Khi tôi so sánh những điều này với chương trình quản lý sản phẩm của tôi với sự tham dự của các sinh viên mới, trong đó ngay cả những cuộc trò chuyện xã hội cũng xoay quanh công việc: làm thế nào để có được thăng tiến nhanh từ cấp độ 3 lên cấp độ 5 của bậc giám đốc sản phẩm trong vòng 22 tháng, hoặc thảo luận xem các nhà đầu tư hàng đầu sẽ đi uống ở đâu vào các tối thứ Năm…

Những nỗ lực để tạo nên các cuộc thảo luận về vấn đề xã hội thường bị đáp trả bằng những khuôn mặt buồn chán và nhanh chóng bị chấm dứt. Ví dụ, tôi và một người bạn trong chương trình đã đưa ra vấn đề về sự thay đổi khí hậu trong nhiều trường hợp, vì đó là vấn đề chúng tôi đặc biệt quan tâm. Chúng tôi đã đề cập đến trận cháy rừng Camp Fire khiến chất lượng không khí ngày càng tồi tệ, và đã tàn phá hơn 150.000 mẫu đất ở Bắc California. Chúng tôi nêu ra việc Google vẫn sử dụng chai nước, ống hút nhựa và khuyến khích những người khác quyên góp cho các tổ chức môi trường trong tuần lễ từ thiện của công ty. Tuy vậy, mỗi lần như thế chúng tôi chỉ nhận được sự im lặng.

(AP Photo/Mark Lennihan, File)

Ở Thung lũng Silicon, rất ít người thấy những thứ như biến đổi khí hậu đủ quan trọng để thảo luận sâu rộng về chủ đề này, thậm chí nhiều người cho rằng chúng không đáng để quan tâm. Đó không phải là nơi tạo ra tiền, không phải là nơi mà thành công tồn tại. Và nó chắc chắn không phải là nơi bàn về ngành công nghiệp. Thay vào đó, tiền đến từ việc tạo ra một ứng dụng phân phối thực phẩm, từ việc nhận được nhiều nhấp chuột vào chương trình quảng cáo,…Đó là cách mà Thung lũng này và ngành công nghiệp công nghệ được thiết lập. Như ông Jeffrey Hammerbacher, cựu giám đốc điều hành của Facebook, đã phát biểu rằng: ”Những người có đầu óc tốt nhất trong thế hệ của tôi đang nghĩ về cách làm cho mọi người nhấp vào quảng cáo”.

Đây chính là Thung lũng Silicon

Nơi đây có những ngôi nhà đang được bán với giá lên tới trên 30 ngàn USD mỗi mét vuông, các khu đô thị được nâng cấp liên tục dành cho giới giàu có. Tình trạng vô gia cư ở Khu vực Vịnh San Francisco rất tồi tệ. Điều này không chỉ ở trong thành phố, và nó không chỉ xảy ra đối với những người ít học. Vào tháng 12 năm 2018, khoảng 4.300 sinh viên, chiếm hơn 13% số sinh viên tại Đại Học Bang San Jose đã rơi vào tình trạng vô gia cư.

Ảnh: towardsdatascience.com

Mức độ bất bình đẳng thu nhập, ở cả hai thành phố San Francisco và San Jose, được xếp hạng trong số 10 thành phố tồi tệ nhất trong cả nước, khoảng cách giữa người nghèo và người giàu tiếp tục gia tăng. Năm 2018, San Francisco đã thông qua Dự luật C, một biện pháp nhằm chống lại tình trạng vô gia cư bằng cách tăng thuế đối với các doanh nghiệp lớn. Các nhà điều hành của hai hệ thống công nghệ và thiết bị mạng là Salesforce và Cisco đã hỗ trợ biện pháp này, trong khi các công ty như Square, Stripe và Lyft phản đối cách thức thu tiền thuế này.

Ai còn muốn sống ở đây chứ?

Nhiều người có thể biện hộ rằng một số công ty ở Thung lũng Silicon quan tâm đến người nghèo. Nhiều công ty có các kế hoạch cho kỳ nghỉ hàng năm của nhân viên. Tại Google, các nhân viên được cấp khoảng 400 đô la để trao tặng cho một tổ chức được phê duyệt, như ngân hàng thực phẩm hoặc nhà tạm trú cho người vô gia cư. Tuy vậy, trong khi các nhân viên quyên góp cho những nguyên nhân này, họ cũng phàn nàn về việc các lều trại của người vô gia cư trong thành phố đã phá hỏng tầm nhìn của họ, và họ phàn nàn về chính những người mà họ tuyên bố là mình đang quan tâm đến.

Trong thập kỷ qua, hơn 2.200 đơn khiếu nại đã được đệ trình về những người vô gia cư trên đường Hyde Street ở San Francisco, và các báo cáo cho thấy một số người vô gia cư thậm chí còn bị quấy rối trong nỗ lực đuổi họ ra khỏi khu vực cư trú.

Đây là Thung lũng Silicon. Nơi đây là tất cả mọi thứ của tôi, là nơi bố mẹ tôi sống, nơi những người bạn trung học của tôi đã trở về, và những người bạn thời đại học của tôi chuyển đến. Đó là nơi tôi yêu lần đầu, cũng là nơi lần đầu tiên trái tim tôi tan vỡ.

Đó là nơi các bạn cùng lớp đánh cắp bài tập về nhà của tôi, gian lận trong các bài kiểm tra, nơi tôi chứng kiến ​​các phụ huynh đe dọa giáo viên vì đã cho con họ điểm B+, và các giáo viên đe dọa các trung tâm dạy kèm vì đã phát các bản sao của các kỳ thi trước đây cho sinh viên. Ở nơi này đây, tôi có những người bạn tự hủy hoại bản thân, dùng thuốc quá liều, thậm chí tự sát, nó cũng là nơi tôi có những người quen phá hoại các mối quan hệ, điểm số và sự nghiệp của tôi.

Tất cả mọi thứ ở đây đều có kết nối, ở nơi này mọi người mong muốn nhận được một cái gì đó từ bạn, và bạn không bao giờ biết khi nào ai đó sẽ phản bội bạn vì họ muốn thứ gì đó từ người khác nhiều hơn. Nơi đây là tất cả mọi thứ của tôi, nhưng Thung lũng Silicon đã không còn là nhà tôi nữa.

Tôi đợi một ngày tìm lại được quê hương của chính mình. (Ảnh: allcreated.com)

Tôi không cảm thấy nơi này là nhà mình nữa. Tôi thấy mình bị ảnh hưởng bởi bong bóng công nghệ, thấy bản thân chuyển trọng tâm vào tiền bạc và sự nghiệp hơn là giúp đỡ những người có nhu cầu ở địa phương và trên toàn thế giới, tôi thấy mình được hoan nghênh và phù hợp vì điều tệ hại đó. Tôi cảm thấy mình trở thành một phần của cỗ máy. Sống ở đây, tôi suy ngẫm về những trải nghiệm ở trường trung học của mình và chỉ cảm nhận sự đau khổ và giận dữ tràn ngập trong lòng.

Cuộc khủng hoảng về sức khỏe tâm thần ở các học sinh trung học ở Thung lũng Silicon đang trở nên tồi tệ hơn. Tôi nghĩ về những tác động tiêu cực của phương tiện truyền thông xã hội đối với sức khỏe tâm thần mà tôi và bạn bè phải gánh chịu ở trường trung học. Thật mỉa mai khi những người bạn đó hiện đang làm việc tại Facebook.

Tôi đã được dạy rằng trong mọi tình huống tồi tệ, có ba lựa chọn: Bạn có thể bỏ qua tình huống tồi tệ đó, bạn có thể cố gắng cải thiện nó, hoặc bạn có thể rời bỏ đi. Bỏ qua là một lựa chọn, nhưng nó không dẫn đến bất kỳ thay đổi tích cực nào. Cố gắng cải thiện tình hình là một ý tưởng tốt khi bạn cảm thấy có hy vọng rằng bạn có thể làm cho nó tốt hơn. Và rời đi sẽ là lựa chọn tốt khi bạn nghĩ rằng mọi thứ sẽ không thay đổi và bạn không biết phải làm gì.

Tôi đã không biết phải làm gì. Chứng trầm cảm của tôi đã trở lại sau 4 năm, cộng thêm sự lo lắng, thất vọng về tình người ngày càng tăng, khi quanh tôi đa phần là những người bạn giả tạo, chỉ quan tâm bản thân và tìm kiếm những mối quan hệ có lợi ích hoặc những người bạn có vị trí. Vì vậy, tôi đã rời đi, với hy vọng sẽ trở lại vào một ngày nào đó.

Tôi hy vọng sẽ trở lại một Thung lũng Silicon khác, với chất lượng chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh được cải thiện. Tôi mong thấy một thung lũng Silicon không chỉ nỗ lực vì sự đa dạng hóa, mà còn tôn vinh và làm tốt điều này, không chỉ về mặt con người, mà cả trong lối sống và giao tiếp xã hội. Tôi mong thấy đây là một nơi mọi người nhận ra rằng cuộc sống hoàn hảo như tranh vẽ của họ phải trả giá bằng nỗ lực của người khác, và là nơi họ cố gắng giúp đỡ những người mà họ làm tổn thương.

Quan trọng nhất, tôi hy vọng sẽ quay trở lại Thung lũng Silicon nơi mọi người quan tâm đến người khác và muốn làm việc trên những thứ thực sự cải thiện thế giới của chúng ta, ngay cả khi chúng không tạo ra những cú nhấp chuột mang đến lợi nhuận.

Tâm An biên dịch

Exit mobile version