Đại Kỷ Nguyên

Những cách hành xử ‘bất bình thường’ của người Nhật khiến ai cũng ngỡ ngàng khi lần đầu biết đến

Văn hoá Nhật Bản nổi tiếng thế giới với bề dày lịch sử và những phong tục, lễ nghi truyền thống đặc sắc. Trong quan niệm và hành động của người Nhật có rất nhiều nét đặc biệt, đôi khi có một chút “dị thường”.

Quy tắc trên bàn ăn của người Nhật

Nếu như ở Việt Nam chúng ta vẫn thường có thói quen rót rượu mời khách, bạn bè trước rồi tự rót rượu cho mình và cùng uống thì ở Nhật lại không như vậy. Với người Nhật tự rót rượu cho mình là hành vi tuyệt đối cấm kỵ vì họ cho rằng đó là hành vi tự mãn, thiếu văn hóa và không tôn trọng người cùng uống. Sự khác biệt về văn hóa này rất dễ gây hiểu nhầm, vậy nên khi đến đất nước mặt trời mọc, bạn hãy đặc biệt chú ý đến vấn đề này.

Người Nhật rất thích rót đồ uống cho nhau, vì vậy hãy cho phép một người bạn rót đầy ly của bạn, sau đó hãy rót lại để đáp lễ họ. Đặc biệt, đừng uống cho tới khi mọi người có mặt ở bàn ăn đã có đồ uống và sau đó nâng cốc chúc mừng.

Các món ăn Nhật thường được chế biến thành các miếng vừa miệng. (Ảnh: Asian-recipe.com.)

Đặc biệt, bạn không được dùng tay để hứng đồ ăn. Việc dùng tay để hứng đồ ăn khi gắp bị coi là bất lịch sự ở Nhật, tốt nhất là bạn nên chú ý tới miếng đồ ăn mình sẽ gắp.

Ngoài ra, khác với suy nghĩ của nhiều người cho rằng để lại một ít thức ăn trên đĩa thể hiện bản thân là người không háu ăn, nhưng trong văn hoá Nhật Bản, đó là hành động không đẹp. Đối với họ, bỏ thừa thức ăn không chỉ lãng phí mà còn rất thô lỗ. Bữa ăn là tâm huyết của người làm ra nó, vì vậy, không ăn hết đồ trong bát là thể hiện thái độ không tôn trọng người nấu ăn.

Tiền “tip” không có mặt trong từ điển của người Nhật

Nếu như ở các nước phương Tây hành động đưa tiền “tip” là chuyện hết sức bình thường, thậm chí là bắt buộc thì ở Nhật là gần như không có. Những nhân viên phục vụ nhà hàng, khách sạn,… không bao giờ đòi hỏi hay nhận tiền từ khách hàng.

Trong khi ở các nước phương Tây, nếu khách hàng không “tip” tiền sau khi sử dụng dịch vụ thì sẽ bị coi là những ki bo và bất lịch sự thì ở Nhật nhiều khi nhân viên còn phải chạy theo khách để trả lại tiền tip mà họ “để quên”. Bởi lẽ tinh thần Samurai trong họ rất lớn, họ cho rằng hành động “bo” tiền là khiếm nhã và không tôn trọng họ.

Nhường ghế cho người già là bất lịch sự

Ở Việt Nam, đi xe buýt mà thấy người già thì phải nhường ghế, nếu không sẽ bị coi là bất lịch sự, sẽ bị mọi người nhìn với ánh mắt coi thường. Thế nhưng ở Nhật Bản, việc nhường ghế cho người già lại có phần gì đó được coi là bất lịch sự.

Khi đến Nhật Bản các bạn cũng đừng quá ngạc nhiên khi đi tàu hay xe buýt mà không thấy người trẻ nhường ghế cho người già. (ảnh: genk)

Người Nhật có tinh thần Samurai rất cao, họ không muốn thừa nhận hay cảm giác mình yếu đuối hơn người khác nên không muốn nhận sự giúp đỡ đó. Hơn nữa những người lớn tuổi lại không thích nhận mình là “già”, vì vậy khi bạn nhường ghế cho họ, họ sẽ nghĩ là bạn đang có ý chê họ già.

Thế nên khi đến Nhật Bản các bạn cũng đừng quá ngạc nhiên khi đi tàu hay xe buýt mà không thấy người trẻ nhường ghế cho người già.

Cắt móng tay vào buổi tối là điều tối kỵ

Ông bà xưa vẫn dặn rằng không được cắt móng tay sau 6 giờ tối nếu không sẽ gặp những điều không may, thậm chí tổn hại đến tuổi thọ của mỗi người. Điều này không chỉ riêng ở Nhật Bản mà các quốc gia châu Á khác như Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc cũng tồn tại “truyền thuyết” này.

Ở Nhật, việc “không được cắt móng tay” cũng được ví von với ý nghĩa là “không được nghịch ngợm buổi tối”. Vì vậy nếu bạn có ý định đi du học ở nước này cũng nên chú ý điều này.

Ngoài ra theo những ma thuật được du nhập từ lục địa Châu Á khoảng từ thời Nara cho tới thời Heian thì có những lời nguyền mà người ta lấy óc và móng tay tượng trưng cho người bị nguyền rủa đem nhét vào búp bê bù nhìn bằng rơm rồi vừa nguyền vừa niệm thần chú, sau đó vứt vào trong lửa. Vì vậy không được cắt móng tay vào buổi tối một phần là để tránh bị người muốn hãm hại mình lấy đi, phải đem tiêu hủy hoặc chôn xuống đất.

Một số lưu ý khi hành xử ở Nhật

Không tặng khăn mùi xoa cho bạn bè tuỳ tiện: Ở Nhật, khăn mùi xoa tượng trưng cho sự kết thúc. Vì thế, bạn đừng tuỳ tiện tặng khăn mùi xoa cho bạn bè của mình vì nó có ý nghĩa là chấm dứt.

Không đi giày mới vào buổi tối: Người Nhật cho rằng nếu bạn đi giày mới vào buổi tối sẽ gặp điềm xấu, là nơi lý tưởng để yêu quái, ma quỷ xâm nhập vào. Vì thế, mọi người thường được khuyên nên hạn chế ra ngoài vào buổi tối.

Ở Nhật, bạn đừng tuỳ tiện tặng khăn mùi xoa cho bạn bè của mình vì nó có ý nghĩa là chấm dứt. (ảnh: thegioihoahong)

Không nói chuyện điện thoại trên tàu điện ngầm: Nếu bạn đang đi tàu điện ngầm mà có cuộc gọi tới, hãy từ chối cuộc gọi ngay nhé. Việc nói chuyện điện thoại trên tàu điện được cho là thô lỗ vì gây ảnh hưởng tới những người xung quanh, nhất là khi bạn nói to.

Không ăn uống khi đang đi bộ: Với người Nhật, ăn uống khi đang đi đường hay trên tàu là điều cấm kị, bạn chỉ có thể ăn uống trong các dịp lễ hội ngoài trời.

Húp mì là…phải tạo ra tiếng động: Ăn uống là vấn đề tế nhị phải giữ ý, nhất là với con gái, ăn nhỏ nhẹ, không được có tiếng động nếu không sẽ bị nói là vô duyên, không có ý tứ. Thế nhưng khi đến Nhật, tiếng húp mì “xì xụp” lại có giá trị như một lời khen. Người Nhật xem tiếng húp mì như là sự khen ngợi của người ăn rằng họ thấy rất ngon. 

Người Nhật xem tiếng húp mì như là sự khen ngợi của người ăn rằng họ thấy rất ngon. (Ảnh: pinterest)

Ngủ ở văn phòng là điều đáng khích lệ: Việc ngủ gật ở văn phòng mà bị sếp bắt gặp tại Việt Nam có thể bị xem là một tai họa. Nhưng, ở Nhật thì hoàn toàn ngược lại, thậm chí còn được khuyến khích. Người Nhật cho rằng nhân viên của mình ngủ tại văn phòng không có nghĩa là họ lười biếng mà là họ làm việc quá chăm chỉ.

Hiểu Minh

Exit mobile version