Đại Kỷ Nguyên

Sự “cứng nhắc” của người Nhật và những điều “chẳng giống ai”

Mùa xuân, hoa anh đào nở rộ đẹp như những nàng tiên trong cổ tích, làm say lòng người, nhưng tuyệt đối không cho phép hái dù chỉ một bông hoa. Mùa thu, sắc lá vàng rực rỡ, từng tán, từng tán rung động lòng người, cũng không cho bất kỳ ai hái dù chỉ một lá. Nếu không đó là hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị truy cứu trách nhiệm. Người Nhật Bản thực sự rất kỳ lạ, rất khác người!

Lá vàng dẫu đẹp nhưng không ai được hái dẫu chỉ 1 lá (ảnh minh họa: Antintravel).

1. Cực kỳ nghiêm khắc trong việc quy định thời hạn bảo quản thực phẩm

Những cửa hàng tiện lợi của Nhật Bản nổi tiếng là nghiêm khắc trong việc kiểm tra thời hạn bảo quản các thực phẩm. Các loại cơm nắm, bánh mì, bánh bao, bánh ngọt có thời hạn sử dụng chính xác đến từng giờ. Nếu như hàng hóa có kỳ hạn bảo quản đến mười giờ, thì trước chín giờ năm mươi phút nhất định phải được giải quyết.

Siêu thị ở Nhật Bản sẵn sàng hủy bỏ các loại thực phẩm gần đến hạn bảo quản (ảnh: SOH).

Người Trung Quốc xuất khẩu các mặt hàng hải sản tươi sống sang Nhật Bản, qua kiểm tra nếu thấy đã quá thời hạn quy định thì sẽ bị từ chối chấp nhận ngay lập tức. Dù người Trung có hạ giá xuống thấp đến đâu thì người Nhật cũng không thương lượng, không tiếp nhận.

Các cửa hàng thực phẩm của Nhật Bản bảo đảm kinh doanh các sản phẩm có chất lượng đang trong thời hạn sử dụng (ảnh: SOH).

2. Mỗi người tự giác tuân thủ mua các hàng hóa có giới hạn số lượng, sử dụng cầu thang tự động đúng quy định

Ở Nhật, một số loại thuốc có yêu cầu giới hạn số lượng mua sắm và mỗi người dân đều rất có ý thức tuân thủ quy định này. Ai cũng tự giác mua trong giới hạn đó mà không hề có một người nào sử dụng mánh khóe để được ra vào nhiều lần nhằm mua được nhiều hơn quy định.

Ở các trạm ga tàu điện ngầm, hoặc các trung tâm ngầm lượng người đi lại rất đông, cho nên các cầu thang lên xuống ở những nơi này được chia làm hai phần, phần bên trái dành cho người đi lên, phần bên phải dành cho người đi xuống, giữa hai phần này cách nhau một cái tay vịn. Cho dù vào giờ cao điểm, mọi người cũng sẽ tuân thủ trật tự một cách nghiêm chỉnh, mặc cho cầu thang bên phải không có một người, mọi người vẫn chờ đợi xếp hàng đi lên bên phần thang trái, tuyệt đối không một ai chen qua phần thang bên phải.

3. Ở Nhật Bản chỉ có xe rác, không có đội vệ sinh và mỗi gia đình đều có lịch tự thu gom rác

Ở Nhật Bản, thực hiện chương trình “mỗi gia đình tự quét sạch tuyết trước nhà”, rác bỏ đi cũng được phân ra từng loại, môi trường xung quanh được giữ gìn rất sạch sẽ, ngay cả những nắp đậy các giếng nước ở bên ngoài nhà cũng được lau chùi bóng loáng. Những việc này còn chưa đáng kể, ngạc nhiên nhất vẫn là chuyện như thế này: có rất nhiều người tự nguyện giữ lại những hộp sữa giấy đã được uống hết, dùng nước rửa sạch, rồi cẩn thận cắt nó ra cho thẳng, sau đó đem phơi cho khô ráo, rồi xếp chúng lại cho ngay ngắn với nhau, đợi khi đi siêu thị thì mang chúng theo và đặt vào những thùng chứa có sẵn đặt ở những nơi quy định tại siêu thị. Họ muốn gom góp miễn phí các hộp giấy này để cho nhà máy giấy có thể đến mang về để tái sử dụng lại.

Rác thải của mỗi gia đình đều được phân loại thành loại có thể phân hủy, loại không thể phân hủy, loại có thể tái sử dụng (giấy, bình nhựa, bình thủy tinh, các loại hộp đựng, bao bì nhựa, các loại hộp bằng kim loại), loại có thể gây nguy hiểm, loại quá khổ và nhiều loại khác nữa. Việc phân loại rác thải cẩn thận tỉ mỉ quả thực là đã đạt đến trình độ cực cao. Ví như một vỏ chai nước suối được phân ra thành 3 bộ phận: nắp chai, vỏ chai, và nhãn giấy dán trên chai.

Mỗi loại rác thải đều có thời gian thu gom cố định. Hàng năm, Chính phủ sẽ phát cho mỗi gia đình một bản quy định thời gian thu gom các loại rác thải, trong đó có ghi những hướng dẫn rõ ràng về cách thu gom từng loại rác, quy định rõ những loại rác nào thì được phân vào nhóm nào, tất cả đều ghi cụ thể từng loại. Nếu gia đình nào phân loại sai, thì sẽ bị những người đi thu gom rác dán lên túi rác một tờ giấy có ghi dòng chữ “Ngày hôm nay không thể thu gom loại rác này” rồi để lại chỗ cũ. Thậm chí có những nhà hàng xóm tốt bụng thấy vậy liền mang túi rác không thể thu gom đó đem trở về giao lại cho gia chủ.

Các xe chuyên chở ở các công trường xây dựng và các xe chuyên chở rác của Nhật Bản được vệ sinh sạch sẽ hơn cả phần lớn các xe cá nhân ở các nước như Trung Quốc. Toàn bộ các xe phục vụ ở các công trình muốn ra khỏi công trường đều phải được xử lý sạch hết bùn đất, bụi bẩn bám trên xe rồi mới có thể ra đường, vì vậy trên các con đường lưu thông của Nhật Bản không có chút bùn đất hay bụi bẩn nào.

Sử dụng súng phun nước áp lực cao để làm sạch xe tại công trường xây dựng ở Tokyo (ảnh: SOH).

4. Những hãng rượu đạt được các giải thưởng đều không được ghi lên nhãn dán trên các chai rượu, bởi vì những giải thưởng này đạt được trước đây chứ không phải hiện nay

Đã từ rất lâu đời, vùng trung tâm của tỉnh Niigata, Nhật Bản là vùng có rất nhiều xưởng sản xuất rượu nổi tiếng, bởi vì đất đai ở vùng này màu mỡ, mạch nước ngầm có lượng chất khoáng khá phong phú, đã sản xuất ra các loại lương thực với chất lượng tuyệt hảo, mà các hãng sản xuất này lại dùng chính loại lương thực ngon nổi tiếng của vùng và mạch nước ngầm ở đây để nấu thành thành phẩm.

Đặc biệt nổi tiếng ở đây có xưởng sản xuất rượu Kim Đại – biểu tượng là con cá chép, được thành lập từ năm 1767, là xưởng rượu có quy mô phát triển nhất ở vùng Niigata, cũng là một trong những hiệu rượu được yêu thích nhất ở Nhật Bản. Hãng rượu này đã đạt được nhiều giải thưởng danh tiếng, nhưng trên bao bì, nhãn hiệu sản phẩm tuyệt nhiên không hề ghi tên các giải thưởng đã đạt được này. Bởi vì người Nhật Bản quan niệm rằng: những giải thưởng đó là đạt được vào những năm trước, là chuyện của trước đây, không thể lấy cái đã đạt được trước đây để in lên những sản phẩm sản xuất của bây giờ, giải thưởng của quá khứ không nói lên chất lượng hiện tại.

Hãng rượu được yêu thích nhất ở Nhật Bản – biểu tượng là con cá chép (ảnh: SOH).
Kim Đại là hãng rượu liên tục đạt được các giải thưởng cao danh giá (ảnh: SOH).

5. Đích thân Tổng giám đốc làm hướng dẫn viên tham quan miễn phí nhà máy rượu nổi tiếng

Được biết hiện nay nhà máy rượu Kim Đại nổi tiếng sẽ mở cửa cho công chúng đến tham quan, mở cửa quanh năm, cứ cách mỗi một giờ sẽ tiếp đãi những người tham quan đã có đăng ký trước một lần, miễn phí tham quan, uống thử, hướng dẫn và giới thiệu cẩn thận đầy đủ về lịch sử phát triển và văn hóa các loại của nhà máy rượu. Khi bước qua cửa chính của nhà máy, việc đầu tiên khách tham quan phải làm đó là phải thay dép, đây là thói quen của người Nhật Bản. Nhưng việc đặc biệt gây bất ngờ nhất là người phụ trách dẫn khách tham quan lại chính là người thừa kế đời thứ chín của hãng rượu – ông Chủ tịch nay đã ở tuổi ngoài 70.

Ông rất hòa nhã, thân thiết, giản dị, lại rất khiêm tốn, sử dụng điện thoại di động loại cũ rích lỗi thời từ lâu. Nội dung của chuyến tham quan chủ yếu là về quá trình chưng cất rượu: từ khâu làm sạch gạo, hấp chín gạo, ủ lên men, nấu thành rượu chảy ra, cho vào bình chứa bảo quản. Chưng cất rượu nhất định phải tiến hành vào mùa đông, bởi vì đây là mùa thích hợp nhất cho quá trình ủ lên men, cũng là mùa tốt nhất để có thể sản xuất ra các loại rượu ngon nhất, đồng thời cũng là lúc mùa vụ đã xong, lượng nhân công huy động được cũng nhiều nhất trong năm.

Tổng giám đốc hãng rượu làm người hướng dẫn tham quan (ảnh: SOH).

Khi bắt đầu bước vào quá trình chưng cất rượu, nhất định phải làm một quả cầu từ lá cây thông tươi gọi là “Sam Ngọc” treo dưới mái hiên, đến khi thấy màu xanh biếc của lá thông trên quả cầu chuyển sang màu nâu sẫm, biểu thị thời gian chưng cất rượu đã hoàn tất, cũng chính là thời điểm tốt nhất đem sản phẩm mới hoàn thành giới thiệu ra thị trường. Trong nhà máy sản xuất rượu có rất nhiều những thùng lớn rất lớn để chưng cất rượu khiến cho người xem thật nhiều kinh ngạc và thán phục. Chưng cất rượu có thành công hay không còn phụ thuộc vào sự trợ giúp của các vị thần linh.

Một bước trong quy trình chưng cất rượu: Cho nguyên liệu vào thùng chưng cất (ảnh: SOH).
Những thùng chưng cất rượu rất to lớn (ảnh: SOH).

Đi tham quan nhà máy rượu hiện nay chẳng khác nào đi tham quan một bảo tàng về rượu, cùng với việc giới thiệu về phương pháp sản xuất rượu qua các thời kỳ của Nhật Bản, là việc giới thiệu công khai công thức ủ rượu bí truyền của hãng rượu: như loại gạo cần thiết để sản xuất rượu, không phải là loại gạo dùng để nấu cơm thông thường hàng ngày, mà là dùng một loại gạo đặc biệt được trồng trọt từ giống gạo gọi là “Yamada Jin” hay còn gọi là “Sơn Điền Cẩm” chuyên để sử dụng cho việc nấu rượu, căn cứ vào chất lượng gạo của mỗi kỳ thu hoạch mà người nấu rượu có thể điều chỉnh tỉ lệ nguyên liệu cũng như công thức điều chế.

Việc giới thiệu rõ ràng quy trình sản xuất và phương pháp điều chế như vậy không những khiến khách tham quan ngạc nhiên, mà người dùng cũng cảm thấy an tâm về chất lượng mỗi khi sử dụng loại rượu này. Ngược lại ở nước ta, rượu giả tràn lan, thật giả chẳng thể phân biệt nổi. Để tìm được một loại rượu ngon chất lượng thuần khiết thì thật là một việc vô cùng khó khăn. Mà các xưởng sản xuất ra các loại rượu “nổi tiếng” ở nước ta thường hoạt động âm thầm, và chỉ đơn giản là cho nhân công pha trộn các loại màu thực phẩm, chất điều vị trực tiếp với cồn công nghiệp là thành rượu “nổi tiếng”, điều này thật khiến lòng người kinh hãi.

Trưng bày trước một xưởng rượu ngày nay (ảnh: SOH).
Xưởng sản xuất rượu “Kim Đại” chuyên dùng giống gạo “Yamanda Jin” cùng với nguồn nước từ núi tuyết ở Niigata. Vùng Niigata là vùng tuyết nổi tiếng tại Nhật Bản, nơi đây còn có khu trượt tuyết và nghỉ mát rất nổi tiếng, là điểm đến nghỉ ngơi giải trí của những nhân vật nổi tiếng, những người của giới thượng lưu vào mỗi mừa đông (ảnh: SOH).

Kết thúc chuyến tham quan, vị Chủ tịch công ty sẽ tự tay mời mỗi người một ly rượu để thưởng thức. Với địa vị như vậy, với phong thái như vậy, cung cách đối nhân xử thế như vậy, ông đã mang đến cho mọi người sự ngạc nhiên thích thú và ấm áp lạ thường.

Vị chủ tịch tự tay mời người tham quan uống rượu (Ảnh: SOH)

Có câu ngạn ngữ rằng: “Nhất phương thủy thổ dưỡng nhất phương nhân”. “Nhất phương thủy thổ” là chỉ đặc điểm văn hóa của địa phương, là điều kiện tự nhiên, là các loại tài nguyên của vùng. Mỗi một vùng đất lại có con người sinh sống phù hợp với điều kiện của vùng đó. Con người sinh sống dựa vào điều kiện tự nhiên cho nên họ sẽ yêu quý những gì của tự nhiên ban tặng, sống chăm chỉ, nghiêm túc và có trách nhiệm với thiên nhiên với cuộc sống, biết sử dụng nguồn tài nguyên một cách hợp lý nhất, tốt nhất mới có thể phát triển bền vững lâu dài.

Không ít người đã nói về “sự cứng nhắc” của người Nhật với sự khâm phục và ngưỡng mộ, bởi đó là sự cứng nhắc dựa trên việc tuân thủ quy định một cách tự nguyện, tự giác. Người Nhật có nhiều quy định, nhưng người Nhật lại không bao giờ cảm thấy áp lực hay bị gò bó bởi các quy định. Trên thực tế, khi thực thi bất kể việc gì, điều họ nghĩ đến, điều họ cân nhắc đến chính là vì người khác, vì xã hội và vì dân tộc. Là một quốc gia thường xuyên hứng chịu thiên tai thảm khốc, người Nhật hiểu rằng chỉ có nghĩ cho nhau, hy sinh vì nhau mới giúp họ sinh tồn và vượt qua những thử thách sinh tử. Suy cho cùng, với một xã hội nhân ái và giàu tình thương như vậy thì quy định cũng chỉ là hình thức, mà thực sự thực hiện quy định và nhiều hơn thế chính là tấm lòng và phẩm chất của từng con người.

Minh Phúc

Video xem thêm: “Đi đến tận cùng dân tộc, ta sẽ gặp được nhân loại!”

Có thể bạn quan tâm:

Exit mobile version