Đại Kỷ Nguyên

Điều gì đã tạo nên lòng trung thực khiến cả thế giới ngưỡng mộ của người dân Nhật Bản?

Có lẽ bạn sẽ bị bất ngờ khi thấy chiếc ví mình đánh mất trên chuyến tàu đông người bỗng nhiên được gửi đến tận cửa nhà cho bạn, hay bạn có thể tự mua hàng ở những gian hàng không có chủ và nhân viên bán hàng. Thế nhưng, điều này lại là một chuyện quá đỗi bình thường ở Nhật Bản.

Trong một nghiên cứu mới của Đại học East Anglia, Anh về sự trung thực của người dân tại nhiều quốc gia trên thế giới, người Nhật Bản và Anh đứng đầu danh sách. Trong khi đó, người Trung Quốc xếp thứ hạng thấp nhất.

Ở bài kiểm tra đầu tiên, những người tham gia được yêu cầu lật một đồng xu và trả lời đó là mặt úp hay ngửa, nếu ngửa họ sẽ được thưởng 3 USD hoặc 5 USD. 70% người Trung Quốc tham gia hai bài khảo sát trên mạng đều gian lận và nói dối để được tiền thưởng.

Bài kiểm tra thứ hai yêu cầu hoàn thành chuỗi câu hỏi về âm nhạc, nếu hoàn thành đúng hết sẽ nhận được tiền thưởng. Họ được yêu cầu không tìm câu trả lời trên Internet và đánh dấu vào câu trả lời của mình trước khi chuyển câu hỏi cho người tiếp theo. Ba trong số những câu hỏi được sắp đặt rất hóc búa buộc người chơi phải tìm hiểu thông tin trên mạng mới có thể trả lời. Trong bài kiểm tra này, người Nhật đứng đầu về độ trung thực, sau đó đến người Anh. Người Thổ Nhĩ Kỳ gian lận nhiều nhất, tiếp theo là người Trung Quốc.

Lòng trung thực và ý thức trách nhiệm của người Nhật

Do tiền mặt vẫn là phương tiện thanh toán phổ biến tại Nhật hiện nay nên hầu như mọi người khi ra khỏi nhà đều mang theo số tiền mặt không nhỏ trong người. Điều này dẫn đến việc tỷ lệ rủi ro mất trộm có vẻ sẽ cao. Tuy nhiên, thực tế lại chứng minh điều hoàn toàn ngược lại.

Trong một báo cáo của cảnh sát Metropolitan Tokyo năm 2016, số tiền mặt kỷ lục 3,76 tỉ yên (42 triệu USD) bị thất lạc được đưa đến cảnh sát và 3/4 số tiền này đã được trả lại cho chủ nhân của nó.

Ngoài ra, Nhật Bản còn được biết đến là quốc gia có số lượng máy bán hàng tự động lớn nhất thế giới. Có hơn 5,5 triệu chiếc máy bán hàng tự động ở Nhật Bản, tương đương với một máy bán hàng phục vụ 23 người, mật độ cao nhất trên thế giới (theo CNN).

Ảnh minh họa: Babylingrkm.

Máy bán hàng tự động ngày nay đã phổ biến khắp thế giới như một ngành bán lẻ, nhưng chỉ có các công ty Nhật Bản mới “phù phép” cho những chiếc máy khổng lồ này thành nền công nghiệp hàng tỷ yên. Dù trong máy có hàng chục nghìn yên và nằm ở các con ngõ vắng vẻ thế nhưng chưa bao giờ người ta phải lo lắng về việc liệu nó có bị phá hoại hay trộm cắp hay không.

Ảnh minh họa: Bán hàng tự động.

Những chiếc máy bán hàng tự động là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người Nhật Bản. Những chiếc máy bán đủ mọi loại hàng hóa từ cà phê nóng đến hoa quả tươi, từ kẹo bánh đến ô che mưa, có mặt ở mọi ngóc ngách, từ lề đường cho đến các ga tàu điện ngầm, từ trung tâm thành phố sầm uất đến vùng dân cư hẻo lánh.

Còn một hình thức buôn bán bằng lòng tin và sự tử tế, đó chính là những gian hàng “không người bán”. Xung quanh các nhà ga hoặc những vùng xa trung tâm Nhật Bản, nếu bạn nhìn thấy những quầy hàng bán hoa quả tươi ngon nhưng lại không thấy người bán hàng, rất đơn giản, hãy tự chọn, cân kí và bỏ tiền vào thùng, sau đó mang lượng hoa quả ấy về. Những quầy hàng kỳ lạ này, trong tiếng Nhật được gọi là “無人販売 – Mujin Hanbai”, hiểu là quầy hàng không cần người bán. Đây là những quầy hàng đặc trưng ở vùng nông thôn của Nhật, nơi mà những người lao động thường đi làm cả ngày và đến tối họ sẽ mang những nông sản “không ai lấy” và tiền trong hộp để mang về. Tiền trong hộp không thiếu một xu, mọi khoản tiền đều khớp với số hàng được bày bán.

Ảnh minh họa: Wakayama city.
Ảnh minh họa: Twitter.

Người Nhật tin tưởng nhau nên không cần phải đề phòng mất trộm. Cũng có khi tiền trong hộp không vừa khít với số hàng bán ra, nhưng nguyên nhân lại rất nhân văn. Nếu có ai đó quá túng thiếu, quá nghèo khổ, không có tiền để mua, họ có thể đến lấy một cách tự nhiên mà không phải xấu hổ vì ăn cắp. Trong những năm khốn khó, người ta lấy đồ ở hàng tự động nhưng để lại lời xin lỗi rất cảm động. Với người Nhật, điều đó có thể tha thứ được. Khi người chủ đến, thấy mảnh giấy để lại, còn thương xót người lấy đồ và tự nhủ rằng: “Ôi, thế mà không lấy thêm đi. Biết vậy, mình đã để thêm đồ cho người ta. Cầu chúc cho người đó may mắn và chóng vượt qua giai đoạn khó khăn này”.

Thú vị hơn nữa, khi bạn muốn tới những nơi xa bằng ta-xi, tài xế sẽ chở bạn tới nhà ga và khuyên “Hãy đi tàu điện cho rẻ!”. Không ít du khách nước ngoài không thể tin vào tai mình khi nghe những lời này.

Có lẽ, đây là điều mà bất cứ ai đến Nhật cũng vô cùng thích thú, cảm kích. Bởi vì, nó chứng tỏ nền giáo dục, ý thức, tính kỷ luật và lòng tự trọng của cả một dân tộc giàu văn hoá truyền thống.

Ở Nhật, sự trung thực được đề cao và nuôi dưỡng bởi cả xã hội

Con người luôn bị cám dỗ bởi lòng tham, vậy điều gì đã giúp người Nhật vượt qua được cám dỗ đó? Câu trả lời nằm ở sự tử tế và lòng tự trọng. Lòng tự tôn dân tộc đã ăn sâu vào tiềm thức của người Nhật từ những ngày xa xưa. Nó dường như đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng trong tính cách của người Nhật.

Biết xấu hổ với chính bản thân mình trước khi xấu hổ với người khác, điều này đã lý giải vì sao những gian hàng “không người bán”, không hề có camera nhưng chẳng bao giờ xảy ra mất trộm. Đối với mỗi người dân Nhật Bản, bản thân họ đã là một cơ quan công quyền của chính mình, lòng tự trọng chính là chế tài xử phạt. Khi người ta có lòng tự trọng, họ sẽ không bao giờ làm việc trái với lương tâm.

Một điều khác nữa góp phần làm nên tính trung thực của người Nhật, đó là luật pháp. Theo Luật Đồ đạc Thất lạc của Nhật Bản, bất cứ ai nhặt được tiền đều phải đưa đến cảnh sát. Họ sẽ nhận được 5 – 20% số tiền nhặt được sau khi chủ nhân đến nhận. Nếu trong vòng 3 tháng không ai đến nhận, người nhặt được quyền sở hữu toàn bộ số tiền đó. Đây cũng là một phương pháp khuyến khích người dân trung thực hơn.

Ảnh minh họa: Mầm non.

Thế nhưng, yếu tố quan trọng nhất tạo nên những người trung thực nhất thế giới chính là giáo dục. Với người Nhật, sự trung thực của trẻ được hình thành ngay từ trong chính gia đình. Các bậc phụ huynh Nhật Bản luôn xem mình là tấm gương của con cái, họ tuyệt đối không thể hiện những thói quen xấu trước mặt con. Đặc biệt, họ sẽ không nói dối trẻ. Đối với họ thông minh, giỏi giang không bằng trung thực, nhân hậu. Những đứa trẻ Nhật Bản được dạy về tính tự giác, kỷ luật, trách nhiệm và trung thực ngay từ khi bắt đầu ý thức được mọi việc.

Trẻ từ 3-4 tuổi bắt đầu bị nhiễm tính xấu là nói dối. Vì vậy, nếu bé có phạm một lỗi lầm nào đó thì bố mẹ Nhật sẽ không phạt ngay mà khuyến khích trẻ thú nhận. Nếu bé thành thực nhận lỗi thì sẽ được thưởng kẹo hoặc những thứ nho nhỏ khác. Với những trường hợp bé cố tình nói dối, người Nhật sẽ giải thích cho bé việc nói dối là không tốt, đưa ra lý do và cho trẻ biết là bố mẹ sẽ không tin tưởng nếu bé tiếp tục làm như vậy. Nếu bé vẫn tái phạm thì sẽ phải chịu những hình phạt khác nhau tùy theo mức độ nghiêm trọng của lời nói dối.

Ngoài ra, các bà mẹ Nhật cũng thường xuyên kể những câu chuyện cổ tích, chuyện thần tiên để giúp trẻ hiểu được giá trị của lòng tốt, tính trung thực. Những người luôn sống ngay thẳng, hay giúp đỡ người khác sẽ luôn gặp may mắn và hạnh phúc.

Ảnh minh họa: The Daily Coupons.

Người Nhật trung thực, trách nhiệm và rất khiêm tốn, đây không phải chỉ là những câu nói vô căn cứ, mà hoàn toàn có thể nhận thấy rõ qua những câu chuyện thường ngày tại Nhật Bản. Những câu chuyện như thế đã, đang và sẽ mãi khiến người dân thế giới nể phục.

Tâm Liên

Video xem thêm: ‘Đạo đức giả’ còn nghiêm trọng hơn điểm giả, thuốc giả, thực phẩm giả

Exit mobile version