Đại Kỷ Nguyên

Nhật Bản, quốc gia với nhiều cái ‘không’ kỳ lạ: Không rác thải, không thu ngân, không đánh mất tự trọng…

Nhật Bản, một quốc gia được nhắc đến bởi quá nhiều tính từ: sạch sẽ, trách nhiệm, tự trọng… Quả thực, những điều mà con người Nhật Bản làm được đã khiến tất cả thế giới phải khâm phục và ngỡ ngàng. Đi lên từ những đổ nát chiến tranh, trải qua những khó khăn, nghèo đói, và hàng năm vẫn phải đối mặt với động đất thiên tai… nhưng người Nhật Bản đã làm được những điều khó tin nhất! 

Vali ở sân bay

Vali của hành khách đều được lau sạch và sắp xếp gọn gàng. Ngay từ khi đặt chân đến Nhật Bản, bạn luôn được chào đón như một vị khách VIP. Họ luôn phục vụ một cách chu đáo, tận tụy và lịch sự, ngay cả với hành lý của hành khách. Tất cả vali đi qua băng chuyền đều có nhân viên sắp xếp lại thẳng hàng, ngay ngắn giúp khách nhận ra hành lý của mình một cách nhanh chóng. Tại kho tiếp vận, các nhân viên không bao giờ quăng, ném hành lý của khách. Trái lại, họ luôn bốc xếp một cách nhẹ nhàng và xếp đặt chúng một cách ngay hàng thẳng lối. Nhìn chung, người Nhật có tinh thần trách nhiệm cao và ý thức bảo vệ tài sản của khách hàng như chính tài sản của họ vậy.

Vali của hành khách đều được lau sạch và sắp xếp gọn gàng. (Ảnh: plovdivtown.com)

Sân bay là bộ mặt của mỗi quốc gia. Và ngay cả người kỹ tính nhất cũng bị ấn tượng bởi những hành động tuy nhỏ nhưng cao đẹp này của người Nhật.

Văn hóa “đi bão”

Cũng giống như nhiều dân tộc khác, người Nhật cũng rất hâm mộ môn bóng đá. Mỗi khi đội bóng của họ chiến thắng, họ cũng đổ ra đường “đi bão” như các nước khác. Tuy nhiên, cách đi bão ở Nhật Bản cũng lạ lùng hơn các nơi khác và đặc biệt, vẫn cực kỳ văn minh. Tại các ngã tư, khi có đèn đỏ xe dừng, người hâm mộ mới đổ tràn xuống lòng đường nhảy múa, hô vang, chúc mừng nhau, không quá khích, ẩu đả hay vui quá mà cởi áo quần. Khi đèn xanh, mọi người lại tự giác đi lên vỉa hè, nhường đường cho xe cộ để không làm ảnh hưởng đến tình hình giao thông và họ luôn tuôn theo sự hướng dẫn của cảnh sát. Đó là một vòng tuần hoàn lên xuống rất quy củ thể hiện sự văn minh và lịch sự của người Nhật.

Cách đi bão ở Nhật Bản cũng lạ lùng hơn các nơi khác và đặc biệt, vẫn cực kỳ văn minh. (Ảnh: headlines.yahoo.co.jp)

Người Nhật không muốn mang theo quốc kỳ hoặc băng rôn, vì họ sợ khi vui quá sẽ bất cẩn, làm rơi quốc kỳ xuống đường phố. Đó là hành vi không tôn trọng biểu tượng của quốc gia. 

Cách đi thang cuốn

Nhật Bản luôn nổi tiếng thế giới về những quy tắc ứng xử chuẩn mực và phong cách lịch sự. Không khó bắt gặp hình ảnh người Nhật đi thang cuốn nhưng chỉ đứng về bên, trái hoặc phải tùy từng khu vực. Hàng ngày, người Nhật luôn tất bật đi làm, khung giờ sát nhau và vô cùng chính xác, chỉ cần đến chậm vài giây là có thể bỏ lỡ chuyến tàu. Với mong muốn mang lại sự tiện lợi nhất cho cuộc sống, người này không gây ảnh hưởng đến người khác, người Nhật đã cùng nhau thống nhất một nguyên tắc: Những ai không cần đi vội thì đứng về một bên thang cuốn, phía trống còn lại sẽ là lối đi dành cho những người cần đi vội. Chính nguyên tắc nhỏ này đã giúp những người có việc gấp có thể di chuyển nhanh hơn đồng thời đảm bảo an toàn cho tất cả mọi người. 

Người Nhật đi thang cuốn. (Ảnh: yanpot.com)

Trung thực là thói quen

Nhật Bản được biết đến là quốc gia có số lượng máy bán hàng tự động lớn nhất thế giới. Có hơn 5,5 triệu chiếc máy bán hàng tự động ở Nhật Bản, tương đương với một máy bán hàng phục vụ 23 người, mật độ cao nhất trên thế giới. Những chiếc máy bán đủ mọi loại hàng hóa từ cà phê nóng đến hoa quả tươi, từ kẹo bánh đến ô che mưa, có mặt ở mọi ngóc ngách, từ lề đường cho đến các ga tàu điện ngầm, từ trung tâm thành phố sầm uất đến vùng dân cư hẻo lánh. Dù trong máy có hàng chục nghìn yên và nằm ở các con ngõ vắng vẻ thế nhưng chưa bao giờ người ta phải lo lắng về việc liệu nó có bị phá hoại hay trộm cắp hay không.

Máy bán hàng tự động ở Nhật Bản. (Ảnh: tokyoexcess.blogspot.com)

Đến Nhật Bản, bạn sẽ bắt gặp rất nhiều những cửa hàng “tự phục vụ”. Xung quanh các nhà ga hoặc những vùng xa trung tâm Nhật Bản, nếu bạn nhìn thấy những quầy hàng bán hoa quả tươi ngon nhưng lại không thấy người bán hàng, rất đơn giản, hãy tự chọn, cân kí và bỏ tiền vào thùng, sau đó mang lượng hoa quả bằng tầm tiền ấy về. Đây là những quầy hàng đặc trưng ở vùng nông thôn của Nhật, nơi mà những người lao động thường đi làm cả ngày và đến tối họ sẽ mang những nông sản ‘không ai lấy’ và tiền trong hộp để mang về. Tiền trong hộp không thiếu một xu, mọi khoản tiền đều khớp với số hàng được bày bán. 

Quầy hàng bán hoa quả tươi ngon nhưng lại không thấy người bán. (Ảnh: sowtasty.wordpress.com)

Người Nhật nghĩ rằng, họ tin tưởng nhau nên không cần phải đề phòng nhau, đồng thời họ được dư một công lao động. Ngoài ra, ý nghĩa nhân văn hơn nữa là nếu ai quá túng thiếu, quá nghèo khổ không có tiền để mua thì đây cũng là cơ hội để cho người lấy không phải xấu hổ vì ăn cắp. Trong những năm khốn khó, người ta lấy đồ ở hàng tự động nhưng để lại lời xin lỗi rất cảm động. Và điều đó có thể tha thứ được. Khi người chủ đến, thấy mảnh giấy để lại còn thương xót người lấy đồ đi và nhủ rằng “Ôi, thế mà không lấy thêm đi hoặc biết vậy tôi đã để thêm đồ cho bạn. Cầu chúc bạn may mắn và chóng vượt qua giai đoạn khó khăn này”.

Không chỉ có vậy, nếu bạn đến một số siêu thị của Nhật, bạn sẽ thấy kinh ngạc vì ở đây không có thu ngân. Sau khi lấy hàng hóa xong, việc tiếp theo là bạn mang chúng tới quầy thanh toán, tự quét số hàng đó vào máy và tự thanh toán tiền. Bạn chỉ cần nhét tiền vào và chiếc máy đó sẽ trả lại tiền thừa nếu có. 

Siêu thị của Nhật không có thu ngân. (Ảnh: longcountdown.com)

Con người luôn bị cám dỗ bởi lòng tham, vậy điều gì đã giúp người Nhật vượt qua được cám dỗ đó? Câu trả lời nằm ở sự tử tế và lòng tự trọng. Lòng tự tôn dân tộc đã ăn sâu vào tiềm thức của người Nhật từ những ngày xa xưa. Nó dường như đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng trong tính cách của người Nhật.

Biết xấu hổ với chính bản thân mình trước khi xấu hổ với người khác, điều này, lý giải vì sao những gian hàng “không người bán”, không hề có camera nhưng chẳng bao giờ xảy ra mất trộm. Đối với mỗi người dân Nhật Bản, bản thân họ đã là một cơ quan công quyền của chính mình, lòng tự trọng chính là chế tài xử phạt. Khi người ta có lòng tự trọng, họ sẽ không bao giờ làm việc trái với lương tâm.

Dân tộc sạch sẽ nhất thế giới

Nói Nhật Bản là quốc gia sạch sẽ nhất thế giới không phải là nói quá. Sạch sẽ, chỉn chu, ngăn nắp luôn là những tính từ miêu tả về quốc gia này. Không khí trong lành, đường phố sạch bong không một hạt bụi và trang phục thanh lịch, gọn gàng…vì sao Nhật Bản lại sạch sẽ như vậy?

Nhật Bản thuộc khí hậu ôn đới hải dương, lượng mưa nhiều thường xuyên gột rửa thành phố làm sạch mặt đường và không khí. Tokyo có hệ thống thoát nước ngầm lớn nhất thế giới, với hồ chứa nước khổng lồ gồm 59 cột, nặng 500 tấn gọi là “thần điện dưới lòng đất” để xử lý và tái sử dụng. Nhưng nếu suy ngẫm về sự sạch sẽ của Nhật Bản, thì yếu tố con người mới là quan trọng nhất.

Hồ chứa nước khổng lồ gồm 59 cột, nặng 500 tấn gọi là “thần điện dưới lòng đất”. (Ảnh: vroulife.com)

Người Nhật là dân tộc ưa tắm rửa. Đa số người Nhật mỗi ngày tắm hai lần, sáng và tối. Quần áo hôm nay không để mặc tới ngày mai, và điều này không chỉ áp dụng với phụ nữ mà nam giới Nhật Bản cũng rất quan tâm tới vẻ bề ngoài của mình. Từ trang phục đến đế giày của người Nhật đều rất sạch sẽ. Bởi vì có thói quen ngồi trên mặt đất nên người Nhật luôn chú ý đến vệ sinh dưới chân, họ đều phải tháo giày trước khi vào cửa. Ở Nhật, công trường thi công được bao lại hoàn toàn để tránh cát bụi bay ra ngoài. Quan trọng hơn, công nhân xây dựng ra vào công trường đều phải thay giày và máy móc, xe vận chuyển đều được “tắm rửa” sạch sẽ sau khi sử dụng xong.

Ở mỗi trường học Nhật Bản đều có tủ giày chuyên dụng, các em học sinh phải thay giày phù hợp hoặc mang bao giày trước khi vào lớp. Tinh thần chủ động được giáo dục từ nhỏ: “Không phải ai khác sẽ làm, chúng tôi sẽ giữ gìn vệ sinh công cộng”. Ở Nhật, từ bậc tiểu học, nhà trường đã giáo dục việc giữ gìn vệ sinh không gian chung cho các em nhỏ, và điều này duy trì cho đến bậc đại học. Tính tự giác và tự nhận thức của học sinh Nhật Bản cao đến mức hầu hết các trường đại học ở Nhật không cần thuê người giám hộ. Vào thời gian nghỉ trưa, tất cả học sinh, sinh viên tham gia dọn dẹp sân trường với niềm vui vì coi đó như một kỹ năng lao động. Chính việc bồi dưỡng thói quen giữ vệ sinh chung này đã thúc đẩy tinh thần tự giác với cộng đồng và đạo đức nghề nghiệp của người Nhật Bản. “Rời đi sạch sẽ hơn lúc đặt chân đến nơi đó” là một trong những thái độ đã ăn sâu trong tiềm thức người Nhật. 

Ở Nhật, từ bậc tiểu học, nhà trường đã giáo dục việc giữ gìn vệ sinh không gian chung. (Ảnh: brightvibes.com)

Một trong những thói quen của người Nhật khiến cả thế giới kinh ngạc chính là “nói không với rác”. Việc giữ sạch môi trường ở Nhật rất quy củ và có tổ chức. Không chỉ đơn thuần là cho rác vào thùng rác, Nhật Bản có hệ thống tiêu hủy rác tự phân loại các chất thải theo cách hợp lý. Tất cả rác thải đều được phân loại rõ ràng, từ những vật liệu đốt được hay không đốt được, khay nhựa, đồ hộp, thủy tinh dễ vỡ… Thùng rác nơi công cộng Nhật Bản được chia làm ít nhất 3 loại. Do đó, người dân phải suy nghĩ kỹ lưỡng để vứt rác cho đúng loại thùng nếu không sẽ bị xử phạt hành chính hoặc nghiêm trọng hơn có thể …vào tù.

Nhật Bản có hệ thống tiêu hủy rác tự phân loại các chất thải theo cách hợp lý. (Ảnh: jimenezphoto.com)

Với người Nhật, việc giữ vệ sinh chung không chỉ là trách nhiệm của từng cá nhân mà họ hướng đến cả cộng đồng. Đường phố không một bóng rác, sân vận động dù có sôi động ra sao, người dân cũng tự thu gom rác sau khi kết thúc hoạt động. Người Nhật không có ý niệm “chỉ làm sạch chỗ của mình” mà luôn hướng đến cái chung, và tinh thần nghĩ cho người khác, không muốn làm phiền người khác. 

Với những điều độc đáo và rất văn minh của mình, không lạ gì khi Nhật Bản lọt top 10 quốc gia có nền văn hóa ảnh hưởng toàn thế giới.

Hoàn Nguyên

Exit mobile version