Đại Kỷ Nguyên

Người Việt ăn mặn gấp đôi mức khuyến nghị của WHO, gây nhiều bệnh tật

Người Việt thường có thói quen để bát muối nhỏ, các loại nước chấm lên bàn ăn (ảnh chụp màn hình Youtube VTC14).

Muối là một trong những gia vị cần thiết không thể thiếu trong quá trình chế biến món ăn, thế nhưng nếu chúng ta lạm dụng quá mức thì muối cũng chính là nhân tố mang đến nhiều bệnh tật.

Mỗi người Việt tiêu thụ 9,4g muối/ngày, gấp đôi so với mức đề ra của Tổ chức Y tế Thế giới

Muối (NaCl) được cấu thành từ hai nguyên tố hóa học là Natri và Chlorua. Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, một thìa 5g muối chứa khoảng 2.000mg natri, tương đương với lượng muối chỉ nên dùng trong ngày với một người trưởng thành. Trẻ nhỏ dưới một tuổi, lượng muối được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo là dưới 1,5g và trẻ sơ sinh là dưới 0,3g muối/ngày.

Trong khẩu phần ăn hàng ngày, lượng natri có hai nguồn gốc: Từ tự nhiên chứa trong thực phẩm và chủ yếu từ việc bổ sung thêm muối cùng các gia vị mặn khi chế biến, chấm thức ăn. Theo nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, 81% lượng muối tiêu thụ hàng ngày tại nước ta chủ yếu là từ muối, các gia vị trong quá trình chế biến, nấu nướng và khi ăn. 11% muối từ thực phẩm chế biến sẵn, trong thực phẩm tự nhiên chỉ chiếm 7%. Bột canh và nước mắm là nguồn chính cung cấp muối hàng ngày, cùng với mì chính và muối tinh.

Theo VnExpress, Phó giáo sư Phạm Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch hội Tim mạch học Việt Nam, cho biết tại Hội nghị Y khoa Việt – Pháp ngày 15/6 ở Hà Nội rằng, ăn quá 5g muối mỗi ngày sẽ làm tăng trương lực thành mạch, ứ nước trong tế bào, tăng sức cản ngoại vi gây tăng huyết áp.

Ảnh chụp màn hình Sức khoẻ & Đời sống.

Ăn nhiều muối làm tăng tỷ lệ mắc cao huyết áp và các trường hợp tử vong do bệnh tim mạch. Ở nước ta hiện nay cứ 5 người trưởng thành thì có một người bị tăng huyết áp, cứ 3 trường hợp tử vong thì có một do các bệnh tim mạch, chủ yếu là tai biến mạch máu não.

Bên cạnh đó, thói quen ăn nhiều muối còn làm tăng nguy cơ suy thận, loãng xương và ung thư đường tiêu hóa, đặc biệt là ung thư dạ dày.

Cách giảm muối trong chế độ ăn

ThS. BS. Ngô Thị Hà Phương (Trung tâm Giáo dục Truyền thông Dinh dưỡng – Viện Dinh dưỡng Quốc gia) đã chia sẻ trên báo Sức khoẻ & Đời sống một số cách đơn giản có thể giúp mỗi các nhân và gia đình giảm lượng muối trong bữa ăn như sau:

– Không để các loại nước chấm trên bàn ăn nếu không có các món luộc… nếu gia đình nào thường để nước mắm, nước tương, muối trong mỗi bữa cơm thì nên bỏ thói quen đó.

– Hạn chế thường xuyên sử dụng các sản phẩm có hàm lượng muối cao, đặc biệt món ăn chế biến sẵn như khoai tây chiên, pizza, thực phẩm đóng hộp…

– Nên có quy định cho lượng muối, mắm trong quá trình nấu món ăn. Mức tối đa là không quá một phần năm thìa cà phê muối cho một bữa ăn của một người/ngày.

– Đọc nhãn khi mua thực phẩm đã được chế biến sẵn để kiểm tra hàm lượng muối. Nên hạn chế mua những thực phẩm chứa hàm lượng muối cao.

– Nếu gia đình bạn có con nhỏ thì cần chặt chẽ cân bằng lượng muối trong các món ăn cho bé.

Video xem thêm: Pháp Luân Công đã giúp tôi khỏi hẳn các chứng bệnh tiêu hóa mãn tính, chứng mệt mỏi và có một sức khỏe kiện toàn

Exit mobile version