Đại Kỷ Nguyên

Ngạc nhiên trước khung cảnh bình yên và thanh tĩnh của Tokyo nhiều năm trước

Thật khó có thể tưởng tượng rằng trước khi soán ngôi ‘thành phố đông dân nhất thế giới’, Tokyo hoa lệ của Nhật Bản từng là một làng chài đánh cá thanh tĩnh và yên bình với những đầm sen rộng mênh mông bát ngát.

Ngày nay, hoa sen vẫn mọc ở hồ Shinobazu, ngay gần trung tâm thành phố.

Mời bạn cùng chúng tôi lên cỗ máy thời gian quay trở về quá khứ xa xưa để ghé thăm một Tokyo không ồn áo náo nhiệt, một Tokyo bình dị và yên tĩnh với những đầm sen mênh mông tỏa hương thơm ngát.

Hầu như tất cả chúng ta đều biết rằng Nhật Bản đã có những bước chuyển mình đáng kinh ngạc khiến người dân trên khắp thế giới phải ngả mũ thán phục vì sự phát triển vượt bậc và nhanh chóng. Nhưng ít ai biết trước khi trở thành một nơi hút khách du lịch như ngày nay, Tokyo từng là một làng chài nhỏ khiêm tốn nép mình bên bờ biển. Ngày ấy thành phố đông dân vẫn chưa có cái tên Tokyo mà được người dân gọi với cái tên thân thiện là Edo, dịch ra tiếng Việt có nghĩa là “Cửa sông”. 

Làng chài Edo bé nhỏ

Vào cuối thế kỷ 12, bộ lạc Elan đã đến và củng cố lại làng chài đánh cá nhỏ nơi cửa sông Edo. Họ cho xây dựng thêm lâu đài, trung tâm quân sự. Và đến ngày nay, khi khách du lịch đến tham quan Tokyo vẫn có thể trông thấy vài bức tường và đường hào bao quanh lâu đài.

Vào khoảng những năm 1630, dân số Edo lên tới 150.000 người. Chỉ đến thế kỷ sau, làng chài đánh cá nhỏ ngày nào đã trở thành đô thị lớn nhất thế giới. Đến thế kỷ 18, Edo trở thành thủ đô của Nhật Bản.

Năm 1868, vua Tokugawa Yoshinobu, là vị vua cuối cùng của nhà Mạc đã trao vương quyền lại cho Hoàng đế Meiji. Một năm sau, Hoàng đế Meiji quyết định rời đô về Tokyo và cho xây dựng lâu đài Edo là cung điện của hoàng gia. 

Tháng 1/1873, là dấu mốc của sự ra đời những công viên công cộng tại Nhật Bản trong đó có cả thành phố Tokyo, tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ về diện mạo cũng như lối sống người dân. Theo đó, công viên sẽ là “nơi mọi người có thể đến thăm thú và thưởng thức”.

Cuối thế kỷ 19, thành phố đã trở thành trung tâm văn hóa và thương mại lớn của Nhật Bản. Thời kỳ này, nó cũng có một cái tên mới là Tokyo.

Giai đoạn công nghiệp hóa

Bước sang giai đoạn công nghiệp hóa, thành phố ưu tiên cho phát triển những tuyến đường sắt chính thay vì những đường quốc lộ rộng lớn.

Đầu thế kỷ 20, Tokyo bắt đầu phát triển một hệ thống kênh rạch chuyên chở hàng hóa đến các bến tàu, nhà kho và các nhà máy nằm trên các bờ kênh.

Tokyo của năm 1889

Những nhà ga quy mô và tầm cỡ cũng được xây dựng trên khắp thành phố. Chúng là tiền thân của hệ thống tàu điện ngầm hiện đại mà người dân Tokyo đang sử dụng. Nhà ga trung tâm là một công trình trong số đó.

Năm 1903, hệ thống đường tàu đầu tiên của Tokyo đi vào hoạt động.

Để tồn tại và vươn mình đầy tự hào như ngày nay, Tokyo đã kiên cường vượt qua hai thảm họa khốc liệt trong quá khứ, đó là trận động đất kinh hoàng vào năm 1923 và những mất mát đau thương trong Thế chiến II kéo dài hơn mấy chục năm mãi cho đến năm 1945 mới kết thúc. 

Mặc dù trải qua nhiều mất mát và đau thương, nhưng với tinh thần võ sĩ đạo đã ngấm vào mạch máu của từng người dân, Tokyo nhanh chóng phục hồi trong sự ngỡ ngàng của người dân thế giới. Sau trận động đất lịch sử, Tokyo nhanh chóng hồi sinh bất chấp những thiệt hại kinh hoàng về người và tài sản. Đường phố sớm trở nên đông đúc và tấp nập trở lại chỉ vài năm sau đó.

Đây là một đường phố của Tokyo vào năm 1930.

Ngày nay, Tokyo vẫn tự hào là thành phố lớn nhất thế giới với dân số ước tính 13,5 triệu dân. Thật khó có thể tin, để bước đến thành công hôm nay Tokyo lại từng là một làng chài bình yên và mơ mộng ven biển của Nhật Bản.

Tokyo của ngày nay

Ảnh dẫn qua: Independent.

Xuân Dung 

Exit mobile version