Đại Kỷ Nguyên

Nếu không muốn ‘về quê chăn lợn’, sinh viên nên làm gì trước khi ra trường?

Tình trạng hàng chục ngàn cử nhân thất nghiệp mỗi năm, trong đó có những thủ khoa xuất sắc đang là vấn đề nhức nhối được cả xã hội quan tâm. Nhiều người cho rằng nguyên nhân ở nền giáo dục còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, công bằng mà nói, điều này thực sự là một hồi chuông cảnh tỉnh cho các tân cử nhân đã đến lúc cần nhìn lại chính mình.

1. Bạn đã có định hướng nghề nghiệp rõ ràng chưa?

Ở Việt Nam, sau khi rời trường phổ thông, các bạn trẻ rất mông lung về định hướng nghề nghiệp. Học xong đại học, nhiều sinh viên mới đi tìm định hướng và kinh nghiệm làm việc. Điều này cũng đồng nghĩa rằng, khi lựa chọn trường đại học, họ chưa biết mình muốn làm ngành nghề nào, có điểm mạnh ở lĩnh vực gì… Vô hình trung, họ đã khiến cho 4, 5 năm học đại học trở nên lãng phí.

Phần lớn các bạn trẻ vào Đại học là không biết mình sẽ học cái gì, tương lai đi về đâu

Mới đây, trong một ngày hội tuyển dụng được tổ chức dành cho sinh viên, các bạn rất phân vân khi điền vào dòng: “vị trí mong muốn”. Có bạn trong mỗi tờ đơn xin việc điền một vị trí khác nhau và rải hàng chục bộ hồ sơ như vậy.

Để định hướng đúng, trước hết bạn cần trả lời được 3 câu hỏi: Điều bạn thực sự quan tâm trong cuộc sống là gì?, Bạn muốn làm việc trong lĩnh vực nào?Khả năng của bạn ra sao? 

Nếu bạn chưa rõ ràng về những điều đó, hãy dành thời gian để đi tìm câu trả lời thay vì vào đại học theo nguyện vọng của cha mẹ hoặc theo học ngành đang “hot” hiện nay.

Ở nhiều nước, các bạn trẻ sau khi tốt nghiệp trung học thường dành 1 năm (gap year) để trải nghiệm thực tế trước khi vào đại học. Có lẽ, 1 năm “trì hoãn” để thấu hiểu bản thân và lựa chọn tương lai phù hợp đáng giá hơn nhiều so với việc dành 4 năm dùi mài kinh sử trên giảng đường đại học và ra trường không biết sẽ đi đâu về đâu.

2. Bạn có chủ động tìm kiếm việc làm không?

Số liệu thống kê trên 2 trang web tuyển dụng nổi tiếng Timviecnhanh.com và Vieclam.24h.com.vn cho thấy luôn luôn thường trực hơn 50.000 tin tuyển dụng thuộc mọi lĩnh vực trên cả nước. Trong đó, có đến 20 – 25% việc làm không hề yêu cầu kinh nghiệm hay kỹ năng, và các bạn sinh viên mới ra trường đều có thể đáp ứng được.

Có vô số công việc bạn có thể làm ngay mà không cần 1 ngày kinh nghiệm

Điều này đã nói lên một thực trạng rằng, các bạn sinh viên quá thụ động trong tìm kiếm cơ hội. Đa phần các bạn chỉ biết gửi hồ sơ xin việc bằng những cách truyền thống hoặc chờ người quen giới thiệu. Thậm chí có trường hợp cử nhân giơ biển xin việc ngoài đường.

Thừa nhận rằng, nền giáo dục Việt Nam chưa phát triển được như nhiều quốc gia khác. Thế nhưng, không phải vì thế mà chúng ta đỗ lỗi cho việc thất nghiệp. Nếu bạn không thay đổi được chương trình giáo dục, không thể thay đổi được thầy cô, nhưng bạn hoàn toàn có thể tự thay đổi chính mình.

Ngày nay, các doanh nghiệp tư nhân, các công ty nước ngoài đa số đều không quan tâm bạn tốt nghiệp trường nào, bằng giỏi hay bằng trung bình mà điều họ thực sự quan tâm là bạn có thể đóng góp được gì cho công ty của họ. Vậy nên, thay vì đổ lỗi cho hoàn cảnh, hãy chủ động lựa chọn tương lai của bạn và tập sống trách nhiệm với chính bản thân mình.

3. Bạn có hiểu rõ mình là ai?

Năm 2015, cộng đồng xôn xao câu chuyện của thủ khoa kép (thủ khoa đầu vào và đầu ra) không tìm được việc làm phù hợp sau khi ra trường mà phải chấp nhận làm công viêc lao động phổ thông kiếm sống qua ngày.

Mới đây, câu chuyện thủ khoa xuất sắc của một trường đại học danh tiếng phải về quê chăn lợn cũng gây sốt trong xã hội.

Câu chuyện thủ khoa nuôi lợn đã từng làm xã hội chấn động (Ảnh minh hoạ)

Thế nhưng, thủ khoa chăn lợn thì sao nhỉ? Sao cứ nghĩ đi học lại phải là ông nọ bà kia? Chẳng phải khi cánh cửa này khép lại tức là đã có một cánh cửa khác mở ra. Với khả năng của bạn, nếu chịu khó tìm hiểu tài liệu về kỹ thuật chăn nuôi, biết đâu một ngày nào đó Việt Nam lại vinh danh một tỷ phú nhờ nghề nuôi lợn thì sao?

Như ông vua dầu mỏ John D. Rockefeller đã nói rằng “Nếu là người móc cống, tôi sẽ là người móc cống giỏi nhất nước Mỹ”.

Thực ra, tôi dẫn chứng điều này không nhằm mục đích khuyến khích bạn thủ khoa làm giàu bằng nghề chăn lợn. Điều tôi muốn nói ở đây là: Mong bạn hãy tạm gác mác thủ khoa sang một bên, tạm thời quên rằng mình là một sinh viên xuất sắc và hãy sống thực tế hơn.

Con đường đi từ sách vở đến thực tế là những chuyện hoàn toàn khác nhau. Sở hữu tấm bằng loại ưu của một trường đại học danh tiếng không có nghĩa là bạn đã được “bảo hiểm” để bước vào đời. Đó là một sự thật mà dù muốn hay không bạn cũng phải chấp nhận nó.

Sở hữu tấm bằng loại ưu của một trường đại học danh tiếng không có nghĩa là bạn đã được “bảo hiểm” để bước vào đời (Ảnh minh hoạ)

Các bạn có thể học rất giỏi, nhưng các bạn có bao giờ tự đặt câu hỏi mình đã có kỹ năng xử lý tình huống (problem-solving), kỹ năng làm việc nhóm (teamwork), kỹ năng ra quyết định (decision making)… hay chưa? Jenny Taylor, Giám đốc tuyển dụng của Công ty IT và tư vấn giải pháp IBM, Vương quốc Anh từng cho biết:

“Chúng tôi không chỉ tuyển dụng sinh viên ngành CNTT mà bất kỳ chuyên ngành nào, chỉ cần thí sinh có kỹ năng mềm để xử lý công việc một cách độc lập thì dù là mới tốt nghiệp đi nữa, các sinh viên sẽ được chào đón ở bất cứ môi trường làm việc nào”.

Cơ hội nghề nghiệp không thiếu, trên thực tế, có rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang “khát” nhân lực. Nhưng nếu bạn vẫn thấy trong nước khó tìm việc quá thì có thể tìm kiếm các cơ hội ở nước khác. Thế giới phẳng rồi mà, chỉ cần google: “Job and recruitment in Singapore/ USA/ Japan…” (Công việc và tuyển dụng tại Singapore/ Mỹ/ Nhật…) rồi nộp hồ sơ mà “lên đường” thôi. Vậy đấy, bạn đâu cần phụ thuộc vào ai đó để có việc làm?

Hãy nhớ rằng: bạn và nhà tuyển dụng không phải là mối quan hệ xin – cho. Trên thị trường lao động, bạn làm việc, họ trả lương, đó là trao đổi, nếu bạn thực sự có năng lực thì họ sẽ rất cần bạn. Vậy nên, hãy loại bỏ tâm lý cầm tấm bằng cử nhân thì phải có vị trí cao, mức lương cao, công việc nhẹ nhàng… điều bạn cần làm là khiến cho bản thân trở nên có “giá trị” một cách thực tế.

Hiểu Minh

Exit mobile version