Đại Kỷ Nguyên

Nếu bạn đến Nhật Bản, đừng sốc khi nghe quá nhiều lời xin lỗi

Ở Nhật Bản, lời xin lỗi đã trở thành một phần của văn hóa, được sử dụng trong mọi hoàn cảnh, từ công việc, ứng xử cá nhân, ứng xử nơi công cộng, ứng xử của các tập đoàn lớn và cả các quan chức Chính phủ. Đáng kinh ngạc hơn, ngay cả khi bạn không thể tìm thấy lỗi lầm nào của họ, họ vẫn nói: “Xin lỗi!”

1. Công ty đường sắt xin lỗi vì tàu chạy sớm… 20 giây

Cách đây không lâu, tuyến tàu cao tốc Tsukuba Express, nối giữa 2 địa danh là Tokyo và Tsukuba, đã khởi hành sớm hơn 20 giây so với giờ xuất phát. Vì điều này mà hãng đã công khai xin lỗi các khách hàng mặc dù không có hành khách nào phàn nàn.

Đại diện tuyến tàu viết: “Đây là lỗi của chúng tôi vì đã không kiểm tra cẩn thận thời gian khởi hành và đã thực hiện chuyến đi sớm hơn thời gian quy định”.

Hãng tàu thừa nhận rằng việc khởi hành sớm chuyến tàu đó nguy hiểm và đáng bị chê trách đến mức nào. Theo đó, việc kiểm soát thời gian và lộ trình được thực hiện bởi hệ thống máy tính. Việc khởi hành sớm có thể ảnh hưởng xấu tới các tuyến tàu khác và có thể khiến nhiều hành khách lỡ chuyến trong giờ cao điểm.

Nhân viên tàu cúi chào cám ơn hành khách.

Theo một thống kê của JR Central, mỗi năm công ty đường sắt của Nhật Bản đã để xảy ra việc chậm trễ trung bình là 0,9 phút/chuyến, bao gồm cả sự chậm trễ không kiểm soát được do thiên tai. Người đứng đầu ngành đường sắt theo thông lệ hàng năm sẽ công khai xin lỗi hành khách trên cả nước qua các phương tiện truyền thông.

2. Ngân hàng xin lỗi vì … hành khách làm hỏng máy ATM

Một người Trung Quốc làm việc tại trung tâm kiểm soát máy ATM của Hội sở ngân hàng Nhật Bản đã kể câu chuyện như sau:

Một ngày nọ, có một vị khách cực kỳ tức giận tới nơi anh ấy làm việc làm ầm ỹ vì máy ATM đã ngừng hoạt động khi ông này đang cho tiền vào máy ATM.

Hội sở lập tức cử nhân viên bảo trì đến kiểm tra và lấy được thẻ ngân hàng cũng như tiền trả lại cho khách. Tuy nhiên, sau nhiều giờ kiểm tra và sửa chữa thì các nhân viên mới phát hiện ra tờ giấy nhỏ mà khách vô tình cho vào máy đã gây ra sự cố. Cấp trên của anh ấy ngay lập tức gọi điện thoại cho người khách nọ và nói:

Mảnh giấy nhỏ của ông rơi vào khiến máy bị ngừng lại, thật lòng xin lỗi đã ảnh hưởng đến việc chuyển tiền của ông, mong ông thứ lỗi”.

Khách sai là việc của khách, còn việc của người làm dịch vụ là phải phục vụ tốt nhất có thể

Rõ ràng vị khách hàng kia đã sai khi cho giấy vào cửa nhận tiền khiến máy ATM bị hỏng, vì sao Ngân hàng còn phải xin lỗi? Bởi vì, đối với người Nhật, khách sai là việc của khách, còn việc của người làm dịch vụ là phải phục vụ tốt nhất có thể. Lỗi của họ là phải mất mấy tiếng đồng hồ mới giải quyết xong được sự cố… do khách hàng gây ra.

3.  Sony xin lỗi khách hàng vì cửa hàng online bị hack

Năm 2011, hãng Sony đã xin lỗi vì cửa hàng online PSN bị hack, ảnh hưởng đến việc truy cập của khách hàng. Theo suy nghĩ thông thường, đây hoàn toàn không phải lỗi của Sony, thế nhưng, với cách nghĩ luôn hướng nội để tìm ra khuyết điểm của mình, người Nhật cho rằng một doanh nghiệp khi cung cấp dịch vụ cho khách hàng thì phải dự đoán và có biện pháp kiểm soát, khắc phục được mọi rủi ro có thể xảy ra. Lỗi của Sony là đã không thể kiểm soát được khả năng bị hack của cửa hàng online.

Sony đã xin lỗi vì cửa hàng online PSN bị hack, ảnh hưởng đến việc truy cập của khách hàng

Xin lỗi không đơn thuần là nhận lỗi sai về mình, mà còn là thể hiện trách nhiệm của bản thân chứ không phải là đổ lỗi cho người khác. Với người Nhật, họ xin lỗi vì họ tôn trọng bản thân mình và những người có liên quan.

4. Quan chức cấp cao càng phải xin lỗi

Cựu Thủ tướng Yukio Hatoyama đã từng lên tiếng xin lỗi người dân đảo Okinawa vì không giữ cam kết khi tranh cử: đưa một căn cứ quân sự Hoa Kỳ ra khỏi hòn đảo này.

Cựu thủ tướng Taro Aso thậm chí đã xin lỗi vì một việc dường như chẳng liên quan gì tới mình, ông xin lỗi vì Bộ trưởng Tài chính của Chính phủ “đã ngủ gật trong cuộc họp báo ở hội nghị G7”. Vì một hành vi thiếu lịch sự của cấp dưới mà Thủ tướng đã đứng ra nhận lãnh trách nhiệm và xin lỗi tất cả người dân – một việc khá lạ lẫm ở các quốc gia khác. Đó là bởi vì những người đứng đầu đất nước luôn ý thức được trách nhiệm kèm với quyền hạn và tầm ảnh hưởng tới xã hội mà người khác trao cho mình. Đã là người làm quan, người của công chúng thì trách nhiệm đối với thể diện quốc gia càng phải cao hơn.

Quan chức cấp cao càng phải xin lỗi

Những lời xin lỗi đúng lúc, cái gập người khiêm nhường của người Nhật không chỉ là văn hoá ứng xử tuyệt vời, mà còn cho thấy một phẩm cách rất đáng trân trọng: sự cao thượng.

Lời xin lỗi không phải xác định ai đúng, ai sai, ai thắng, ai thua mà thể hiện sự tôn trọng dành cho người khác và cũng là cho chính mình; bởi người ta coi trọng sự bền vững mối quan hệ hơn là cái tôi cá nhân chỉ muốn bảo vệ bản thân.

Cũng không phải sự gập mình cúi đầu xin lỗi nào cũng là hạ mình. Khi người Nhật gập mình cúi đầu xin lỗi vì một điều có thể không phải do họ trực tiếp gây ra, họ đã gửi đi thông điệp sẽ chịu trách nhiệm trong mọi hoàn cảnh, và dường như hình ảnh của họ cũng được tôn vinh lên cao hơn.

Nếu như có thể hạ cái tôi xuống, thật lòng nói lời xin lỗi và bao dung hơn với người khác thì cuộc sống sẽ nhẹ nhàng hơn biết bao

Chúng ta thường nhận ra và nhìn thấy lỗi lầm của người khác, và hiếm khi thấy sai lầm của mình. Chúng ta cũng thích dùng cách bảo vệ bản thân để giải quyết vấn đề. Vô hình trung, mâu thuẫn sẽ ngày càng nhiều và mối quan hệ ngày càng căng thẳng. Ngược lại, nếu như có thể hạ cái tôi xuống, thật lòng nói lời xin lỗi và bao dung hơn với người khác thì cuộc sống sẽ nhẹ nhàng hơn biết bao. Chẳng phải vẫn có câu “Lùi một bước là biển rộng trời cao”.

Ảnh dẫn qua: Dailymail

Hiểu Minh

Exit mobile version