Chiến tranh đã là quá khứ, nhưng nỗi đau và mất mát mà nó để lại vẫn còn nguyên vẹn trong trái tim của nhiều người. Những đứa trẻ babylift là một trong số ấy. Sống ở một đất nước văn minh, có một sự nghiệp, một tổ ấm của riêng mình, nhưng rất nhiều những đứa trẻ sinh ra từ chiến tranh ấy vẫn từng ngày hướng về quê hương, mong tìm lại được vòng tay mẹ.
Ông Thai Lebailly là một trong số những đứa trẻ cuối cùng rời Việt Nam trên những chuyến bay babyflit vào năm 1975. Ông cũng giống với rất nhiều người đứa trẻ không may mắn sinh ra trong thời điểm ấy. Chiến tranh đã khiến những con người ấy phải mang bên đời một nỗi đau dai dẳng – không có được một gia đình, một quê hương trọn vẹn.
Phải xa mẹ từ lúc 5 tuổi để tới một đất nước xa lạ ở bên kia trái đất, ông Thai dường như còn mang trong mình nhiều nỗi buồn hơn. Năm ấy, gia đình bố mẹ nuôi của ông Thai sẽ nhận nuôi một cậu bé khác (sinh ngày 15/7/1971), chứ không phải là ông. Nhưng, cậu bé ấy, cùng với 78 đứa trẻ khác trên chuyến bay ngày 4/4/1975 đã mãi nằm lại ở Việt Nam, máy bay của họ đã gặp sự cố và rơi trên cánh đồng ngay gần sân bay Tân Sơn Nhất sau khi vừa cất cánh. Và ông là người được sắp xếp để tới với gia đình cha mẹ nuôi, thay cho người bạn xấu số. Tuy nhiên, do thời gian gấp gáp, những người chịu trách nhiệm đã không kịp làm giấy tờ cho ông, ông Thai lúc ấy lên máy bay với danh phận của một người hoàn toàn xa lạ.
Ông Thai lớn lên trong sự chăm sóc của cha mẹ nuôi ở Montreal, đến năm ông 13 tuổi, cả gia đình chuyển đến định cư ở Bỉ. Luôn mang trong mình mong muốn tìm lại được gia đình, chỉ tới năm 2006, sau khi cha nuôi qua đời, ông mới chính thức bắt đầu hành trình tìm lại cội nguồn của mình. Manh mối duy nhất ông có thời điểm ấy là bộ hồ sơ nhận con nuôi mà cha mẹ nuôi của anh đã gìn giữ cẩn thận suốt những năm qua.
Trong lá thư gửi báo Thanh Niên, ông đã thuật lại hành trình tìm mẹ của mình. May mắn đã giúp ông Thai tìm được Rosemary Taylor – một cựu nhân viên của tổ chức Friends for All Children, cũng chính là người phụ trách trường hợp nhận nuôi của ông. Bà Rosmary đã giúp ông Thai tìm thấy một bức ảnh hồi nhỏ và một cái tên có thể là danh tính thực sự của ông. Theo kết luận của bà, ông Thai nhiều khả năng tên là Nguyen Truong Tho, sinh ngày 10/6/1970, được mẹ đẻ đưa đến cô nhi viện Allambie vào ngày 17/4/1975.
Tiếp sau đó, ông Thai tìm và liên lạc được với một nữ nhân viên người Pháp làm viêc tại cô nhi viện thời điểm đó. May mắn lại một lần nữa mỉm cười khi nữ nhân viên này nhớ được Thai, nhờ một chi tiết. Bà kể với ông rằng, bà đã gặp hai mẹ con khi mẹ đưa ông đến cô nhi viện. Lúc ấy ông là một cậu bé có đôi mắt xanh nhưng mái tóc lại được nhuộm đen để tránh sự dị nghị của mọi người. Đó cũng chính là lý do vì sao bà vẫn có thể nhớ ra ông sau gần nửa thế kỉ, giữa bao nhiêu đứa trẻ bà đã gặp. Hai người phụ nữ này đã cho ông Thai một niềm an ủi rất lớn. Họ đều nhớ được rằng, cậu bé Thai lúc ấy được chăm sóc rất cẩn thận và mẹ rất yêu ông.
Cuộc tìm kiếm của ông Thai vẫn là một hành trình chưa đến đích. Tuy nhiên, ông đã có thêm một manh mối khác khi tìm được cha đẻ của mình cách đây vài tháng. Sau khi đọc được thông tin về “chiến dịch đoàn tụ” và kho dữ liệu ADN, ông đã quyết định sẽ tham gia. Không đặt nhiều hy vọng, nhưng dữ liệu gen của ông đã trùng khớp với hai người em họ tại Mỹ. Từ đó ông đã tìm ra cha đẻ của mình – ông John Shinkaroff. Cha ông vẫn còn sống và đang cư trú tại New York.
Cuộc hội ngộ bất ngờ này giúp ông Thai có thêm nhiều chi tiết về cuộc sống của mẹ. Cha ông không nhớ được tên Việt Nam của mẹ, chỉ biết mẹ ông có một tên khác là Mary Haung, sống tại khu trung tâm ở Pleiku, Gia Lai. Thời điểm đó, bà làm kế toán tại một câu lạc bộ của lính quân dịch ở Pleiku, còn ông thuộc biên chế đơn vị bảo trì 614, gắn liền với đơn vị vận tải 604. Đó là tất cả những gì ông có thể làm cho con trai trong hành trình tìm lại người mẹ Việt Nam của mình.
Cho tới chặng này của cuộc hành trình tìm lại cội nguồn, ông Thai bày tỏ trong thư, ông rất mong tìm lại được mẹ của mình. Ông tin rằng ngày trước mẹ đã rất thương ông, và vì nghĩ tới một tương lai tốt đẹp, bình yên hơn cho ông nên mẹ đã gửi ông lên chuyến bay năm ấy. Vậy nên, dù mẹ không nuôi nấng ông, nhưng mẹ đã sinh ra ông, đã mong cho ông có được những điều tốt đẹp nhất nên ông muốn tìm lại mẹ, được gặp mẹ dù chỉ một lần để thực hiện ước mơ:
“Tôi chỉ mong có thể tìm được bà và nói với bà tôi đang sống tốt”.
Dù có cách xa mẹ về cả không gian và thời gian, sợi dây nối kết giữa ông Thai và mẹ dường như chưa bao giờ đứt đoạn. Trong kí ức của ông không còn nhiều những kỉ niệm, nhưng sâu bên trong tâm hồn, ông vẫn muốn tìm lại người đã mang ông 9 tháng 10 ngày, đã dành trọn cho ông tình thương và sự chăm sóc trong những năm tháng đầu đời non nớt. Và rất có thể, ở một nơi nào đó trên dải đất hình chữ S nhỏ bé mà thân thương này, vẫn đang còn một người phụ nữ, ngày ngày sống, ngày ngày mang trong trái tim hình ảnh của cậu bé lẫm chẫm mắt xanh, tóc phải nhuộm đen năm nào, và lòng thầm cầu nguyện: Mong cho con của mẹ luôn được yêu thương và bình an.
Nếu bạn có vô tình biết được những thông tin về một phụ nữ Việt như những gì ông Thai kể về mẹ của mình, xin quý độc giả hãy liên lạc với báo Thanh Niên, nơi đã nhận lá thư của người con xa xứ đang ngóng tin mẹ từng ngày. Nếu không, xin hãy cùng cầu chúc cho ông Thai sẽ sớm được thực hiện ước mơ đoàn tụ.
Hy Văn