Đại Kỷ Nguyên

Mối quan hệ vợ chồng lý tưởng là không trách móc nhau khi gặp chuyện

Khi xảy ra chuyện, cần nhất là một trái tim trầm tĩnh và thấu hiểu.

Khi điều không may xảy ra, vợ chồng trách móc lẫn nhau là việc không nên làm. Bởi vì, hành động này không chỉ không thể cứu vãn được sự việc mà còn dễ làm tổn thương tình cảm vợ chồng, khiến cho sự việc càng trở nên tệ hơn. Chỉ có thấu hiểu và bao dung, không đổ lỗi mới là chất xúc tác gắn kết lâu bền trong hôn nhân.

Chúng ta cùng đọc vài mẩu chuyện nhỏ dưới đây và suy ngẫm về điều này nhé.

Câu chuyện 1 

Một ngôi nhà đột nhiên bốc cháy, mặc dù lúc đó ngọn lửa rất lớn nhưng vẫn được kịp thời dập tắt. Tuy vậy, đám cháy cũng để lại tổn thất không nhỏ, mọi thứ trông như một mớ hỗn độn, tường nứt, cửa phòng cháy rụi, giường cũng chỉ còn lại hình dáng bộ khung.

Người vợ nhìn thấy cảnh tượng này đã khóc lóc thương tâm.

Thấy vậy, người chồng liền đến bên an ủi: “Ngôi nhà vẫn còn giữ lại bộ khung mà, chỉ cần bỏ chút sức lực sửa sang lại thì vợ chồng mình sẽ lại được ở trong căn nhà mới rồi”.

Người có mặt tại hiện trường vụ cháy đã nghe được lời này, họ không khỏi cảm phục người chồng và khen cô vợ đã chọn được người đàn ông tốt. Một phụ nữ khác cũng nói rằng, chồng cô từng tâm sự, khi đồ đạc bị mất liền trách móc người thân, hành động này không chỉ không thể vãn hồi tổn thất mà còn khiến mất mát nhiều hơn. 

Người làm ra sai lầm vốn đã rất áy náy khổ sở. Nếu như đối phương không thông cảm và tha thứ mà liên tục đổ lỗi thì sự việc thậm chí còn tồi tệ hơn nữa. Bởi vì lời oán trách vừa thốt ra khỏi miệng liền khiến người nghe bị tổn thương.

Nhân tố làm sát thương quan hệ vợ chồng đôi lúc không phải bởi khó khăn kinh tế hay bạo lực gia đình, mà là khi vấn đề không may xảy ra, không những đối phương không trợ giúp mà còn ở trong thống khổ trách móc người khác.

Câu chuyện 2

Sau khi nghe nhân viên làm bất động sản tư vấn một hồi, người vợ liền quyết định chi 1 tỷ đồng ra đầu tư mua nhà. Khi chồng đi làm về, cô vợ liền kể lại mọi việc cho chồng. Người chồng nghe xong liền có linh cảm vợ bị lừa nhưng cô vợ không tin. Nửa tháng sau, cô phát hiện công ty bất động sản đã biến mất. Lúc này, trời đất như sụp đổ trước mắt cô, bởi vì 1 tỷ không phải là khoản tiền nhỏ.

Tuy nhiên, sau khi cô khóc lóc kể với chồng, người chồng không những không trách móc mà còn an ủi: “Tiền mất rồi chúng ta lại có thể kiếm được nhiều hơn. Em thấy đấy, công việc kinh doanh tiệm cơm của vợ chồng mình chẳng phải ngày một tốt hơn sao. Để kiếm được số tiền này cũng không quá khó khăn. Em coi như số tiền này đã đem đi quyên góp, huống chi cũng không phải là không có cơ hội kiếm trở về”.

Vợ chồng cần biết thông cảm cho nhau.

Sau chuyện này, người chồng không bao giờ đề cập đến chuyện mất mát đó nữa và sự việc cũng khiến vợ vừa cảm động vừa áy náy.

Ngay tại thời điểm trách móc nhau, mối quan hệ vợ chồng liền bị rạn nứt. Khi bên kia mắc sai lầm, họ sẽ nhận được bài học sâu sắc. Nếu thời điểm này mà chồng hoặc vợ đổ lỗi cho đối phương thì chỉ càng làm tăng thêm độ căng thẳng và đẩy người phạm sai lầm ra xa hơn.

Câu chuyện 3

Hai vợ chồng sau khi kết hôn đã sinh được một cậu con trai, nhưng do sự bất cẩn của vợ khiến đứa con qua đời. Lúc này, người chồng nhìn thấy vợ đau buồn thống khổ, anh không trách oán mà còn ôm vợ vào lòng và nói rằng: “Em yêu, anh yêu em”.

Đối với người vợ mà nói, việc mất đi đứa con do chính mình sinh ra đã khiến cô vô cùng đau buồn và ân hận. Nếu lúc này người chồng lại buộc tội vợ vì để mất con thì không những con trai không sống lại được mà còn khiến vợ đau khổ đến tuyệt vọng.

Sự lựa chọn đúng đắn nhất ở thời điểm này là hai vợ chồng cùng khích lệ an ủi nhau để vượt qua trạng thái tồi tệ. Bởi vì, trong lúc cảm thấy bất lực và yếu đuối, cô đơn và tội lỗi, nếu như chồng hoặc vợ biết cảm thông yêu thương đối phương, cùng nhau vượt qua khó khăn làm lại từ đầu thì sẽ khiến tình cảm vợ chồng sâu đậm hơn, thấu hiểu và phối hợp ăn ý hơn.

Gia đình không phải là nơi để nói đúng sai, do vậy cần phải bỏ đi lời oán trách, bỏ qua lỗi lầm để cùng nhau tiến về phía trước.

Con ốm thì chồng đổ lỗi cho vợ không biết chăm sóc. Chồng say xỉn thì vợ đổ lỗi chồng không biết chừng mực. Từ việc bát đũa không sạch đến quần áo không là phẳng… vợ chồng cứ trách móc nhau mỗi ngày thì không khí gia đình càng trở nên nặng nề. Hai người dần không tôn trọng nhau, làm cho mối quan hệ vợ chồng mất đi tình yêu thương. 

Do vậy, khi chồng hoặc vợ phạm phải lỗi lầm, người còn lại nên xem chuyện lớn thành nhỏ, chuyện nhỏ thành không có gì, được vậy mới có thể xây mối quan hệ vợ chồng tốt đẹp nhất. Trong cuộc sống hiện đại, sự cạnh tranh bên ngoài xã hội đã quá khốc liệt, do vậy khi trở về nhà, không khí gia đình nên tràn đầy yêu thương và tha thứ.

(Ảnh minh hoạ: chụp màn hình phim “Wedding”)

Theo Secret China

San San biên dịch

Video xem thêm: Có khiếm khuyết mới là vĩnh cửu, không hoàn mỹ mới gọi kiếp nhân sinh

Exit mobile version