Đại Kỷ Nguyên

Mai nở mùa thu: Niềm vui nhỏ nhỏ từ những khoảnh khắc bất chợt

Hôm nay, Blog ĐKN xin giới thiệu cho bạn đọc một bài viết mà chính tác giả đã cảnh báo: “Không, chẳng có gì đặc biệt đâu, chỉ là đáng nhớ với tôi thôi. Những cái vu vơ, vớ vẩn ấy mà, miễn là nó làm cho tôi vui vui, thế là được”. Blog ĐKN muốn qua đây truyền tải thông điệp, rằng dẫu bộn bề đến mấy, cuộc sống vẫn luôn có những khoảnh khắc vui vui như thế. Nó bất chợt, nó nhỏ xíu, nhưng như những giọt nước tinh khiết tưới mát tâm hồn ta. Hãy chia sẻ khoảnh khắc đáng nhớ của bạn với chúng tôi nhé!

Mấy ý nghĩ lan man này tôi đã có từ vài ngày nay mà không có chút rảnh rang đầu óc để viết ra được. Nay, ngồi trong cơ quan chờ một cuộc hẹn (người được hẹn đến trễ), tranh thủ thời gian chết viết vội mấy dòng. Có lẽ nó sẽ là bài khởi đầu cho một loạt bài (viết vô chừng, không biết khi nào sẽ viết) nhằm ghi lại những khoảnh khắc tạm xem là đáng nhớ trong đời. Không, chẳng có gì đặc biệt đâu, chỉ là đáng nhớ với tôi thôi. Những cái vu vơ, vớ vẩn ấy mà, miễn là nó làm cho tôi vui vui, thế là được. Ghi lại để giữ cho mình, thế thôi …

Cuộc đời, nhìn chung thật là mệt mỏi. Chẳng thế mà Trịnh Công Sơn những năm cuối đời đã thốt lên những câu “ngẫu nhiên” như thế này:

Mệt quá đôi chân này
Tìm đến chiếc ghế nghỉ ngơi
Mệt quá thân ta này
Tìm đến với đất muôn đời…

Nhưng… cuộc đời cũng có những giây phút đẹp đẽ. Ngắn thôi, nhưng đem lại cho ta chút hạnh phúc nhỏ nhoi, và thêm sức lực cho ta đi tiếp trên cuộc đời mệt mỏi này.

Mà, con người, nghĩ cũng lạ. Luôn than thở về cuộc sống mệt mỏi như thế, nhưng lúc nào có ai đó qua đời, lại kêu lên: cuộc đời sao ngắn ngủi quá! Nếu cuộc đời mệt mỏi, thì lẽ ra phải thấy đó là sự giải thoát chứ nhỉ? Chắc là người ta giả vờ thở than thế thôi, chứ hẳn là cuộc đời phải đẹp lắm, thú vị lắm, thì người ta mới tiếc như thế.

Ừ có thế thật. Ít ra, trong đời ai cũng sẽ có những khoảnh khắc đẹp đẽ, thú vị. Ví dụ như sáng hôm ấy của tôi – chỉ cách đây có vài ngày thôi.

Buổi sáng sớm, như mọi buổi sáng, ông xã tôi tập thể dục trong khoảng sân – mảnh “vườn” nhỏ xíu trước nhà. Tôi thì ngồi trong nhà, ôm vật bất ly thân của tôi – máy laptop – đọc tin tức.

Bỗng nhiên nghe tiếng ông ấy gọi rối rít: “Em, em, ra xem này!”.

Bước ra sân, không khí còn đẫm nước mưa, cây cối mùa mưa lá xanh rờn, vì được tắm táp thỏa thuê bởi những cơn mưa không dứt.

Và kia, trên cây mai tôi mới mua hôm Tết, vẫn còn rất trẻ (chỉ mới được 3 tuổi, người bán nói như vậy), một bông hoa duy nhất tròn trịa, vàng tươi nằm ngay ngắn nổi bật ngay giữa đám lá xanh, như mới được ai cắm vào.

Không, phải nói là giống một bông hoa xinh xắn cài trên tóc một cô bé tuổi 15, 16, bằng tuổi con gái tôi, mới đúng.

Bông mai nở trái mùa, không phải mùa xuân, mà là giữa mùa thu, lạ thật. Mới thấy lần đầu tiên, thật thế.

Tôi định nói: “Cây mai này em mua đấy nhé”, nhưng rồi ngưng lại ngay. Vì tôi nghĩ thế nào ông xã tôi cũng nói lại: “Thế ai tưới nước hàng ngày?”. Thay vào đó, tôi nhìn ông xã tôi, cười tủm tỉm.

“Định nói cây do em mua phải không? Anh mà không tưới hàng ngày thì còn lâu mới có hoa cho em ngắm nhé!” Ông xã tôi nói. Và tôi cười phá lên, mặc cho ông ấy nhìn tôi, thắc mắc.

Chỉ có vậy thôi.

Nhưng buổi sáng hôm ấy đối với tôi thật dễ thương. Và đối với tôi, đó sẽ là một trong những khoảnh khắc đáng nhớ …

Vì, đúng thế, “cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ”, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhỉ?

Theo yêu cầu của một bạn đọc, tôi đưa hình chụp của bông mai trái mùa ấy lên đây. Nhưng không phải là chụp đúng khoảnh khắc mà tôi đang nói đến (lúc sáng sớm), mà vào buổi trưa khi tôi đi họp về. Nhìn lại ngày tháng ghi trên hình, thấy cách đây đúng 1 tuần. Vì buổi sáng chỉ kịp chuẩn bị đi làm, không nghĩ đến phải chụp hình. Đến trưa về, thấy hoa vẫn còn tươi rói như mới nở, nên tiếc rẻ, chụp mấy tấm hình để lưu. Hoa mai mau tàn, nhưng hôm ấy giữ được lâu như vậy, là do vào mùa mưa, trời không có nắng…

 

 

 

 

 

 

 

Bài và ảnh: Vũ Thị Phương Anh

Tiêu đề do ĐKN đặt. Có thể đọc bài gốc tại đây.

Video xem thêm: Hạnh phúc tuổi trung niên: Trong tâm vô sự, trong túi có tiền

Exit mobile version