Đại Kỷ Nguyên

Làm sao để tìm được và sống trọn vẹn với đam mê của mình?

Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra, tiền không phải yếu tố tạo dựng nên hạnh phúc mà nó được xây dựng trên nền tảng sự hài lòng và cuộc đời có ý nghĩa. Tìm thấy đam mê để theo đuổi là yếu tố quan trọng để xây dựng hạnh phúc.

Thuê nhà, nuôi con, trả học phí, mua đồ ăn… đều cần tiền. Với nhiều người, công việc là bắt buộc chứ không phải làm vì niềm vui, đó là lý do tại sao chúng ta mong ngóng đến cuối tuần, ngày lễ, kỳ nghỉ để được giải thoát bản thân khỏi công việc.

Nhiều người bị mắc kẹt trong suy nghĩ không muốn mạo hiểm, cần tiền lương để ổn định cuộc sống… Nếu chúng ta có thể tìm thấy niềm vui và sự hài lòng với công việc, điều đó chẳng phải tốt hơn hay sao?

Đam mê khiến chúng ta sống cuộc đời ý nghĩa hơn và con người hạnh phúc nhất là khi có thể kiếm tiền từ đam mê của mình. Nếu bạn có thể biến đam mê thành kỹ năng thuần thục, bạn sẽ kiếm tiền được từ nó. Dưới đây là 5 lời gợi ý giúp bạn tìm thấy đam mê và cách để theo đuổi chúng.

Bước 1: Hãy nghĩ đến những thứ khiến bạn hạnh phúc

Con người đều có xu hướng hút về những thứ tích cực và tránh xa điều mình không thích. Thật không may, đa số chúng ta bị mắc kẹt với suy nghĩ “nơi mình làm việc là một chốn chán ghét, không vui vẻ”.

Hãy thử nghĩ đến điều khiến làm bạn vui vẻ nhất. Đó có thể là gương mặt của con yêu, cảm giác khi làm việc tốt, nghĩ ra được sáng kiến trong công việc…

Khi nắm rõ thứ khiến mình lạc quan, tràn đầy sinh lực là gì, bạn nên chủ động “thêm” nó vào cuộc sống. Dĩ nhiên, không thể bỏ việc giữ chừng để du lịch, nhưng bạn có thể đặt bức ảnh về nơi muốn đến làm ảnh nền điện thoại, máy tính… Hãy để tâm trí được hướng về thứ mà chúng yêu thích.

Bước 2: Hãy xác định điểm mạnh và lĩnh vực bạn có cơ hội phát triển

Bạn giỏi nhất việc gì? Tình huống nào từng khiến bạn cảm thấy mình có giá trị? Công việc hiện tại có phát triển năng lực và sở thích của bạn không?

Nếu không, hãy tìm cách kết hợp những điều này lại, chẳng hạn như trực tiếp gặp cấp trên để đề xuất làm thêm nhiệm vụ mình có khả năng. Con người sẽ vui vẻ nếu được làm thứ mà mình giỏi nhất và bạn phải là người tự tạo cơ hội cho chính mình.

Bước 3: Thử những trải nghiệm mới

Tham gia một khóa học, giảng dạy miễn phí, làm tình nguyện viên hay công việc part-time… liên quan tới lĩnh vực bạn thấy hứng thú. Bạn hoàn toàn có thể tìm cách để sống với đam mê, sở thích nếu công việc hàng ngày không đem lại cho bạn niềm vui.

Bạn yêu thích thứ gì, hãy chủ động tìm “lối thoát” cho nó, bởi luôn có nhiều cơ hội. Nếu chưa đủ giỏi trong lĩnh vực đam mê, bạn nên chủ động rèn luyện kỹ năng bên ngoài, tìm cơ hội để được trải nghiệm để nâng cao năng lực.

Bước 4: Trò chuyện và học hỏi từ mọi người

Hãy hỏi mọi người về đam mê, công việc và cách thức họ phát triển sự nghiệp. Chắc chắn sẽ không ít người nói với bạn rằng: “Tôi chẳng biết mình đam mê thứ gì nữa”. Họ là những người chấp nhận để công việc và cấp trên đè bẹp ước mơ, mắc kẹt với việc làm sao để nhận đủ lương hàng tháng.

Hãy tìm những người dám sống với đam mê và đã thành công để học hỏi. “Không phàn nàn” là quy tắc nên lưu ý. Đừng thở than tình hình hiện tại, thay vào đó hãy để câu chuyện truyền cảm hứng trở thành nguồn động lực cho bạn.

Bước 5: Hiện thực hoá bằng mục tiêu cụ thể

Hãy viết ra mục tiêu chi tiết và thời gian cụ thể về nơi bạn muốn đến, muốn làm. Thay vì luẩn quẩn trong cảm giác không hài lòng về cuộc sống, bạn nên chủ động tìm cách hiện thực hoá điều mà bản thân khao khát. Hình dung nó trong tâm trí, tưởng tượng đến viễn cảnh thành công với đam mê, niềm hạnh phúc khi được đặt chân tới nơi mà ao ước… Hình dung sắc nét bao nhiêu, bạn càng có động lực bắt tay vào thực hiện ý tưởng.

Night-fly

Exit mobile version