Đại Kỷ Nguyên

Làm sao để nuôi dạy con biết yêu thương và sống tử tế?

Nhiều phụ huynh thường than phiền, con cái càng lớn càng vô tâm, xa cách. Thế nhưng để nuôi dạy một đứa trẻ biết quan tâm đến mọi người, đó phải là kết quả giáo dục con ngay từ nhỏ.

Thấu cảm là khả năng mà cha mẹ hoàn toàn có thể chủ động rèn luyện cho con từ sớm. Dưới đây là 7 lời khuyên của các chuyên gia giáo dục để có thể nuôi dạy một đứa trẻ sống tốt và biết yêu thương mọi người.

Chia sẻ về cảm xúc

Michele Borba, nhà tâm lý học giáo dục, tác giả của nhiều cuốn sách nuôi dạy con cái đã khẳng định: “Khả năng đọc cảm xúc là cánh cửa đầu tiên dẫn đến sự đồng cảm”.

Trong thời đại mà con người đối diện với màn hình điện tử nhiều hơn với người thật, việc thiếu vắng cảm xúc là lẽ thường tình. Hạn chế cho trẻ sử dụng các thiết bị công nghệ để giao tiếp, tăng số lượng những cuộc nói chuyện trực tiếp đối diện, cha mẹ cần dạy trẻ nhìn thẳng vào mắt người khác để tương tác. Ánh mắt là cửa sổ tâm hồn, thông qua ánh mắt chúng ta có thể nhận biết được thái độ, cảm xúc của người khác để đều chỉnh thái độ phù hợp.

Laura Dell, giáo sư tại Đại học Giáo dục Cincinnati (Mỹ) khuyên các bậc cha mẹ nên sử dụn tính từ chỉ cảm giác để dạy trẻ xác định cảm xúc ngay từ nhỏ. Ví dụ như “Mẹ thấy con có vẻ mệt mỏi”, “Hôm nay con hình như đang bực bội”…

Trước khi trẻ có thể nhận biết và cảm thông với cảm xúc của người khác, chúng cần phải hiểu cách xử lý cảm xúc của chính mình. Thông hiểu và kiểm soát tốt cảm xúc của mình, mới có thể đồng cảm với tâm trạng của người khác.

Không chỉ dạy con màu sắc, đọc chữ số, cha mẹ cũng cần dạy trẻ những bài học về cảm xúc. Khi ra đường, bạn có thể đặt cho trẻ những câu hỏi đánh giá cảm xúc của mọi người xung quanh, ví dụ như “Con thấy cô kia đang buồn bã hay vui vẻ?”. Lúc ở nhà, hãy nghĩ ra những trò chơi nhận diện cảm xúc qua gương mặt để chơi với trẻ. Chúng sẽ dần luyện được thói quen chú ý đến các tín hiệu trên khuôn mặt người khác.

Sử dụng công cụ hiện đại

Cùng con xemtivi hoặc đọc sách là cơ hội tuyệt vời để nuôi dưỡng sự đồng cảm. Madeleine Sherak, nhà giáo dục có kinh nghiệm chia sẻ: “Cha mẹ có thể cùng con thảo luận về các chi tiết, tình huống mà nhân vật làm việc tốt, nổi cáu, tức giận, hay buồn bã, bị tổn thương…”

Thông qua cảm nhận về các nhân vật giả tưởng, trẻ sẽ học được sự đồng cảm với thế giới xung quanh. Nếu thấy trẻ có cách nhìn nhận sai lệch như đánh giá cao những hành động xấu, cha mẹ có thể nhanh chóng giải thích và dạy trẻ thế nào là hành vi tốt, có đạo đức.

Công nhận hành động tốt của trẻ

Đừng chỉ khen trẻ khi đạt điểm tốt, đạt thành tích cao trong học tập, hãy công nhận trẻ từ những việc tốt nho nhỏ mỗi ngày. Đó có thể chỉ là cốc nước rót cho mẹ khi đi làm về, tự giác bỏ rác vào thùng, đỡ em bé bị ngã…

Không chỉ khen tặng, cha mẹ cần giải thích cho trẻ biết mọi người xung quanh hạnh phúc, vui vẻ thế nào nhờ hành động của trẻ. Khi hiểu được giá trị, lợi ích của sự quan tâm, giúp đỡ, trẻ sẽ hình thành thói quen tự làm việc tử tế để được công nhận.

Lấy ví dụ

Dù cha mẹ có ép con phải chú ý đến cảm xúc của người khác, nhưng nếu trẻ không đủ khả năng để cảm nhận, chúng sẽ bỏ mặc yêu cầu đó.

Khi chơi các trò chơi như chơi gấu bông, búp bê cùng con, cha mẹ nên khéo léo lồng ghép các câu nói chỉ cảm xúc như “Hôm nay tôi thực sự mệt mỏi”, “Mình đang rất thất vọng”… để biểu đạt tâm trạng. Không chỉ dạy trẻ yêu thương từ những vật vô tri giác, cách làm này còn tạo cơ hội cho trẻ được chia sẻ về những cảm xúc của chính mình. Nhờ đó mà cha mẹ hiểu và tôn trọng cảm xúc của con hơn.

Sự tâm lý của cha mẹ là tấm gương đầu tiên để trẻ học cách đồng cảm với cảm xúc của mọi người xung quanh.

Cho trẻ thấy sự khác biệt

Nhà giáo dục Sherak nói: “Cha mẹ phải giúp con cái lớn lên và phát triển trong môi trường giáo dục đa dạng. Trẻ cần được tiếp xúc với nhiều người trong xã hội, bất kể giới tính, văn hoá, tôn giáo, là người lành lặn hay khuyết tật…”

Có nhiều cách để trẻ hiểu về sự đa dạng của thế giới, thông qua sách vở, phim truyện, các chuyến dã ngoại, đi chơi, các hoạt động tình nguyện, sự kiện đặc biệt… Hãy dạy trẻ cách tôn trọng tất cả mọi người thuộc mọi tầng lớp trong xã hội. Việc để trẻ nhìn nhận những góc cạnh khác nhau của cuộc sống là để trẻ hiểu biết, học cách chấp nhận và tôn trọng chứ không phải để phân biệt đối xử hay kỳ thị.

Làm chủ những lỗi lầm

Nếu cha mẹ làm sai, trót cư xử thô lỗ và để con cái nhìn thấy, hãy cho trẻ nhìn thấy những tấm gương biết xin lỗi và sửa sai. Trước khi muốn con cái biết yêu thương và sống tử tế, chính cha mẹ phải làm mẫu hình để con học tập.

Sự hối lỗi, biết phục thiện luôn là đức tính được ủng hộ ở mọi độ tuổi. Con người không ai là hoàn hảo, và cha mẹ cũng không cần phải làm mẫu hình luôn đúng trong mắt trẻ. Trẻ sẽ học được, thay vì cố tỏ ra mình luôn đúng, lấp liếm mọi lỗi sai, sẽ tốt hơn nếu ta biết thừa nhận lỗi lầm để sửa chữa.

Cả gia đình cùng làm việc tốt

Cùng nhau tham gia các hoạt động có ích sẽ biến sự tử tế, sống có đạo đức trở thành “thói quen” của gia đình.

Ví dụ cha mẹ cùng trẻ làm thiện nguyện, chạy ủng hộ người nghèo… trẻ sẽ nhận được bài học về sự sẻ chia trong cuộc sống, và niềm vui của việc cho đi thay vì chỉ biết nhận lại.

Cha mẹ hãy chia sẻ cho trẻ những kinh nghiệm trong việc đối nhân xử thế, cách để giúp đỡ, an ủi người người khác… Trẻ cũng có quyền được đưa ra ý kiến và trao đổi với bố mẹ về cách hành xử hàng ngày. Sự tôn trọng, lòng biết ơn chính là nền tảng của một gia đình hạnh phúc.

Xã hội vẫn tràn lan những điều tiêu cực xảy ra, cha mẹ không cần bọc con trong cuộc sống “màu hồng”, hãy chỉ cho trẻ thấy cả những góc khuất của xã hội và giải thích cho trẻ tại sao không nên làm điều xấu, tác hại của bạo lực và những cảm xúc tiêu cực. Lời cảm ơn, xin lỗi đúng lúc, những quan tâm bé nhỏ đến mọi người xung quanh có thể ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của mọi người.

Video xem thêm: Dân Trung Quốc nhắn người biểu tình Hồng Kông: ‘Cảm ơn đã đấu tranh cho tự do của chúng tôi’

Exit mobile version