Đại Kỷ Nguyên

Làm đường đi bằng rác thải nhựa: Một giải pháp hoàn hảo cho 2 vấn đề nhức nhối!

Hàng tỷ “ổ gà” trên đường và hơn 5.000 tỷ mảnh nhựa đang trôi nổi trên đại dương, 2 vấn đề không liên quan này có thể giải quyết cùng lúc? Câu trả lời là làm đường từ phế thải nhựa nhằm tiết kiệm dầu, cải thiện chất lượng đường, đồng thời sử dụng rác thải vào việc có ích.

Công ty McCartney tại Scotland đang thực hiện nhiệm vụ biến những chai nhựa thành đường đi bằng cách chế tạo một hợp chất mới từ rác thải nhựa thay thế nhựa đường. Sáng kiến đem đến giải pháp cho hai vấn đề lớn trên thế giới, một là giải quyết vấn nạn rác thải nhựa tràn lan, hai là cải thiện chất lượng các tuyến đường giao thông trên thế giới. 

Sau dịp làm việc chung với nhóm từ thiện cộng đồng thu thập rác thải có khả năng tái chế tại miền Nam Ấn Độ, Toby McCartney, giám đốc điều hành của công ty MacRebur nhận ra một vài loại rác đã được sử dụng để lót những ổ gà tạm thời trên đường trước khi được thay thế bằng nhựa đường. Đây chính là tiền đề cho ý tưởng tái chế rác thải thay thế cho nhựa rải đường.

(Ảnh: Facebook/MacRebur)

Theo website của công ty chia sẻ: “Chúng tôi lấy chất thải nhựa được thu gom sử dụng từ các hộ thương mại và gia đình. Chúng tôi có thể sử dụng hầu hết các loại nhựa nhưng nó phải được phân loại là chất thải – chúng tôi không sử dụng nhựa tái chế hay nhựa mới”.

Công ty đã sử dụng máy tạo hạt để biến các sản phẩm chất thải nhựa thành những viên nhỏ không quá 5 mm. Tiếp theo, các hạt nhựa sẽ được trộn bằng bộ kích hoạt, hợp chất nhựa tái chế sẽ sở hữu tính năng kết dính như nhựa đường mà chúng ta vẫn thường sử dụng.  

(Ảnh: Facebook/MacRebur)

Để tránh những bất lợi cho quá trình sản xuất hợp chất thay thế nhựa đường, công ty MacRebur tránh sử dụng các loại chai nhựa PET (polyethylene terephthalate) và các loại nhựa khác mà có thể dễ tái chế, mà thay vào đó là tập trung mọi loại chất thải nhựa có thể chôn vùi dưới đất.

Sản phẩm tạo ra được dùng thay thế cho khoảng 20% lượng nhựa đường thường được trải trên bề mặt các con đường. Mỗi tấn nhựa đường kết hợp theo công thức này giúp “giải quyết” được khoảng 20.000 chai nhựa sử dụng một lần hoặc khoảng 70.000 túi nilon sử dụng một lần.

Cách làm này vừa giúp tiết kiệm chi phí, vừa tạo ra một loại nhựa đường bền hơn. McCarrtney cũng khẳng định những đoạn đường được làm từ cách kết hợp này bền hơn 60% so với đường truyền thống. Công ty cam kết tất cả các sản phẩm của họ đều tan chảy ở nhiệt độ 120 độ C, đó là lý do vì sao mặt đường sẽ không bị biến dạng khi nhiệt độ lên cao. Các kiểm tra trong phòng thí nghiệm cho thấy những con đường này có tuổi thọ cao gấp 3 lần so với đường được làm từ các vật liệu truyền thống.

(Ảnh: Facebook/MacRebur)

Cho tới nay, công ty của McCartney là MacRebur Plastic Roads Company đã cung cấp những viên nhựa này cho các việc xây dựng các con đường ở Anh và các nước vùng Vịnh cũng như ở Canada, Australia và New Zealand. Nhiều người tin rằng tương lai không xa rất nhiều nơi sẽ chuyển sang dùng sử dụng loại nhựa đường này tahy cho nhựa đường thông thường. 

Tại Việt Nam, dự án xây dựng đường từ nhựa tái chế lần đầu tiên đã được triển khai tại Hải Phòng hồi đầu năm 2019 với mục đích tái chế bao bì nhựa dẻo đã qua sử dụng, bị vứt bừa bãi hoặc chôn lấp thành nguyên vật liệu xây dựng đường giao thông chắc chắn, bền vững hơn. Những con đường được tạo ra từ nhựa tái chế là minh chứng cho thấy rác thải nhựa có khả năng trở thành một nguồn tài nguyên tái tạo có giá trị, góp phần phát triển nền kinh tế tuần hoàn nhựa.

Exit mobile version