Đại Kỷ Nguyên

Không chỉ do nhiễm lạnh, người già còn có thể bị viêm phổi bởi uống nước sai cách

Ảnh minh họa (nguồn: pikrepo).

Mùa đông năm trước, mẹ tôi bị viêm phổi, phải đi cấp cứu rồi nằm viện 10 ngày. Tôi và mọi người đều nghĩ rằng mẹ bị viêm phổi vì trời lạnh. Tuy nhiên, nguyên nhân thật sự lại không phải như vậy. Hôm nay, tôi xin chia sẻ với mọi người.

Đợt đó, mẹ tôi bị ho kéo dài, khò khè và ho có đàm. Sợ mẹ bị viêm phổi, tôi đưa mẹ đi bác sĩ. Nghe phổi của mẹ, bác sĩ khẳng định chỉ là ho bình thường thôi, không phải viêm phổi. Bác sĩ bảo tôi ra mua thuốc ngoài hiệu thuốc, không cần kê toa. Bác sĩ dặn là thuốc này làm loãng đàm, sẽ khiến bệnh nhân ho nhiều nhưng không có gì đáng lo.

Cả đêm, mẹ tôi ho suốt. Tới gần sáng thì mẹ bắt đầu bị đau mạn sườn bên phải. Cơn đau càng lúc càng dữ dội. Đi, đứng hay nằm, thậm chí cử động nhẹ cũng đau. Tôi gọi xe cứu thương. Các nhân viên y tế tới nơi, kiểm tra mọi triệu chứng, nghe tim, nghe phổi, rồi đưa mẹ đi cấp cứu. Tới bệnh viện, họ lập tức chỉ định thử máu, chụp CT, chụp X-quang, đo điện tim v.v. Nói chung là mọi loại xét nghiệm cần thiết đều được thực hiện trong vòng một tiếng đồng hồ. Không bao lâu sau, họ có kết luận ngay là mẹ tôi bị viêm phổi. Đến chiều, sau khi thực hiện thêm vài bước kiểm tra nữa, họ nói trong phổi có nước. Tuy nhiên, do lượng nước không nhiều lắm nên họ không cho rút ra, chỉ điều trị bằng trụ sinh.

Đến ngày thứ 3, bác sĩ chụp hình lại và thấy nước vẫn còn y nguyên, liền quyết định đưa mẹ đi rút nước trong phổi ra. Tiếc là nước trong phổi mẹ tôi quá khó rút, ông bác sĩ dùng hết sức bình sinh kéo ống xi-lanh mà chỉ có thể kéo ra một giọt nước bé xíu. Vậy là ông bác sĩ đành chịu thua, gửi một giọt nước đó qua phòng khác để họ xem có kết luận được gì không.

Ngay sau đó, họ chuyển mẹ tôi qua một phòng chụp hình khác. Ở đây, mẹ được ngồi trước một cái máy chụp quang tuyến có nối thẳng với màn hình. Thay vì chỉ chụp hình, máy sẽ truyền hình ảnh lên màn hình trước mặt để chính bệnh nhân có thể nhìn thấy cùng với hai vị bác sĩ chuyên môn. Vì mẹ không rành tiếng Mỹ, cần có thông dịch, nên tôi cũng được có mặt trong phòng lúc đó. Các bác sĩ nói rằng họ muốn theo dõi phản xạ nuốt của mẹ tôi.

Họ cho mẹ ăn bánh, uống dung dịch đặc và uống nước lọc. Mỗi khi mẹ cắn, nhai và nuốt (hay uống nước rồi nuốt), màn hình sẽ hiện lên hình ảnh thực quản và khí quản của mẹ. Bánh hay nước được thể hiện bằng màu đỏ. Nhìn lên màn hình có thể thấy bánh hay nước (màu đỏ) có đi thẳng vào thực quản hay không.

Lúc mẹ ăn bánh và uống dung dịch đặc thì đường màu đỏ đi thẳng vào thực quản. Đến lúc mẹ tôi uống nước thì có một ít nước bị lọt qua khí quản. Cả hai vị bác sĩ cùng gật gù và yêu cầu mẹ uống lại lần nữa. Lần này, trước khi uống, mẹ được yêu cầu cúi đầu xuống, để cằm hướng vào cổ. Trong tư thế đó, mẹ tôi uống nước, nước chảy trọn vào thực quản, không còn “đi lạc” qua khí quản nữa.

Sau đó, họ giải thích lại cho tôi hiểu rằng khi chúng ta uống nước, thỉnh thoảng cũng có nước chảy lạc qua khí quản. Theo phản xạ tự nhiên, chúng ta sẽ sặc, nhưng người già có khi mất phản xạ sặc. Khi đó, những tia nước nhỏ đi lạc vô khí quản sẽ đi thẳng xuống phổi và nằm lại đó, lâu dần sẽ gây ra viêm phổi. Đặc biệt, nó gây tổn thương cho phổi bên phải. Vì vậy mẹ tôi mới bị đau bên mạn sườn bên phải, nơi có nước trong phổi.

Như vậy, trận viêm phổi đợt đó của mẹ tôi không phải là do bị nhiễm lạnh mà ra. Nguyên nhân thật sự là do nước uống vào đã đi xuống khí quản và người già bị mất phản xạ sặc nên không đẩy nước ra được.

Để khắc phục tình trạng này, bác sĩ dặn mẹ tôi mỗi khi uống nước nhớ cúi đầu xuống. Cách tốt nhất là uống nước bằng ống hút, vì khi đó mình sẽ tự động cúi đầu.

Dĩ nhiên, không phải người già nào bị viêm phổi cũng vì lý do này, nhưng rõ ràng đây cũng là một nguyên nhân và khi đã biết thì chúng ta nên phòng tránh.

Đã được nghe các bác sĩ giải thích, được tận mắt chứng kiến quá trình bác sĩ kiểm tra và kết luận, tôi muốn kể lại mọi người cùng biết. Một lúc nào đó các bạn nhận ra cha mẹ già của mình không còn hay bị sặc nữa, thì có lẽ cũng nên khuyên ông bà uống nước bằng ống hút cho an toàn, nếu không thì cũng chú ý tư thế cúi đầu xuống, hướng cằm vào cổ khi uống nước. Nếu thấy người thân ho và đau mạn sườn bên phải, bạn cũng có thể đề nghị bác sĩ cho kiểm tra theo hướng này.

Trên đây là một chút chia sẻ của tôi để bạn bè cùng biết. Mong các vị thân sinh của chúng ta luôn được bình an, mạnh khỏe, vui vầy cùng con cháu.

Hoa Tam

Bài viết đã được ĐKN biên tập lại. Độc giả có thể đọc bài gốc tại đây

Video xem thêm: Trải nghiệm cận tử và sự hồi sinh kỳ diệu của vị Bác sĩ, Tiến sĩ Trưởng Khoa tim mạch bệnh viện Chợ Rẫy

Exit mobile version