Đại Kỷ Nguyên

“Khi ích kỷ trở thành lối sống thì tình yêu thương và sự sẻ chia sẽ chỉ còn là những giá trị lạc lõng”

Người ta cho rằng: “Khi thói ích kỷ trở thành lối sống của con người thì tình yêu thương và sự sẻ chia sẽ chỉ còn là những giá trị lạc lõng”. Chúng ta hãy cùng suy ngẫm một chút để thấy rằng, đằng sau vấn đề nổi cộm về một lối sống tiêu cực của con người, là bài học vô cùng quý giá và sâu sắc.

“Thói ích kỷ” trong nhận định trên nên được hiểu là lối sống thực dụng, vụ lợi, đặt quyền lợi, địa vị của bản thân lên trên hết, mà không coi trọng lợi ích của tập thể hay quyền lợi của người khác. Những người nhiễm “thói ích kỷ” nhất định sẽ thờ ơ với cộng đồng, thờ ơ với những người sống xung quanh, bởi tôn chỉ của họ là “đèn nhà nào rạng nhà ấy”, “sống chết mặc bay”. Hơn thế nữa, họ sẵn sàng vì quyền lợi của mình mà bỏ qua lợi ích chung của tập thể, hoặc thậm chí là gây tổn hại cho người khác.

Rõ ràng, trong ý niệm của những người nhiễm “thói ích kỷ”, không thể nào tồn tại hai tiếng “sẻ chia”. Bởi “sẻ chia” và “ích kỷ” là hai xu thế đối nghịch nhau. Nếu “ích kỷ” nghĩa là chỉ biết đến bản thân mình, thì “sẻ chia” là hành động hướng về người khác, “thương người như thể thương thân”. Người có khả năng sẻ chia là người có tấm lòng nhân hậu, biết cảm thông và thấu hiểu. Thông qua sẻ chia mà trái tim được sưởi ấm, linh hồn được cứu rỗi, và người với người xích lại gần nhau hơn.

Sống trong cộng đồng, sẻ chia là cần thiết. Nhưng tiếc thay, “thói ích kỷ” vẫn đang tồn tại như một xu thế của xã hội hiện đại, con người bị cuốn vào vòng xoáy của giành giật, bon chen và những toan tính vật chất. Nếu một ngày nào đó thế giới chỉ còn lại những người ích kỷ, thì đời sống còn gì ngoài những trao đổi, mua bán? Nếu mọi cá nhân đều vụ lợi, thực dụng thì bất kì điều gì người ta làm – yêu, ghét, cười, nói, ăn cắp, tặng quà, làm từ thiện hay dồn ép người khác vào đường cùng… – dù là việc gì đi nữa, tất cả chúng đều được thực hiện nhằm mục đích nào đó, với chủ ý nào đó.

Ảnh minh họa (nguồn: Power of Positivity).

Nơi mà ích kỷ trở thành lối sống của con người thì tình yêu và sự sẻ chia sẽ không còn đất sống. Người ta cũng yêu đó, nhưng chỉ là “tỏ ra yêu”, “giả vờ yêu”, hoặc tự lừa bịp và ảo tưởng rằng mình yêu, để được thỏa mãn lòng tham hay những nhu cầu mà họ cố giấu. Nơi ấy, tình yêu và sự sẻ chia chỉ còn là “những giá trị lạc lõng”, con người tự đào mồ để chôn cất trái tim mình… Cuối cùng, giả vờ yêu cũng là điều khó nữa, sẽ có lúc trung tâm tình yêu co lại, con người đi đến lãnh cảm, lạnh lùng và khô cứng. Lạnh lùng và khô cứng – nên nhớ rằng đây là những tính chất của xác chết.

Khi thói ích kỷ trở thành lối sống của con người thì tình yêu thương và sự sẻ chia sẽ chỉ còn là những giá trị lạc lõng.

Đây là một nhận định đúng đắn, được nêu ra như là lời cảnh tỉnh cho tất cả mọi người, đặc biệt là những ai đã và đang nhiễm “thói ích kỷ”. Tuy nhiên, ta hãy đào sâu suy nghĩ thêm một chút. Liệu con người có thể sống hoàn toàn không ích kỷ? Và liệu bạn có sẵn sàng luôn nhận phần thiệt thòi về mình? Vì điều gì?

Chúng ta nói thêm về một khái niệm, là “hy sinh”, với ý nghĩa tự nguyện mất đi thứ gì đó của mình cho người khác. Ích kỷ hay hy sinh đều không phải là điều tất yếu để có thể tồn tại, cũng không nhất định khiến cho chúng ta hạnh phúc hơn. Một người ích kỷ chẳng khi nào vui được, anh ta đã lãnh cảm rồi, sao còn vui được nữa?

Người biết hy sinh vì người khác thì có vẻ hạnh phúc hơn, nhưng niềm vui của anh ta cũng không trọn vẹn. Anh ta cảm thấy thiếu vắng hay mất mát thứ gì đó, song vì anh ta làm việc tốt, “khác người” nên những người ích kỷ xung quanh cứ ca tụng anh ta, khiến anh ta có cảm giác rằng mình tốt thật. Không nên ích kỷ và cũng không nhất thiết phải hy sinh, vậy thì điều gì còn lại?

Có một điều may mắn là “thói ích kỷ” không thuộc về bản chất ban sơ của chúng ta, và “hy sinh” cũng không là bản tính của ta. Chúng chỉ là những phẩm chất khả dĩ mà ta tiếp thu và bộc lộ trong quá trình sống. Bên trong một người ích kỷ – nếu chưa đi đến lãnh cảm – thường khởi lên những “tiếng nói nội tâm” khi anh ta làm điều gì đó trái với bản tính của mình. Và “tiếng nói” ấy rất nhỏ bé, tinh tế, thậm chí là phi ngôn ngữ. Anh ta có thể đối diện với nó hoặc phớt lờ nó. Và dù anh ta có nhận ra hay không thì nó vẫn có đó. Nắm bắt được “tiếng nói nội tâm” là dần bắt đầu sống thuận với bản chất của mình. Sống thuận với bản chất của mình thì những phẩm chất đẹp đẽ trong ta cũng tự nhiên hiển lộ.

Một đứa trẻ khi chưa chịu sự giáo dục của người lớn về “được”, “mất”, “thiệt”, “hơn”, thường sống rất tự nhiên. Nó không biết hy sinh là gì, nó cho vì nó muốn thế, nó cho mà không hề bận tâm. Nó làm mọi thứ từ niềm vui của chính nó, hạnh phúc của chính nó. Nó không làm thế vì người khác nên không cảm thấy mất mát chút nào. Đó là sự cống hiến cao cả nhất, vượt trên cả hy sinh… Không những thế đứa trẻ còn vượt lên khỏi tính ích kỷ nữa.

Người ích kỷ là kẻ nông cạn, chỉ biết đến vật chất, quyền lợi và hư vinh, coi những thứ này là mục tiêu của đời mình. Đứa trẻ biết nhiều thứ quý giá hơn, như là tình yêu, như là sẻ chia… Đứa trẻ không chỉ sống vì quyền lợi, nó sống vì cuộc sống (và quyền lợi chỉ là một phần trong đó). Nếu coi sự cho đi là để nhận lại tình yêu và hạnh phúc cho mình thì cái “ích kỷ” ấy đã ở một tầm cỡ khác rồi. 

Vui thay ta sống hồn nhiên, không ưu phiền, không hy sinh mà hy sinh, ích kỷ mà không ích kỷ. Ta sống toàn vẹn với thân thể này, trí tuệ và trái tim này… Thế rồi ích kỷ tự tiêu. Thế rồi, tình yêu tràn đầy.

Du Li

Bài viết đã được ĐKN biên tập lại. Độc giả có thể đọc bài gốc tại đây.

Video xem thêm: Người luôn từ bi có được 9 lợi ích

Exit mobile version