Đại Kỷ Nguyên

Vì sao từ ‘ăn cắp’ gần như đã biến mất trong ngôn ngữ Nhật Bản?

Gần đây, có một sự kiện được coi là kỳ lạ ở các cửa hàng của Nhật Bản, đó là những tấm biển cảnh báo trộm cắp đã được treo lên. Đối với người Nhật, đó là điều kỳ lạ, bởi trộm cắp cơ bản là không có trong khái niệm của nhiều người dân nước này. Theo thống kê của Cảnh sát Nhật Bản, từ năm 1985 đến nay không có vụ trộm cắp nào do người Nhật gây ra ở trên đất nước hoa anh đào.

Trung thực là không cần phải cố gắng, đó là bản chất, thấm nhuần vào từng người dân Nhật Bản

Sau trận động đất kinh hoàng vào tháng 3 năm 2011, Nhật Bản gần như kiệt quệ bởi sự tàn phá ác liệt của thiên nhiên, tuy nhiên 5 tháng sau thảm họa, người ta thống kê được rằng có khoảng 78 triệu USD tiền mặt (khoảng 1.770 tỷ đồng) đã được người dân Nhật Bản thu gom và trả lại từ đống đổ nát.

Sự trung thực và tự trọng của người Nhật còn thể hiện ở rất nhiều những điều kỳ lạ trong xã hội nước này. Bạn sẽ rất khó có cơ hội bắt taxi để đi một cuốc đường dài vì các tài xế sẽ tự chở bạn thẳng đến nhà ga tàu điện ngầm, kèm lời hướng dẫn “Hãy đi tàu điện ngầm cho rẻ”. Nhiều vùng ở Nhật Bản không có nông dân vì ban ngày họ vẫn đến công sở làm việc, ngoài giờ làm họ trồng trọt thêm và sau khi thu hoạch, họ đóng gói sản phẩm, dán giá và để thùng tiền bên cạnh. Người mua cứ theo giá niêm yết mà tự bỏ tiền vào thùng. Cuối ngày, trên đường đi làm về, họ ghé đem thùng tiền về nhà.

(Ảnh: Kenh14)

Sau thảm họa kép năm 2011, họ nhận được sự nể phục của toàn thế giới thông qua cách đối diện với đau đớn tột cùng. Ở nhiều quốc gia trên thế giới mỗi khi có thiên tai đến là người ta lại chứng kiến những cảnh rối ren, hỗn loạn, cướp giật, hôi của tràn lan, nhưng ở “đất nước mặt trời mọc” không hề xuất hiện những vấn nạn tương tự. Dù mất hết người thân, không còn nhà cửa, đói khát,… người Nhật vẫn lặng lẽ xếp hàng nhận phần ăn của mình. Dù khi tới phiên mình có thể lương thực đã hết nhưng họ vẫn kiên nhẫn xếp hàng. Họ đau đớn nhưng không hề hoảng loạn.

(Ảnh: The Chosun Ilbo)

Đã có rất nhiều những câu chuyện nhường đồ ăn được lan truyền trên thế giới, trong đó chắc hẳn ai cũng sẽ nhớ tới cậu bé đã mất hết người thân, co ro trong bộ đồ thể dục mong manh kiên nhẫn xếp ở cuối hàng chờ phát lương thực. Nhưng khi được cho một gói lương khô, cậu đi thẳng lên chỗ những người đang phát thực phẩm và để bao lương khô vào thùng thực phẩm đang phân phát. Sau đó, cậu quay lại xếp hàng và trả lời trước sự ngạc nhiên của người tốt đã cho cậu phần ăn: “Bởi vì còn có nhiều người chắc đói hơn con. Bỏ vào đó để các cô chú phát chung cho công bằng chú ạ”.

Câu chuyện này đã được rất nhiều báo chí trong nước đăng tải lại từ chia sẻ của du học sinh Hà Minh Thành tại Nhật Bản. Có thể nói nó như một câu chuyện cổ tích, một điều huyền hoặc không thể có giữa đời thường, nhưng lại là điều bình dị ở Nhật Bản.

Trong phần bình luận dưới một bài viết về sự trung thực của người Nhật trên trang Thejapanguy, một độc giả tên Jesse kể lại: “Tôi mất Iphone 3 lần tại Nhật Bản và tìm lại được 2 lần, lần thứ ba là lỗi của tôi, tôi ra khỏi tòa nhà mà không cầm theo bất cứ túi gì”.

Thậm chí đến những băng đảng khét tiếng, thuộc thành phần bất hảo trong xã hội Nhật Bản cũng không ưa những kẻ ăn cắp vặt. Trong đế chế tội phạm Yakuza, có 3 tập đoàn lớn là Yamaguchi-gumi, Sumiyoshi-kai và Inagawa-kai thường xuyên đi tuần tra trên đường với ống sắt trong tay, để mắt đến mọi thứ để đảm bảo hôi của và cướp bóc không xuất hiện trên “đất nước mặt trời mọc” này.

Băng đảng khét tiếng Yakuza thuộc thành phần bất hảo trong xã hội Nhật Bản cũng không ưa những kẻ ăn cắp vặt. (Ảnh: Antonkusters)

Trước những điều xảy ra tại Nhật Bản vào năm 2011, truyền thông thế giới đã đều phải ngả mũ thán phục người dân nước này:

Ông Ed West viết trên tờ Telegraph: “Tinh thần đoàn kết của người Nhật thật mạnh mẽ. Sức mạnh của xã hội Nhật Bản có lẽ gây ấn tượng còn hơn cả sức mạnh công nghệ của họ.”

Còn tổng biên tập báo Bangkok Post Pichai Chuensuksawadi đã phải thốt lên: “Chẳng phải đã bao nhiêu lần chúng ta thấy cảnh hôi của, cướp giật và bạo lực sau một thảm họa thiên nhiên đó sao?”

Giáo sư Gregory Pflugfelder chuyên nghiên cứu văn hóa Nhật Bản tại Đại học Columbia, Hoa Kỳ nhận định: “Hôi của (ăn cắp) đơn giản là không xảy ra ở Nhật Bản. Tôi thậm chí còn không chắc rằng trong ngôn ngữ Nhật Bản có từ nào để mô tả chính xác hành động này.”

Người dân Nhật Bản đã xây dựng được phẩm chất ưu tú của mình từ lâu đời, nhưng cho đến khi thảm họa xảy ra, cả thế giới mới lao vào tìm hiểu xem điều gì đã tạo nên kỳ tích ở Nhật Bản, và họ đã tìm được câu trả lời: Đó là đức tin và giáo dục đạo đức.

1. Đức tin

Đa số người Nhật theo Thần Đạo (Shinto) và Đạo Phật. Theo thống kê của Tổng cục văn hóa Nhật Bản vào năm 2006, có 84% người dân Nhật Bản theo Thần Đạo và 70% người dân theo Đạo Phật, nghĩa là có những người sẽ thực hành theo cả hai đức tin.

Đa số người Nhật theo Thần Đạo. (Ảnh: Traveloppa)

Đạo Phật khá phổ biến ở các nước Châu Á, nhưng Thần Đạo thì chỉ có ở Nhật Bản và ra đời từ 200 năm trước Công nguyên. Tư tưởng chính của Thần Đạo là khuyên con người hướng tới sự trong sáng và tránh làm điều ác. Giết chóc đối với Thần Đạo là điều ác và không được giết sinh vật trừ khi là vì sự sống còn của bạn, nên trước khi ăn người Nhật thường nói câu ‘Itadakimasu!’ để cảm ơn những sinh linh đã chết và trở thành thức ăn cho mình. Đây cũng là lý do vì sao trên những cánh đồng ở Nhật luôn còn một góc để nguyên, không thu hoạch. Nông dân Nhật không bao giờ gặt hái toàn bộ nông sản mà họ luôn để phần 5-10% sản lượng cho các loài chim, thú trong tự nhiên.

Thần Đạo có rất nhiều các vị Thần, có đến 8 triệu Thần (kami), đa phần có liên quan đến thiên nhiên như linh hồn của đất, trời, Mặt Trăng, cây cỏ, hoa lá, núi sông… Ngay cả đá, núi, hay động vật như cáo, gấu và người quá cố đã trở thành linh hồn cũng được xem là Thần. Tất cả mọi vật đều có linh hồn và có tiếng nói của riêng mình. Con người chẳng qua cũng chỉ là một phần trong thế giới đa dạng chủng loại sinh mệnh mà con người không thể nhìn thấy mà thôi.

Kami, linh hồn, có ở mọi nơi và bất cứ cái gì hiện hữu đều có thể là kami. Thần Đạo khuyến khích việc tôn trọng tự nhiên và đồ vật, vì ngay cả những vật bình thường nhất cũng có thể có các linh hồn trú ngụ bên trong.

Thần Đạo có rất nhiều các vị Thần, có đến 8 triệu Thần. (Ảnh: Ameblo.jp)

Ngoài ra Nhật Bản cũng chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng Nhân-Nghĩa-Lễ-Trí-Tín của Nho giáo (do Khổng Tử đề xướng). Với những ai sống ở các quốc gia bị ảnh hưởng bởi thuyết vô Thần thì khi nói đến “đức tin” họ sẽ chỉ bật cười, đơn giản bởi vì họ không còn tin nữa, mà không nghĩ rằng bản thân mình đã bị học thuyết vô thần tẩy não cắt đứt mất mối liên hệ với cội nguồn văn hóa truyền thống, đến mức không còn hiểu tin để làm gì.

Còn tại các nước khác như Nhật Bản thì đức tin đó là tự nhiên và đã ăn sâu vào trong tiềm thức của mỗi người. Người Nhật đã áp dụng đức tin của mình khi đối mặt tất cả những vấn đề trong cuộc sống, kể cả những tình huống hiểm nguy nhất.

Một dân tộc không có “đức tin”, và còn bị ảnh hưởng bởi học thuyết đấu tranh thay cho văn hóa truyền thống, thì con người sẽ xem nhau như thù địch, bằng mặt không bằng lòng, không thể đoàn kết.

Một dân tộc có “đức tin” thì dân tộc đó vẫn còn có chuẩn mực đạo đức, câu thúc hành vi của con người ta, nếu một dân tộc không còn “đức tin” thì càng ngày càng sa đọa, đạo đức sẽ tuột trên dốc lớn.

2. Giáo dục lấy đạo đức là cốt lõi

Nhật Bản trở thành một nước có nền giáo dục tiên tiến là nhờ thực hiện tiêu chí “mỗi học sinh sẽ trở thành một cá nhân hoàn thiện đạo đức”. Tinh thần kế thừa và phát triển văn hóa cổ truyền là một trong những mục tiêu chủ yếu nhất trong giáo dục, đạo đức là điều mà một học sinh phải biết đến đầu tiên.

Và khác với nhiều nước giáo dục đạo đức chủ yếu thông qua một môn học, Nhật Bản “dạy người” qua tất cả các môn cũng như trong sinh hoạt hàng ngày.

“Mỗi học sinh sẽ trở thành một cá nhân hoàn thiện đạo đức”. (Ảnh: Flickr)

Chương trình quốc gia về giáo dục con người ghi rõ 6 mục tiêu:

Trẻ em Nhật Bản ngay từ mẫu giáo đã được học các quy tắc ứng xử căn bản, rèn luyện thực hành đạo đức ngay trong các hoạt động hàng ngày như cách ứng xử với mọi người, giúp đỡ các bạn, vệ sinh trường lớp…. Trẻ em được dạy khi gặp tình huống nào phải xin lỗi hay cảm ơn, và áp dụng ngay trong cuộc sống hàng ngày. Vì thế mà trẻ em đã biết những gì tốt đẹp nên làm, và những gì không nên làm từ rất sớm. Trẻ cũng được thực hành thói quen giúp đỡ người khác như phục vụ đồ ăn cho các bạn.

Trẻ em Nhật Bản ngay từ mẫu giáo đã được học các quy tắc ứng xử căn bản. (Ảnh: Duhocnhattico)

Sách giáo khoa môn đạo đức là rất quan trọng và các giáo viên luôn nhắc nhở học sinh rằng, “Bất kỳ ở đâu, bất kỳ khi nào, bao nhiêu lần đi nữa các em hãy giở cuốn sách đạo đức, để suy nghĩ xem trong cuộc sống điều gì là quan trọng nhất đối với chúng ta, và hãy phát huy nó trong đời sống của bản thân mình.”

Lên cấp 2 trẻ được học cách ứng xử với những lời phê bình, tôn trọng người khác và tôn trọng sự thật.

Tuy Đạo đức là môn bắt buộc và được chú trọng, nhưng MEXT (Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, và Công nghệ Nhật Bản) không có quy định thống nhất về nội dung chương trình, sách giáo khoa và điểm số. Điều này giúp giáo viên linh hoạt thiết kế bài giảng cho phù hợp với học sinh. Trong đó văn hóa cổ truyền của dân tộc luôn là kho tàng quý giá được các giáo viên vận dụng vào các bài giảng và thực hành.

Do được giáo dục đạo đức từ nhỏ và đặc biệt học sinh được thực hành hành vi đạo đức ở mọi lĩnh vực nên người Nhật trưởng thành luôn ứng xử rất có văn hóa.

“Đức tin” và giáo dục đạo đức đã tạo nên một kỳ tích Nhật Bản, một kỳ tích mà bất kỳ một nhà giáo dục hay một nhà lãnh đạo nào trên thế giới cũng đều ngưỡng mộ và mong muốn.

Ngọn Hải Đăng – Thu Hiền

Xem thêm:

Exit mobile version