Đại Kỷ Nguyên

Khám phá Đà Nẵng theo cách riêng (P2): Trải nghiệm không thể quên – kéo rùng trên biển

Tôi rời Hà Nội vào một ngày cuối thu, trong cái tiết trời se lạnh khiến người ta chẳng nỡ rời xa để đến Đà Nẵng, tìm kiếm câu trả lời tại sao nơi đây được mệnh danh là thành phố đáng sống nhất Việt Nam.

Những ngày ở đây, Đà Nẵng đã đưa tôi đi hết từ bất ngờ này sang bất ngờ khác với rất nhiều trải nghiệm mà tôi chưa từng biết đến khi ở Hà Nội. Thành phố biển xinh đẹp ấy, có lẽ cũng hiện đại, nhộn nhịp và đông đúc như những thành phố khác trên khắp dải đất hình chữ S này. Nhưng ở đó, tôi tìm thấy một sự bình yên và mộc mạc trong từng nhịp sống, tìm thấy sự dung dị, chất phác trong từng con người mình gặp gỡ.

Để rồi, mãi tới khi trở về, điều khiến tôi nhớ nhung nhất tại mảnh đất miền Trung này không phải vòng quay mặt trời độc đáo, không phải Bà Nà Hill đẹp tựa châu Âu, hay cây Cầu Vàng khiến bè bạn quốc tế trầm trồ… mà chính ở cuộc sống quá đỗi bình dị…

***

Ở Đà Nẵng chắc chắn sẽ có rất nhiều địa điểm, khu vui chơi và những quán ăn ngon tuyệt vời hấp dẫn bạn. Nhưng sẽ thật đáng tiếc nếu bạn bỏ lỡ một trải nghiệm vô cùng thú vị mà không có nhiều người biết ở đây – cùng ngư dân kéo rùng trên biển.

Kéo rùng là một phương pháp đánh cá bằng lưới sát bờ đã tồn tại từ rất lâu. Nó là một dạng như kéo lưới, tuy nhiên khác ở chỗ lưới kéo cần to, rộng và số người tham gia phải đông. Để kéo được một bản rùng thì cần phải huy động tới hơn 10 người chia nhau làm rất nhiều các công việc như chuẩn bị ngư cụ, đẩy thuyền ra biển, giăng lưới, kéo… Thông thường công việc “kéo rùng” sẽ bắt đầu từ sớm tinh mơ, khi mặt trời còn chưa ló dạng cho đến khoảng 8 giờ sáng là kết thúc, vì sau đó cá sẽ lặn hết ra ngoài xa.

Để kéo được một bản rùng thì cần phải huy động tới hơn 10 người chia nhau làm rất nhiều việc. (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên)

Trước khi kéo, họ sẽ dùng thuyền máy để lôi bản rùng từ bờ ra xa cách mặt đất 300 – 400 mét rồi vòng lại. Khi 2 điểm đầu của bản rùng được giao cho 2 tốp người trên bờ cầm thì lúc đó mới bắt đầu mới kéo lên. Những người tham gia kéo đòi hỏi phải có sức khỏe, kéo đều tay và phối hợp nhịp nhàng. Các sản vật thu được là những loại hải sản nhỏ sống gần bờ như cá, tôm, cua…

Những người tham gia kéo đòi hỏi phải có sức khỏe, kéo đều tay và phối hợp nhịp nhàng. (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên)

Nhớ lần đó, khi đang đi dọc theo đường bờ biển, chúng tôi bỗng thấy phía xa nhộn nhịp lạ thường, tưởng có chuyện gì… cả đám vội vàng chạy đến xem mới biết là mọi người đang hô hào cùng nhau kéo một mẻ cá với tấm lưới cực lớn. Phải nói thật là từ trước tới giờ tôi chưa từng được thấy một tấm lưới nào lớn đến như vậy. Những người tham gia cũng rất đa dạng: gồm đủ tầng lớp, người già, người trẻ, thanh niên, trung niên, còn có cả khách du lịch và một vài nhiếp ảnh gia đang tranh thủ quay phim, chụp hình… 

Ai cũng có thể tham gia góp sức cùng kéo, vì càng đông sẽ càng vui, chỉ là “chiến lợi phẩm” thu hoạch được hơi… ngoài sức tưởng tượng. Ban đầu, tôi nghĩ nhiều người kéo một tấm lưới nặng như vậy chắc phải được mẻ cá lớn lắm, nào ngờ đâu chẳng có bao nhiêu. Nếu đem chia nhau chắc mỗi người chỉ được khoảng vài cân cá nhỏ.

Nếu đem chia nhau chỗ cá này chắc mỗi người chỉ được khoảng vài cân cá nhỏ. (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên)

Tuy nhiên, phải thú nhận là trải nghiệm đó rất thú vị. Bạn hãy tưởng tượng, khi ấy mình không lo nghĩ điều gì cả, cũng không cần có kỹ năng gì, chỉ tập trung hết sức vào việc kéo. Mà nếu bạn yếu xìu (giống như tôi chẳng hạn) thì vẫn không sao, bởi xung quanh bạn có rất nhiều người hỗ trợ. Cảm giác những người xa lạ cùng xúm lại, chung tay làm việc thật ấm lòng biết bao…

Nếu bạn đang có kế hoạch đi Đà Nẵng, lời khuyên chân thành là hãy cố gắng thức dậy sớm một chút, đi ra biển để cảm nhận nét sinh hoạt này cùng người dân địa phương. Đặc biệt, bạn còn có thể kết hợp với tắm biển buổi sáng – đắm mình trong làn nước trong xanh, tận hưởng không gian yên bình giữa thành phố trẻ năng động – quả là một điều vô cùng tuyệt vời!

Với những người dân chài, biển là thiêng liêng, biển là nhà. (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên)

Cậu bạn người miền Trung đi cùng chúng tôi chia sẻ: Kéo một mẻ rùng cần rất nhiều công sức của đông người nhưng thành phẩm lại rất ít, nếu tính kinh tế thì chẳng được bao nhiêu. Thế nhưng, người dân địa phương vẫn duy trì nghề này từ rất lâu, đó là bởi tình yêu với biển. Vào cuối ngày, hội kéo lưới sẽ cùng nhau nấu nướng, ăn nhậu (nhậu ở đây không mang nghĩa tiêu cực giống như người ngoài Bắc vẫn nghĩ mà chủ yếu là mọi người ngồi chia sẻ những câu chuyện buồn vui của mình) như một cách để xóa đi những ưu phiền trong cuộc sống.

Bạn tôi nói đây là hoa rau muống biển. Nó đẹp như chính sự giản dị của những người dân biển vậy! (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên)

Chuyến đi này tôi đã phần nào thấu hiểu gian khổ mà người dân chài phải vượt qua. Những con người nhỏ bé trước biển trời rộng lớn ấy, dù gặp sóng lớn hay mưa gió vẫn luôn đoàn kết, hỗ trợ nhau, đưa nhau vượt qua khó khăn. Họ không quá mưu cầu cuộc sống giàu sang, càng không cần phải rời khỏi làng chài nghèo này để đi tìm một miền đất hứa, bởi với họ biển là thiêng liêng, biển là nhà…

Hải Dương

Exit mobile version