Đại Kỷ Nguyên

Hướng ngoại tìm cầu: Nguồn gốc sự bất hạnh của con người

Sở dĩ nhiều người trong chúng ta thường không cảm thấy hạnh phúc trọn vẹn và lâu dài bởi tâm luôn hướng ra thế giới bên ngoài để tìm cầu đối tượng của lòng ham muốn. Chúng ta để những thứ bên ngoài bản thân mình, để người khác, ngoại cảnh chi phối suy nghĩ, cảm xúc và hành động của chúng ta. Chúng ta sống với mục đích gây ấn tượng với người khác, lấy sự đánh giá của người khác làm thước đo cho bản thân mình.

Chắc hẳn đã có một lúc nào đó, bạn nhìn lại và tự hỏi mục đích cuộc đời của mình là gì? Bạn có giật mình khi nhận ra rất nhiều việc mình làm trong đời đều chỉ là vì để có được sự chấp nhận được trong mắt người khác? Bạn học đại học vì bố mẹ muốn thế, bạn làm mọi cách để thăng tiến lên vị trí lãnh đạo vì đó là thước đo thành đạt của xã hội, bạn mặc bộ quần áo bó sát vì đó đang là mốt… nhưng thật tâm bạn, bạn đã bao giờ lắng nghe tiếng nói sâu thẳm nhất trong mình rằng bạn không muốn làm như thế, không thấy cần thiết phải làm như thế chưa?

Mục đích cuộc đời bạn là gì? Là danh vọng, sự ngưỡng mộ, sự ghen tị của người khác? Người khác quyết định giá trị của bạn và bạn hài lòng với những gì người ta nghĩ rằng bạn có? Vậy thì người khác chính là động lực sống của bạn mất rồi. Nếu vậy, những giá trị sống của bạn sẽ thật là mông lung và bấp bênh, bởi bạn không tự biết được điều nào đó có đúng không hay đâu là sự thật mà chỉ quan tâm tới việc “Không biết mọi người có nghĩ điều này là đúng không nhỉ?”.

Chính việc con người tìm kiếm sự công nhận của người khác như thước đo giá trị, như nền tảng của lòng tự tin và tự tôn đã mở đường cho những sợ hãi, hoảng loạn bầy đàn. Họ sợ những gì khác biệt chưa thể lý giải và phủ nhận nó.

Người ta thường hay phàn nàn rằng mình đã cố gắng tìm kiếm hạnh phúc mà không thấy. Giá như họ chỉ cần một lần nhìn lại và nghĩ một chút xem họ đã từng bao giờ có một mong muốn thực sự nào của mình chưa, họ sẽ biết câu trả lời cho sự khốn khổ của mình. Họ sẽ nhận thấy rằng những ước muốn, nỗ lực, ước mơ, tham vọng của họ đều có động lực là người khác. Thậm chí đến việc kiếm tiền và làm giàu cũng không phải là mục đích tự thân và chân chính, mà chỉ muốn có nhiều tiền như một công cụ để đạt được danh vọng và sự ngưỡng mộ của người khác. Do đó họ không cảm thấy niềm vui trong những gì họ làm và họ cũng không thể vui vẻ hưởng thụ thành quả của mình. Họ hầu như không thể tự nhủ “Đây là điều tôi muốn bởi vì tôi muốn, chứ không phải vì điều đó làm cho người khác ghen tị, ngưỡng mộ tôi”. Và sau đó, họ lại băn khoăn vì sao họ không thực sự cảm thấy hạnh phúc.

Bố tôi vẫn nói rằng ông muốn kiếm nhiều tiền là để con cái được ngẩng cao đầu và có cuộc sống thoải mái hơn. Đó xem ra là một lý do quá chân chính và cao thượng. Nhưng ông cũng chẳng thử nghĩ xem cái cuộc sống thoải mái đó là như thế nào, tiêu chuẩn ở đâu, đầy đủ về vật chất có thật sự đem lại thoải mái? Những đứa con của ông lại nghĩ rằng khi chúng lúc nào cũng bình an trong tâm, trân trọng những gì mình đang có và chỉ cần vật chất vừa đủ để duy trì những sinh hoạt cơ bản nhất của con người, như thế là thoải mái và hạnh phúc rồi.

Chúng không muốn bố mình hay bản thân mình hàng ngày cạnh tranh mệt mỏi nơi công sở để leo lên những vị trí cao nhất, không muốn lừa mình dối người, làm những việc mình không thật sự muốn để có được sự ngưỡng mộ của xã hội. Những tấm huy chương đó không thể làm chúng hạnh phúc mà chỉ biến chúng trở thành nô lệ cho nó mà thôi. Và bố tôi, chắc cũng sẽ chẳng thể hạnh phúc khi biết những gì mình cố gắng thật ra lại không có nhiều giá trị đến như thế trong mắt con cái mình.

Những người hướng ngoại tìm cầu còn thường xuyên phàn nàn về hoàn cảnh và về người khác, bởi họ mong muốn thay đổi những thứ bên ngoài bản thân đề cho phù hợp với lợi ích của họ và thoái thác việc phải tự chịu trách nhiệm, chấp nhận tổn thất. Bạn chỉ có thể thay đổi và kiểm soát hành vi, suy nghĩ, cảm xúc của chính bản thân mình mà thôi, dù bạn có nghĩ rằng những gì mình đang thúc ép người khác là để họ tốt hơn thì đó cũng là do bạn tưởng rằng như vậy. Bạn sẽ không thể hiểu hoàn cảnh của người khác hơn chính họ, và đôi khi việc bạn nhìn thấy cũng không phải đúng như bạn nhìn thấy, việc phàn nàn về người khác sẽ không thể khiến họ tốt hơn lên và càng không thể khiến bạn tốt hơn lên.

Một khía cạnh khác của việc hướng ngoại tìm cầu là những khát khao, mong mỏi dường như vô tận của con người. Hàng ngày mở mắt ra, bạn đã có một loạt những dự định và mong muốn ở trong đầu, phải có được cái này cái kia, muốn làm việc này việc kia… Có rất nhiều những ham muốn và mộng tưởng. Nếu bạn có được thì tất nhiên sẽ vui mừng, thích thú nên phải cố tranh giành, chiếm đoạt. Nhưng nếu không được thì buồn phiền, bất mãn rồi đâm ra thất vọng, hận thù. Cứ thế những mong muốn ngày càng dày đã che lấp không cho chúng ta thấy được sự thật, rằng bản thân mình thực sự không cần những thứ đó.

Bạn thấy không thể không mua chiếc váy thuộc dòng sản phẩm mới của thương hiệu nổi tiếng kia vì nó rất đẹp và bạn sắp có một buổi tiệc long trọng. Nhưng bạn cũng có nhiều chiếc váy ở nhà mới chỉ mặc vài lần và nhìn ở một góc độ nào đó thì nó đều là trang phục, đều có cùng một chức năng. Cái ý nghĩ rằng bạn cần phải nổi bật và mặc một cái gì đó mới đến từ đâu? Đến từ sự ngưỡng mộ của người khác dành cho bạn, không phải đến từ tự thân của bạn.

Chúng ta vẫn đang hàng ngày hàng giờ sa lầy trong thế giới bên ngoài bản thân mình. Và để thỏa mãn những đòi hỏi của bản thân, chúng ta càng ngày càng đi xa trên con đường “tìm kiếm những giá trị được người khác công nhận”, và đã quên mất chính mình. Thân tâm chúng ta đã hoàn toàn bị phân tán và lạc lối trong thế giới đầy màu sắc, âm thanh, hương vị, và cảm xúc hấp dẫn bên ngoài. Kết quả là chúng ta gặt hái vô vàn phiền não khổ đau đằng sau những thú vui tạm bợ, mà chúng ta lầm tưởng là hạnh phúc.

Ngày nay, với sự bùng nổ của truyền thông xã hội, con người lại có xu hướng chia sẻ hạnh phúc của họ cho mọi người thấy nhiều hơn. Thật ra tất cả các dạng thức của hạnh phúc đều có tính riêng tư. Những giây phút hạnh phúc nhất là những giây phút thực sự riêng tư, tự tạo, và về bản chất là không thể chia sẻ. Những thứ mà chúng ta thực sự coi là thiêng liêng là những thứ chúng ta sẽ không mang ra trước thị phi. Vậy mà bây giờ đa số chúng ta có ý nghĩ rằng hạnh phúc là phải ở giữa mọi người, và chúng ta tìm kiếm hạnh phúc trong đám đông, các phòng tiệc ồn ào, chúng ta chia sẻ khoảnh khắc mà chúng ta gọi là hạnh phúc rồi mong chờ cộng đồng tán thưởng, tôn vinh.

Chúng ta không biết rằng chúng ta thiếu cái phẩm chất duy nhất để có hạnh phúc thực sự: đó là tự tại về tư tưởng. Không có sự tự tại, mọi thứ khác đều chỉ là ước lệ và phù phiếm.

Thu Hiền

Xem thêm:

 

Exit mobile version