Đại Kỷ Nguyên

Hồi ức 100 giờ ở Tây Tạng: Khoảnh khắc chấn động thân tâm của chàng phóng viên người Mỹ

Trong suốt hành trình khám phá Tây Tạng – mảnh đất thiêng giữa lưng trời tuyết trắng, nhà văn nổi tiếng người Mỹ gốc Anh, Pico Lyre đã phát hiện ra một điều thú vị. Đó chính là khi biến cuộc hành trình trở nên ngắn hơn, những thanh âm vang vọng trong nội tâm của mỗi người sẽ trở nên mạnh mẽ và rõ rệt hơn.

Người xưa giảng “Đại Đạo chí giản chí dị”, vậy nên đầu óc càng đơn giản, sẽ càng có nhiều khoảng không để mỗi âm hưởng có cơ hội được vang vọng bên trong tâm bạn. Một chuyến đi mau lẹ có thể trở thành một căn phòng trống bên trong mỗi ngôi nhà trà Đạo của người Nhật: Nếu ở đó không có gì ngoại trừ một cuộn sách cổ, thì cuộn sách đó thật sự sẽ trở thành to lớn như cả một vũ trụ.

Càng ít thứ trong trí óc, càng có nhiều không gian hơn cho tiếng vọng ngân lại trong tâm bạn.

33 năm trước, chuyến bay vội vã đã đưa chàng thanh niên trẻ Pico Lyre, phóng viên viết bài tin thế giới cho Tạp chí Time từ Trung Quốc tới Lhasa – thủ phủ lâu đời của Tây Tạng khi anh vừa nhận được tin rằng, nhà nước Trung Quốc quyết định mở cửa cho người nước ngoài  tự do đến tham quan vùng đất chứa đầy những bí ẩn này.

(Ảnh: Getty)

Nhờ việc có bố là một nhà Triết học, cậu bé Pico 10 tuổi đã có vinh hạnh được gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma lần đầu tiên tại chính nhà riêng của Ngài ở Dharamsala, Ấn Độ trước khi ông phải đi sống lưu vong vào năm 1959. Cũng chính từ đó, Pico luôn nung nấu trong tâm một sự tò mò và thích thú Tây Tạng, sở thích của cậu là đọc những thông tin và tìm hiểu những câu chuyện về đất nước Tây Tạng.

Vậy nên, 10 năm sau, ngay khi có thông báo người nước ngoài được tham quan Tây Tạng, chàng trai trẻ Pico khi đang ở trên tầng thứ 24 của một trong những tòa nhà cao chọc trời tại thành phố Manhattan, Mỹ đã bắt ngay một chuyến bay đến Trung Quốc cho thỏa nỗi lòng mong mỏi của mình bấy lâu.

(Ảnh: Tibetdiscovery)

Lần đầu tiên đặt chân trên đất Tạng, bầu không khí tinh khiết và màu trời xanh ngắt khiến Pico không khỏi kinh ngạc. Đó là cảm giác như được đắm chìm vào huyền thoại Shangri-La, nơi con người ta có thể sống với trái tim thuần khiết, nơi mà lòng nhân từ và đạo lý khôn ngoan trị vì và nơi con người không phải trải qua những khổ đau, bệnh tật, nghèo đói hay tuổi già. Thật hào sảng!

Bước ra khỏi những cảm nhận bay bổng, Pico quay về với thực tại khi bắt đầu quan sát những người bạn xa lạ cùng đồng hành với mình trong chuyến đi ngắn ngủi: Đó là một nhóm các nhà thám hiểm quàng khăn, những nhà khoa học đội mũ thực hiện những nghiên cứu bí mật. Đoàn của Pico được đưa lên một chiếc xe điện, băng qua những đoạn đường sóc lởm chởm, vượt những con suối trên hành trình tưởng như dài vô tận tới khám phá Lhasa.

(Ảnh: Tibettravel)

Suốt dọc đường đi, Pico thấy những bức tượng nhỏ được đặt phía bên ngoài các hang động, những bức tượng Phật được sơn màu sắc rực rỡ đến hoa mắt trên những tảng đá. Cũng có khi Pico trông thấy những đoàn người mộ Đạo đông đúc đang làm những động tác đi ba bước (tam bộ) là ngũ thể (gồm chân, tay, ngực, trán…) của họ lại một lần chạm xuống đất (nhập địa), cứ liên tục liên tục như vậy, họ chẳng nhìn ai chỉ chắp tay hướng về Lhasa, nơi những Đấng tối cao đang trị vì mà cầu khấn.

(Ảnh: Pinterest)

Sau cuộc hành trình tưởng như dài vô tận để tới được “Thành phố của Mặt trời”, phía trước Pico hiện ra những ngôi nhà quét vôi trắng nằm quanh khu vực chợ Barkhor cổ, những chiếc hộp hoa vàng dưới bầu trời xanh, những lá cờ cầu nguyện cũ nhàu bay phấp phới dưới mái hiên của những ngôi nhà trắng.

Pico cũng thấy những người đàn ông đi vòng quanh quảng trường chính trước đền Jokang, miệng không ngừng niệm “Đạt Lai Lạt ma, Đạt Lai Lạt ma”. Khắp nơi trong chợ là những phụ nữ du mục Golok, đội những chiếc mũ quả dưa màu xanh, những chiến binh Khampa vạm vỡ với những mái tóc dài được nút lại bởi một chiếc chỉ đỏ cùng với những em bé má hồng đi vòng quanh ngôi đền, họ vừa đi vừa lăn những bánh xe cầu nguyện. Phía xa kia là những công nhân lao động, họ vui vẻ ngân vang những bài hát dân ca trong khi đang dựng lại những ngôi nhà xiêu vẹo.

(Ảnh: Tibetwiki)

Trước đó, nhà văn Pico đã dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu về Tây Tạng, ông từng đọc những tác phẩm cổ điển nổi tiếng như “Sống tha hương xa vùng tuyết trắng” hay “Bảy năm ở Tây Tạng”. Sự quan tâm của Pico nhiều tới nỗi ông vẫn thường tưởng tượng về Tây Tạng như những gì huy hoàng và đáng quan tâm nhất của mình. Tuy nhiên, khi đối diện với cảnh tượng trước mắt Pico nhận ra đó là một sự thất vọng. Nó không như những gì như Pico  vẫn tưởng tượng về nơi này. Không biết có phải do chuyến đi đường xa hay không, nhưng trước mắt chàng trai Pico lúc bấy giờ là một mảnh đất đầy nắng, bụi và mệt mỏi. Nhớ đến địa chỉ một khách sạn từng được nói đến trong một cuốn sách, Pico tìm đường đến đó, nhưng khi đến nơi ông nhận ra đó chỉ là một bệnh viện cũ kĩ đã bị bỏ hoang, điều này càng khiến Pico thêm thất vọng.

(Ảnh: Tibettravel)

Cuối cùng, khi thấy có vài người châu Âu đang đi dọc theo phố chính, Pico đã đi theo họ, khi trông thấy một tấm biển ghi: “Khách sạn Banak Shol, đường Hạnh phúc”. Một thanh niên Tây Tạng nói tiếng Anh không được tốt cho lắm đã nói với Pico rằng có thể thuê một căn phòng với giá 2 USD một đêm. Khi đến nơi, tất cả đều chỉ khiến Pico thêm khó chịu, đó thật sự chỉ là một căn phòng, một tấm đệm trần to với một chiếc gối rơm, chật không còn chỗ nào để cựa. Một nhà vệ sinh dùng chung nhếch nhác và một máy nước dưới sân nhà. 

Bước xuống những bậc thang gỗ từ phòng khách sạn, băng qua những con ngõ, Pico bước tới đền Jokang, nơi có những thầy tu, những người phụ nữ dân du mục, những đứa trẻ bé xíu đang quỳ lạy năm ngũ nhất thể. Dường như, họ làm điều đó từ bình minh tới nửa đêm. Khi bước chân vào thăm thú ngôi đền, Pico nghĩ rằng đó cũng chỉ là tâm trạng của vị khách bộ hành có tâm tò mò với những gì lộng lẫy của mảnh đất kì bí, nhưng sau đó Pico đã phải thay đổi thái độ khi thấy những dòng nước mắt lăn dài trên những gò má thô nhám nhất của người dân nơi đây, ông không biết miêu tả cảm giác của mình khi đó. Phải chăng đó là niềm hạnh phúc linh thiêng của tín tâm tràn đầy sau khi trải qua một chặng đường gian khổ để tìm đến được miền đất Phật, thể hiện lòng cảm ân của họ đối với những vị Thần từ bi và trí huệ?

Phải chăng đó là niềm hạnh phúc của tín tâm tràn đầy? (Ảnh: Tibet Vista)

Đêm xuống, Pico thấy cả một vùng thành phố nhỏ bé thu hẹp lại dưới chân của cung điện Potala 13 tầng nguy nga rực rỡ, trong ánh đèn heo hắt mờ mờ được tỏa ra từ hơn 1.000 căn phòng trên đó. Một chút bình dị và tĩnh mịch.

Buổi sáng thứ 3 ở thành phố, Pico leo lên núi theo một con đường mòn khúc khuỷu tới Potala. Đi theo một nhóm người Tạng tới một chiếc lều tối tăm, anh lấy ra hai đồng xu để mua cuộn sách tôn giáo bên trên có hình những vị Thần và hình ảnh về vũ trụ. Bước vào ngôi đền, anh cố trèo lên những căn phòng trên cao nơi những tia nắng tràn ngập trong phòng và những thầy tu đang ngồi đọc kinh giữa những tấm rèm đỏ và vàng. Pico trông thấy những chiếc rương báu vật và tượng được đặt cuối mỗi hành lang, những người phụ nữ cúi đầu nhận nước thiêng từ các vị thầy tu đang đứng giữa các di hài của 9 Đức Đạt Lai Lạt Ma đã từng sống ở đó.

Trong một khoảnh khắc bất chợt, Pico bước ra khu hành lang quét đầy vôi trắng và nhìn ngang qua thung lũng tới những dãy núi phủ đầy tuyết trắng. Bầu trời xanh thẳm, mọi thứ lập tức ập vào Pico một cách bất ngờ trực diện. Cho đến bây giờ sau hàng chục năm nhớ lại giây phút ấy, Pico vẫn cảm thấy như nó vẫn còn ở đó, nhưng thật khó miêu tả là vì sao, thật khó để nói rằng nó như thế nào. Nhưng có một cảm giác rõ rằng, khi đứng đó, Pico cảm giác không chỉ là đứng trên “mái nhà” của thế giới như từng được miêu tả trong tất cả các sách hướng dẫn, mà đứng ngoài bản thân ông lúc bấy giờ – một trạng thái tinh thần rõ ràng hơn, mạnh mẽ hơn mà chính ông cũng không thể hiểu.

(Ảnh: savetibet.ru)

Có lẽ cũng bởi tận trong sâu thẳm không có sự tin tưởng vào những phép màu kì diệu, sự thiếu thốn đức tin mà bấy giờ, Pico chỉ cho rằng đó có thể là cú sốc văn hóa, tình trạng đuối sức do những chuyến bay dài liên tục hoặc cũng có thể là do bầu không khí quá loãng. Rõ ràng, ông không có cảm hứng để cảm nhận điều gì đó đặc biệt về thế giới này. Trong suy nghĩ của ông, đó chỉ là những ngỡ ngàng về sự nghèo khổ và túng thiếu, nó hoàn toàn khác xa với mảnh đất màu mỡ trong trí tưởng tượng của ông. Thậm chí, ngay cả khi đang đứng ở nơi linh thiêng nhất ông vẫn đổ lỗi cho cảm giác chấn động thân tâm khi đó chỉ là cái lỗi của sự di chuyển. Chợt Pico nhớ đến Francis Younghusband, một người lính Anh dẫn dầu một đoàn thám hiểm tới thành phố này vào mùa đông năm 1904, ông ấy đã có một chuyến đi dài vào đúng buổi trưa cuối cùng ở Lhasa. Ông cảm nhận một điều gì đó mạnh mẽ đến mức vứt bỏ cả bộ quân phục, trở lại châu Âu và trở thành một trong những nhà vận động nhiệt thành nhất thế kỷ.

(Ảnh: savetibet.ru)

Sau hàng chục năm về sau, Pico nhớ lại thời tuổi trẻ đôi mươi, khi đức tin vào tâm linh còn quá nghèo nàn mà thay vào đó là sự nông nổi bồng bột, ông nghĩ mình đã khá ngu ngốc khi cho rằng cách sống của bản thân nên được hình bằng cách không để ý đến những suy nghĩ của người khác và tự định nghĩa những gì ông hiểu rõ. Tự cho mình là một nhà báo thực tế của tờ Time, ông luôn có ác cảm với những lời nói sáo rỗng.

Nhưng khi đứng trên độ cao đó, dưới ánh sáng trong veo, mặc dù cố gắng cố thủ trong tâm cái quan niệm cố hữu về tính thực tế của sự vật, ông đã không thể chống lại nguồn sức mạnh vô hình, ông thừa nhận rằng ông gần như đã thay đổi hoàn toàn. Và sự chấn động trong tâm ấy đã đưa ông đến một quyết định, ông sẽ rời Lhasa sau hai hôm nữa, đúng 100 giờ ở Tây Tạng để bảo toàn trọn vẹn cái vầng sáng rạng rỡ trong tâm trí ông lúc bấy giờ.

Thời trai trẻ, Pico luôn trăn trở về chuyện ông là ai? Phải nói rằng, sẽ là quá vội vã nếu đưa ra kết luận khi những suy nghĩ trong ông luôn bị phong kín bởi những hoài nghi thời trung học. Nhưng trong khoảnh khắc đó, ông tin rằng bản năng của ông là chân thật. Sau 4 ngày, Pico rời Lhasa, và cho đến hôm nay, sau 33 năm, Pico luôn có cảm giác như mỗi thời khắc của khoảng thời gian đó giống như một bức tranh đơn độc trong một phòng tiệc vô cùng to lớn.

Thực ra, Pico đã trở lại Tây Tạng hơn một lần sau đó. Là một người thích trải nghiệm, ông đã có nhiều năm du hành ngang dọc Bhutan, Ladakh và Nepan cũng như những nơi khác có độ cao tương tự như Bolivia và Peru. Nhưng ông nhận ra ông đã đúng khi quyết định ở Lhasa 100 giờ, bởi vì điều ông cảm nhận trong khoảnh khắc đó, ông không thể tìm thấy nó lại một lần nữa. Để rồi khi ngồi một mình trong căn phòng trống trải viết những dòng hồi ức về Tây Tạng sau 33 năm, ông vẫn cảm thấy một sự tròn đầy viên mãn. 

Xuân Dung

Exit mobile version