Đại Kỷ Nguyên

Giúp con lấy lại cảm hứng học tập sau kỳ nghỉ hè

Năm học mới đã sắp bắt đầu nhưng tâm trí con vẫn chưa “hạ cánh” sau kỳ nghỉ dài. Để trẻ ở tuổi mầm non, tiểu học hứng thú trở lại với việc học hành, sự hỗ trợ của cha mẹ là yếu tố quan trọng giúp con dần tìm được cảm hứng học tập.

Phần lớn trẻ mầm non và tiểu học chưa ý thức được tầm quan trọng của việc học nên sau kỳ nghỉ dài, trẻ thường khó lấy lại trạng thái sẵn sàng học tập.

Việc học với trẻ ở độ tuổi này thường mang tính bắt buộc hơn là ý thức tự giác. Suốt kỳ nghỉ các em có thể bị hấp dẫn bởi những chuyến đi du lịch, thời gian vui chơi thoải mái, thậm chí còn nghiện các hoạt động như game online, xem tivi… Vì thế, khi trở lại học tập sẽ cảm thấy khó chịu, chán nản, bức bối, khó thích nghi.

Cha mẹ nên có thể sử dụng các bí quyết sau:

Giúp trẻ lên kế hoạch học tập

Một thời gian biểu cụ thể là cách đơn giản nhất để đưa bé quay lại vào “guồng”. Hãy cùng con xây dựng bảng phân chia giờ giấc các hoạt động trong ngày, giờ nào học, giờ nào chơi. Thời gian biểu cần có sự đồng thuận của cha mẹ và trẻ. Nếu trẻ đã cảm thấy lịch trình phù hợp thì phải thực hiện nghiêm túc. Một vài hình thức phạt như cấm xem tivi trong vài giờ, nghỉ chơi game 1 ngày… có thể được áp dụng nếu như trẻ không đảm bảo giờ học nghiêm túc.

Với học sinh tiểu học, phụ huynh không nên ra một loạt bài tập yêu cầu các em hoàn thành mà nên kích thích trẻ bằng nhiều cách như: đố trẻ giải được bài toán sẽ có thưởng, thi viết chữ đẹp… Khi mang tâm lý “chơi để học” , trẻ đến trường sẽ không thấy bị “ngợp” và thích nghi nhanh hơn.

Với trẻ mầm non, cha mẹ nên nhắc nhở con thời gian đến trường, thi thoảng yêu cầu trẻ kể lại những bài học cô giáo đã dạy. Cùng tỉ tê, nói cho bé biết rằng, các cô giáo rất nhớ và yêu quý bé, nhiều bạn bè cũng mong gặp bé là cách để con hứng thú đi học hơn.

Giữ các đồ vật gây xao nhãng tránh xa

Hãy cố gắng loại bỏ điều khiển, điện thoại di động, máy tính, giường ngủ, truyện tranh hay những thứ tương tự ra khỏi tầm mắt của trẻ khi vào giờ học. Những thứ kể trên chính là thủ phạm khiến trẻ xao nhãng.

Thậm chí, chỉ cần nghĩ về chúng thôi cũng làm con mất tập trung vào cuốn sách đang cầm trên tay. Vì thế, tốt nhất nên tạo cho con môi trường học hạn chế tối đa các yếu tố chi phối.

Ngừng và bắt đầu với phần học thú vị nhất

Tạo cho con hứng thú với niềm vui học tập trở lại bắt đầu từ môn học con thích nhất hoặc học khá nhất, sau đó mới đến các môn học, lĩnh vực khác. Như vậy, con sẽ thấy hào hứng, hiệu quả.

Khi phải dừng học để nghỉ giải lao hay làm việc khác, bạn hãy chú ý dừng ở nội dung hay môn học hấp dẫn trẻ nhất. Khi quay trở lại bàn học, trẻ sẽ tiếp tục ở chính đoạn thú vị ấy và việc này giúp các bé dễ dàng học tiếp hơn.

Sắp xếp lại góc học tập

Dựng một góc học tập bắt mắt là một mẹo để truyền cảm hứng học tập. Cha mẹ có thể cùng trẻ dọn dẹp và trang trí bàn học, kệ sách vở… theo đúng sở thích của trẻ.

Những điều nho nhỏ này sẽ đóng góp không ít vào công cuộc khơi gợi niềm say mê học tập cho các bé. Một phòng học ngăn nắp, bàn học gọn gàng và có cách bài trí hợp ý sẽ tạo cảm giác thư thái và hứng thú để bắt đầu bài học mới trong ngày.

Giữ bình tĩnh

Không dễ gì mà các bé lại hứng thú và tích cực học tập đầu năm. Nếu con có biểu hiện chểnh mảng việc học trong những ngày đầu trở lại lớp, cha mẹ cũng không nên la mắng tạo tâm lý nặng nề khiến con căng thẳng không muốn học. Hãy giúp con tìm thấy niềm vui học tập bằng cách quan tâm trò chuyện với con về những chuyện trường lớp sau kỳ nghỉ.

Trẻ tiểu học thì giao công việc học tập nên vừa sức, thay vì ép trẻ hoàn thành hết tất cả bài tập vào buổi tổi, hãy chia nhỏ từng nội dung để trẻ dễ giải quyết.

Với trẻ mầm non, cha mẹ nên lưu ý thêm chế độ ăn uống vì những ngày nghỉ trẻ có thể quen nếp ăn uống thất thường, hay dùng đồ ăn vặt, sự điều chỉnh hợp lý sẽ từng bước giúp con thích nghi lại với nề nếp lớp học.

Theo dõi tâm trạng của trẻ

Hãy để ý đến cảm xúc của trẻ nhiều hơn. Nếu thấy bé tỏ vẻ chán nản cha mẹ có thể thay đổi hoạt động hoặc tìm điểm hấp dẫn trong bài học kích thích trẻ lấy lại sự chú ý. Khi trẻ đã quá mệt và không còn khả năng tập trung, cha mẹ cần cho trẻ nghỉ ngơi vài phút để bớt căng thẳng.

Dù con chưa theo kịp tiến độ học tập và hoạt động của nhà trường, cha mẹ vẫn nên kiên trì, bình tĩnh cùng các em bắt nhịp dần, tránh tâm lý nôn nóng, vội vàng ép buộc trẻ quá mức sẽ phản giáo dục.

Minh Lan

Exit mobile version