Đại Kỷ Nguyên

Giữa lòng Sài Gòn hoa lệ, người con xa xứ bâng khuâng một nỗi nhớ quê hương

Ai cũng có quê hương, là nơi tuổi thơ ta lớn lên từ tiếng ầu ơ của mẹ, là con đường làng quanh co, là cánh cò, là đàn trâu về mỗi chập tối, là bếp nhà ai ngun ngút khói một góc đồi, là tiếng chó sủa, tiếng con gà gáy lúc ban mai, là cánh đồng lúa óng vàng bát ngát. Ôi quê hương, sao nhớ quá! Nhớ tuổi thơ trôi qua không ký ức, chẳng kịp hồn nhiên nay đã hóa thăng trầm…!

Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn!

Đó là hai câu thơ trích trong bài thơ “Tiếng hát con tàu” của Chế Lan Viên, hôm nay sao nghe hay đến lạ thường, thấm đến lạ thường, thấm đến từng mạch máu của người con xa xứ.

Giữa lòng thành phố, trên cây cầu bắc ngang con sông Sài Gòn, nó đứng thẩn thơ, mắt xa xăm vương nỗi buồn. Nó chẳng để ý dòng xe nườm nượp vội vã chạy ngang qua sau lưng và dòng xe đó cũng chẳng ai để ý nó đang đứng đó làm cái gì, bởi Sài Gòn là thế, bận rộn đến mức đôi lúc ta không biết mình đang đi tìm cái gì nữa.

Sài Gòn chênh vênh

Rồi nó chợt mỉm cười. Ôi Sài Gòn khác quê mình nhiều quá, cái gì cũng khác. Nói về tất cả mọi thứ chắc phải cách xa quê mình cả triệu năm ánh sáng ấy chứ. Nhưng quê hương vẫn có những nét riêng mà đố ai tìm được giữa cái thành phố hoa lệ này. Ở đây chỉ cần bạn ra khỏi nhà hay rời khỏi chỗ làm chỉ 10m thôi, nhìn sang trái, nhìn sang phải là bạn thấy chẳng hề quen ai, cho dù ở đây bạn bè của bạn có nhiều cỡ nào đi chăng nữa. Còn ở quê, cho dù bạn chạy cả chục cây số vẫn cứ gặp người quen và chào hỏi “ê đi mô đó” (này, đi đâu thế?). Đôi khi chỉ kịp đáp lại bằng một nụ cười thân thiện trên môi rồi chạy tiếp. Ở quê, cái hay là ở chỗ đó, tình cảm con người gần gũi hơn, cuộc sống cũng mưu sinh nhưng chân thành và đằm thắm.

Ở quê, đi uống cafe cũng thật hấp dẫn, giống một bữa tiệc hơn là cafe đàm đạo, nhất là trúng dịp lễ tết. Quán cafe thường kèm theo karaoke nên ồn đến mức đau đầu, chỉ có mấy anh nhậu phê phê vô đó thì hợp, vì ai cũng nói to (sợ người khác không nghe). Vào quán, nhìn thấy bàn nào cũng là người quen, người nhà mình hết. Uống cafe giống như đi dự tiệc vậy đó, ngồi bàn này xíu, chạy qua bàn kia xíu nói chuyện, vì ai cũng quen, nếu bạn lâu ngày về thì mệt hơn nữa, bắt tay bắt chân liên tục.

Ở quê, chẳng bao giờ sợ lạc đường như ở cái Sài Gòn chằng chịt này, vì chỉ có duy nhất một con đường nhựa nối từ đầu nguồn dòng sông Giăng chạy tuốt ra trung tâm thị trấn, cho nên ai hỏi đi 32 – trại 6 đi đường nào, chỉ cần nói chạy thẳng con đường nhựa này đừng rẽ vào đâu cả là tới, nó tiện là ở chỗ đó.

Ở quê, ban đêm sẽ đẹp mê hồn nếu bạn là người yêu bóng tối, yêu cả tiếng ếch nhái kêu, tiếng kêu râm ran như tiếng ve báo mùa phượng nở vậy. Nếu đi bộ ban đêm ra khỏi nhà thì cái không quên đầu tiên đó là đèn pin, lỡ ra cổng và bước không may dẫm phải bánh kẹo thì coi như xong.

Ở quê, nói vậy nhưng vui lắm. Từ trẻ trâu, thanh niên đến trung niên thường tập trung ở ngã ba, ngã tư nào đó chỉ để nói chuyện, không ai rủ ai nhưng cứ buổi đó ra đó là gặp, lạ vậy đó, nói đủ thứ chuyện đên trời dưới đất, điếu thuốc lào thi nhau hút từng hồi tróc tróc cho vui. Ở quê, thanh niên hiền lành thường chạy xe như dân cơ quan, luôn đều ga rà phanh sợ làm phật lòng mấy anh ngồi hút thuốc bên đường. Ở Sài Gòn, chỉ có sợ bác cảnh sát thì mới chạy kiểu đó thôi, bằng không đường mình mình đi, xe mình mình vặn.

Ở quê, đi đám cưới cũng vui lắm, khách mời chủ yếu là chòm xóm láng giềng, mà láng giềng là mời đến tận mấy cây số vì ai cũng quan hệ rộng, không như ở đây làng xóm chẳng thấy ai mà thay vào đó là bạn bè, đồng nghiệp.

Ai cũng có quê hương, là nơi tuổi thơ ta lớn lên từ tiếng ầu ơ của mẹ, là con đường làng quanh co, là cánh cò, là đàn trâu về mỗi chập tối, là bếp nhà ai ngun ngút khói một góc đồi, là tiếng chó sủa, tiếng con gà gáy lúc ban mai, là cánh đồng lúa óng vàng bát ngát. Ôi quê hương, sao nhớ quá! Nhớ tuổi thơ trôi qua không ký ức, chẳng kịp hồn nhiên nay đã hóa thăng trầm…!

Bài và ảnh: Doãn Sáng

Tiêu đề do ĐKN đặt. Có thể đọc bài gốc tại đây.

Video xem thêm: Người ở ngưỡng tuổi 30 có 8 điều nhất định phải nhớ

Exit mobile version