Đại Kỷ Nguyên

Giấy washi – Loại giấy cổ truyền mỏng nhất thế giới của Nhật Bản

Washi – loại giấy mỏng nhất thế giới, thường được dùng để lưu trữ các loại văn thư quan trọng tại nhiều bảo tàng nổi tiếng. 

Washi (wa: Nhật Bản, shi: giấy) có lịch sử lâu đời và được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Washi từng là một phần không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày của người dân Nhật. Nó thường được sử dụng làm giấy viết, vẽ, đèn, ô, cửa trượt,… Tuy nhiên, khi cuộc sống có xu hướng phương Tây hóa, loại giấy này đang mất dần vị thế vốn có. 

Washi là một loại giấy tengu-jōshi, hay còn được gọi là giấy mỏng như cánh ruồi, dày 0,02 mm, nặng 1,6 gram/m2. Trong khi đó một tờ giấy photocopy chuẩn dày 0,09 mm, nặng 70 gram/m2. Ông Hiroyoshi Chinzei, người làm nghề sản xuất giấy chia sẻ: “Nó là một loại giấy mỏng được làm từ sợi. Nó mỏng như da người”.

(Ảnh: Kazuhiro NOGI / AFP)

Tại một xưởng nhỏ thuộc miền Tây Nhật Bản, gia đình Hiroyoshi Chinzei đã là đời thứ 4 đang tiếp tục sản xuất washi với mục tiêu vực lại sự quan tâm của mọi người đối với loại giấy này. Sản phẩm của gia đình ông Chinzei là loại giấy mỏng nhất thế giới từng được sử dụng để lưu trữ các loại văn thư lịch sử quan trọng tại các bảo tàng lớn như Louvre ở Paris, bảo tàng Anh ở London và Thư viện Quốc hội Washington.

Người chủ sản xuất, ông Hirochiyo Chinzei chia sẻ với tờ JapanTimes: “Những cuốn sách cổ Nhật bản có từ cách đây 7 đến 8 thế kỷ vẫn còn được lưu giữ trong tình trạng tốt nhờ sợi dâu tằm”.  

Giấy Washi linh hoạt và bền hơn các loại giấy phương Tây. 

Loại giấy thủ công truyền thống này được sản xuất từ một loại cây có tên là kōzo (cây dâu tằm) cho ra các loại sợi dài và dai hơn sơ với loại giấy thông thường làm từ gỗ và bông. 

Quá trình làm giấy trải qua nhiều công đoạn, bắt đầu từ bước hấp cây kōzo, bóc vỏ sau đó đun cho đến khi mềm và loại bỏ các vẩn và tạp chất thủ công. Khi vỏ cây đã được đun mềm sẽ được đánh trộn với keo và nước trước khi đặt lên một mặt phẳng bằng gỗ, rồi nhúng liên tục trong nước và lắc đều để trải chất lỏng ra một tờ giấy, kỹ thuật này đòi hỏi người nghệ nhân phải thật sự thành thạo và có kinh nghiệm nhiều năm trong nghề. 

(Ảnh: Kazuhiro NOGI / AFP)

Giấy washi khó rách, khó hư hỏng vì vậy các tài liệu cũ có thể được phục chế bằng cách gắn thêm một miếng washi vào giữa 2 tờ giấy. Đối với các tài liệu, sự rõ ràng và minh bạch luôn được ưu tiên, có nghĩa là washi càng mỏng càng tốt. 

Sử dụng các loại máy móc và kỹ thuật thủ công lưu truyền qua nhiều thế hệ, công ty có thể tạo ra loại giấy siêu mỏng, được nhiều nhà bảo tồn sử dụng nhằm khôi phục và bảo tồn các hiện vật văn hóa. 

Tại Studio Kibi ở Saitama, ông Takao Makino sử dụng giấy washi để bảo vệ những vầng quang bằng vàng trang trí của bức tượng Phật có niên đại 800 năm tuổi. 

(Ảnh cắt từ video)

Makino nói rằng ông bắt đầu sử dụng washi từ năm 2007 để bảo vệ bề mặt của 2 bức tượng chính tại ngôi đền Sensoji ở Tokyo: “Giấy washi có thể dễ dàng dính vào một bề mặt mà không cần dùng nhiều sản phẩm hỗ trợ, trong khi vẫn giữ được độ bám tốt nhờ các sợi cấu tạo nên tờ giấy.  Washi tự nhiên phù hợp với các tác phẩm điêu khắc có hình dạng phức tạp, tuy nhiên các loại sợi hóa học hay màng phim đều không làm được điều này”. 

Lịch sử đã chứng minh washi là một loại giấy rất bền. Chất liệu nguyên chất, chắc và bền. Nó rất đáng tin cậy. 

Nghề làm giấy bắt đầu nở rộ và đạt đỉnh cao vào thời kỳ Edo (1603-1868) tại Nhật, nhưng đã giảm do việc sản xuất giấy bị cơ giới hóa. Ông Chinzei chia sẻ rằng họ không có phòng tatami và hầu như không có không gian để trưng bày cuộn giấy theo lối sống hiện tại. Ông từng theo học khoa Kinh doanh tại một trường Đại học ở thành phố Seattle, Mỹ, nhưng quyết định quay về quê nhà tiếp tục nghề truyền thống của gia đình vì cảm thấy bản thân cần có trách nhiệm. Ông tin rằng loại giấy này có ý nghĩa rất lớn với các tác phẩm nghệ thuật trong tương lai. 

Exit mobile version