Đại Kỷ Nguyên

Biết con ngỗ ngược bẩm sinh, nhưng mẹ vẫn kiên trì dạy dỗ…

Đối với nhiều người mà nói, được sinh ra trong một gia đình có cha là quan chức chính phủ, mẹ là giáo sư đại học cũng tương đương với ngậm một chiếc chìa khóa vàng trong miệng. Nhưng đối với tôi, điều ấy lại là một áp lực, vì tôi không được kế thừa gien tốt từ cha mẹ.

2 tuổi rưỡi, trong khi những đứa trẻ khác đếm làu làu từ 1 đến 100 thì tôi đến 10 vẫn còn chưa đếm thạo. Ngày đầu tiên học mẫu giáo, tôi đánh một bạn học bị thương và làm hỏng chiếc đàn dương cầm đắt nhất của trường. Mặc dù sau này tôi có thay đổi hơn, nhưng không có ngôi trường nào mà tôi ở lại lâu hơn 10 ngày. Mỗi lần bị trường học trả về, cha tôi lại tức giận và đánh tôi. Nhưng những nấm đấm như mưa của cha lại không thể chạm vào thân thể tôi được vì luôn có mẹ lao vào đỡ hộ.

Sau đó cha không cho phép tôi đi học mẫu giáo nữa nhưng mẹ không đồng ý, nói trẻ con cần phải ra ngoài để tiếp xúc với mọi người, không thể ở nhà cả đời được. Thế là tôi lại đến một trường mẫu giáo khác. Một lần tôi vấy nước tiểu vào bát của một bạn học, mẹ tôi đi công tác nước ngoài và cha tôi thì vô cùng tức giận chạy đến. Ông trói và lôi tôi vào phòng khách, cổ tay của tôi bị cứa đến rướm máu. Thừa dịp, tôi nổi loạn và đập phá đồ đạc trong nhà gồm cả ti vi. Tôi còn lấy bật lửa đốt sách của cha làm kinh động đến cả đội phòng cháy.

Cha tôi mất hết thể diện. Ông đưa ra một chiêu cuối cùng đó là gửi tôi vào bệnh viện tâm thần. Một tháng sau mẹ tôi đi công tác trở về, việc đầu tiên bà làm là ly hôn với cha tôi, việc thứ hai là đón tôi về nhà. Mẹ nhìn thấy trên thân thể và tay chân tôi đầy những vết thương đã gào khóc thảm thiết. Nép vào trong ngực mẹ, tôi yên tĩnh đến lạ kỳ. Một lát sau, mẹ tôi ngạc nhiên nói to: “Bé con, con đã yên tĩnh được rồi đấy. Mẹ sớm đã từng nói rồi. Con trai của mẹ là thiên tài mà thế giới này không lý giải nổi.”

Lên cấp một, rất nhiều thầy cô giáo vẫn không chịu tiếp nhận tôi. Cuối cùng, thầy giáo Ngụy là bạn học cùng với mẹ tôi đã nhận tôi. Tôi đã hứa với mẹ rằng sẽ làm được việc là không dùng bạo lực với các bạn học nữa. Trong trường học, có đủ loại thiết bị liên tiếp gặp nạn. Một hôm, thầy giáo Ngụy dẫn tôi đến một phòng học rồi nói với tôi rằng: “Những thứ ở đây đều bị thương, con hãy giúp trị bệnh cho chúng đi!”

Tôi rất thích làm công việc “chăm sóc người bị bệnh này“. Tôi dùng số tiền được mừng tuổi mua một cái tua vít, một cái kìm và một số thứ cần thiết đến để lắp chúng lại với nhau. Những đống đổ nát này dưới bàn tay của tôi đã trở nên sinh động hơn. Không lâu sau, một chiếc xe ô tô nhỏ, một chiếc máy bay cánh lớn cánh nhỏ được ra đời.

Bên cạnh tôi bắt đầu có những người bạn học. Tôi dạy cho họ cách dùng những công cụ mà ở nhà cha mẹ họ không cho động vào. Tôi không hề dùng “nắm đấm” mà là dùng ánh mắt thân thiện và sự ôn hòa để giành sự chú ý của họ.

Rất nhiều lần, tôi nhìn thấy mẹ nằm đọc sách trên giường, hai mắt đã nhíu vào nhưng lại không thể dậy tắt điện được vì mệt mỏi. Thế là tôi dùng một tuần để làm một chiếc bóng đèn có điều khiển từ xa. Mẹ tôi nghi ngờ, rồi ấn vào một công tắc, toàn bộ gian phòng sáng rực lên. Mẹ nhìn tôi, trong ánh mắt như thể có ngôi sao sáng lấp lánh và nói: “Mẹ đã từng nói rồi mà, con trai mẹ là một thiên tài!”

Cuối cấp tiểu học, thầy giáo Ngụy cho tôi biết một sự thật đó là toàn bộ số đồ đạc bị hỏng ở trong căn phòng mà thầy giáo vẫn dẫn tôi đến để “trị bệnh” cho chúng là do mẹ tôi thuê. Mẹ mong muốn dùng cách này để tôi tĩnh hơn, nuôi dưỡng năng lực làm việc của tôi…

Những năm tiểu học trôi đi nhanh chóng trong niềm vui và sự sung sướng. Lên cấp hai, một hoàn cảnh khác lạ khiến tôi lại trở thành đối tượng bị phê bình. Tôi thường xuyên bị khiển trách vì không hoàn thành bài tập đúng hạn và làm hỏng đồ trong phòng thí nghiệm. Ngoài ra điều quan trọng hơn cả là tôi không hề có cảm tình với cô giáo chủ nhiệm lớp.

Một lần cô giáo trách mắng oan và phạt tôi quét dọn vệ sinh lớp. Mẹ tôi đến lớp nhìn cảnh tôi quét nhà, lau nhà và khóc. Tôi giơ chiếc chổi lên và nói: “Mẹ, con không bị tổn thương đâu!” Mẹ tôi giật mình nhìn tôi. Tôi lại hỏi mẹ: “Con của mẹ có phải là mạnh mẽ không?” Mẹ tôi gật gật đầu rồi nói: “Không chỉ mạnh mẽ mà còn rất có suy nghĩ.”

Từ hôm đó trở đi, mẹ tôi ngày nào tan làm cũng đến trường giúp đỡ tôi quét dọn vệ sinh lớp rồi hai mẹ con cùng vui vẻ ra về.

Hết năm cấp 2, với thành tích học tập kém của mình, tôi căn bản không thể thi đỗ bất kỳ một trường cấp 3 nào. Tôi bối rối chán nản, tự giam mình trong phòng, không ăn không uống. Tôi dùng cách này để trừng phạt mình.

Suốt 4 ngày tôi giam mình ở trong phòng, mẹ tôi ở ngoài phòng, tôi không ăn, mẹ tôi cũng không ăn.

Ngày đầu tiên mẹ tôi kể về cha tôi, cha đã đến tìm mẹ mong muốn hợp lại nhưng mẹ tôi cự tuyệt. Mẹ tôi nói với cha: “Tôi cho phép bất kỳ ai trên thế giới này không thích con tôi, nhưng tôi không cho phép ai vũ nhục và làm tổn thương thằng bé.”

Ngày thứ hai rồi ngày thứ ba, mẹ tôi đều nhờ bạn thân của tôi và thầy giáo cũ đến nói chuyện cùng tôi, nhưng tôi vẫn không thể tha thứ cho mình.

Đến ngày thứ tư thì ở bên ngoài đã không còn một âm thanh nào. Tôi lo lắng mẹ tôi vì không ăn đã không thể chịu đựng được liền rón rén đi ra ngoài. Mẹ tôi đang nấu ăn ở trong bếp, cất tiếng nói: “Con trai! Mẹ biết rõ là con ra ngoài, việc đầu tiên là sẽ tìm cái gì ăn.”

“Mẹ… Con xin lỗi mẹ! Con thực sự cảm thấy vô cùng mất mặt.”

Mẹ tôi giơ chiếc xẻng đang chiên thức ăn lên và nói: “Ai nói như vậy? Con của mẹ vì muốn vươn lên mà không ăn không uống. Ai nói như vậy, mẹ sẽ liều mình với họ!”

Nửa tháng sau mẹ tôi cho tôi chọn 3 phương án: “Một là tiếp tục thi vào lớp 10, hai là nghỉ học cấp ba và đi học sửa chữa ô tô, ba là con không đồng ý phương án nào thì mẹ sẽ tôn trọng lựa chọn của con.”

Tôi chọn phương án hai, tôi nói: “Mẹ! Con biết là mẹ có mối quan hệ và có thể cho con vào học lớp 10, nhưng nếu con cô phụ mẹ một lần…”

Mẹ sờ đầu tôi và nói: “Con trai ngốc của mẹ! Con coi thường mẹ quá rồi, đi học nghề là sẽ phóng đại sở trường của con, đi học lớp 10 là kinh doanh điểm yếu của con. Mẹ dù gì cũng là giáo sư đại học, một chút suy nghĩ này cũng phải có chứ!”

Cứ như vậy, tôi đi học nghề, học sửa chữa ô tô. Những gia đình xung quanh khu nhà tôi ở, con cái của họ đều là đi du học nước ngoài, làm bác sĩ ở bệnh viện lớn, chỉ có tôi là còn chưa tốt nghiệp cấp 3. Từ nhỏ đến lớn, tôi là nhân vật phản diện điển hình ở khu này.

Nhưng mẹ tôi cũng không né tránh, cũng không bởi vì “thể diện” hay vì con trai làm “mất mặt” mà đi đường vòng. Trái lại, nếu như biết rõ xe nhà ai có vấn đề cần sửa chữa, mẹ tôi sẽ luôn để tôi giúp đỡ họ. Lúc tôi sửa xe, mẹ tôi đứng ở bên với vẻ mặt mãn nguyện, giống như thứ tôi đang sửa không phải ô tô mà là máy bay vậy…

Sau khi tốt nghiệp, tôi mở một xưởng sửa chữa ô tô. Dường như đây là công việc thích hợp với tôi, hàng ngày rất đông khách hàng đến sửa chữa. Mặc dù tôi suốt ngày, cả thân dính đầy dầu mỡ nhưng luôn nhắc nhở mình không vì kiếm sống mà cúi đầu khom lưng.

Có một ngày, giở trang sách ra, tôi vô tình nhìn thấy một câu ngạn ngữ của Thổ Nhĩ Kỳ: “Thượng đế đều sẽ vì mỗi một con chim ngốc mà chuẩn bị một cành cây thấp.” Nước mắt tôi tự nhiên trào ra.“Đúng vậy! Tôi chính là con chim ngốc kia nhưng người đưa tới cho tôi cành cây thấp, và Thượng đế đã ban cho tôi người mẹ tuyệt vời!”

Theo NTDTV
Mai Trà biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version