Đại Kỷ Nguyên

4 xu hướng nuôi dạy con năm 2020, cha mẹ nên tham khảo

Ảnh minh hoạ (nguồn: Smartjunior).

Theo thời gian, có nhiều cách dạy con bị lãng quên và bị cho là “lỗi thời”, không thích hợp nữa. Năm 2020, một năm bản lề mở ra thập niên mới, cha mẹ hãy thử nhìn lại tinh hoa trí tuệ của người xưa, kết hợp với thời thế để tạo cho con một nền tảng phát triển tốt nhất.

1. Thói quen đọc sách

Chúng ta đang sống trong một thế giới của sự phân tâm và những cám dỗ: thông báo của Facebook, game, tin tức xã hội, cập nhật ứng dụng… luôn xuất hiện và làm gián đoạn cuộc sống, khiến trẻ thật khó có thể tìm thấy sự bình tĩnh và tập trung. Trong bối cảnh hỗn loạn đó, tĩnh tâm đọc sách mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe tinh thần, đồng thời giúp bạn cải thiện bản thân một cách toàn diện.

Ảnh minh hoạ (nguồn: Pixabay).

Sách cung cấp một kho tàng tri thức, mở ra cho chúng ta một thế giới ý tưởng mới dưới góc nhìn và suy nghĩ của người khác. Việc đọc sách có thể ảnh hưởng tích cực đến tính cách của chúng ta bởi cách nó mở rộng quan điểm của chúng ta. Đọc sách cũng giúp xây dựng sự đồng cảm. Những hiểu biết sâu rộng về các vấn đề và những câu chuyện phức tạp trong sách có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về đồng nghiệp, người thân, thế giới xung quanh… Đặc biệt, những cuốn sách tốt toả ra năng lượng tích cực, giúp người đọc trở nên khoan dung và lương thiện hơn. Vì vậy, cha mẹ cần tạo lập cho con thói quen đọc sách.

2. Giáo dục phù hợp với giới tính

Đâu đó trên các trang báo, mạng xã hội ngày nay có quan điểm cho rằng: những “rập khuôn” về giới tính nên được cởi bỏ, con trai có thể để tóc dài, thích màu hồng, chơi búp bê, con gái có thể cắt tóc ngắn kiểu con trai, mặc quần áo, chơi những trò chơi của con trai. Thế nhưng, trong phương pháp giáo dục truyền thống từ ngàn xưa, nam và nữ có sự phân biệt hết sức rõ ràng, từ kiểu tóc, quần áo đến trò chơi… Đó là bởi vì văn hoá truyền thống cho rằng nam nữ có thiên chức riêng, vì thế cần phải tu dưỡng, trau dồi các phẩm chất ấy từ khi còn nhỏ.

Ngẫm lại trong gia đình, người cha vững chãi, chính trực và khoan dung, người mẹ dịu dàng, chu đáo và nhân từ, thế thì con cái mới được che chở và nuôi dạy tốt nhất, trở thành những người có nhân cách tốt sau này. Nếu như nam tính và nữ tính bị đảo lộn, cha không đủ uy nghiêm, mẹ không đủ nhu hoà, thì gia đình sẽ bị loạn, từ đó xã hội cũng không có trật tự.

Ảnh minh hoạ (nguồn: Pixabay).

Bởi vậy, trong phương pháp giáo dục trẻ nhỏ, cha mẹ cần thuận theo giới tính – thiên tính của con mà lựa chọn ngôn ngữ, thái độ, sách vở, cho tới phòng ốc, trò chơi… thích hợp. Từ đó, giúp con có được nhận thức ngay chính, không lệch lạc về giới tính của bản thân, có được những phẩm chất cần có trong tương lai. Ví dụ: nữ giới cần tu dưỡng tứ Đức là Công – Dung – Ngôn – Hạnh, thế thì con gái cần được dạy bảo về nữ công gia chánh, dung mạo nghiêm trang hoà nhã, lời nói dịu dàng, phẩm hạnh đoan chính.

3. Yêu thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống

Cùng với vấn đề thay đổi khí hậu ngày càng trở nên cấp thiết, sống hài hoà với thiên nhiên và bảo vệ môi trường sống là một xu hướng tích cực trong việc nuôi dạy con cái.

Cha mẹ hãy làm tấm gương sáng cho con noi theo thay vì chỉ nói, dạy lý thuyết suông. Giải thích cho trẻ từ những điều đơn giản. Ví dụ: Khi chúng ta bảo con “con phải bỏ rác vào thùng” thì phải giải thích cho trẻ hiểu được vì sao phải làm thế. Khi chúng ta trồng một cây, nên cho con biết cây xanh có ích cho con người như thế nào. Để trẻ chăm sóc, quan sát sự trưởng thành của cây, so sánh những nơi có cây xanh và không có cây khác nhau ra sao… Tương tự đối với việc tiết kiệm nước, hạn chế túi ni-lông và rác thải nhựa.

Ảnh minh hoạ (nguồn: Pixabay).

Mỗi khi thiên tai xảy ra, cha mẹ cần giải thích cho trẻ hiểu được mối liên hệ với những hành động tàn phá thiên nhiên của con người, dạy trẻ về quy luật Nhân Quả. Với lòng kiên trì, cha mẹ có thể cho trẻ thấy được ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường và sống hài hoà với thiên nhiên.

4. Hạn chế đánh mắng, thay đổi để hiểu con hơn

“Có nên đánh đòn khi trẻ mắc lỗi hay không?” luôn là câu hỏi nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ phía phụ huynh. Một số người tin rằng đây là phương pháp đúng đắn, số khác nhận thấy đánh đòn chỉ mang lại ảnh hưởng tiêu cực lên trẻ.

Trang web giáo dục con Very Well chỉ ra rằng thay vì đánh mắng, một số phương pháp xử lý khi con phạm sai lầm có thể hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý và mối quan hệ với cha mẹ và con cái. Ví dụ: cắt giảm thời gian chơi của trẻ, để trẻ tự đón nhận hậu quả từ hành vi của bản thân, dành thời gian trò chuyện với con nhiều hơn… Văn hoá truyền thống cũng giảng: “Thế phục người, tâm không phục. Lý phục người, tâm mới phục” (trích “Phép tắc người con”). Vì vậy, 2020 được dự đoán là năm phụ huynh sẽ ít sử dụng đòn roi và hướng đến những phương pháp mềm dẻo hơn.

Video xem thêm: Trở về cố hương – miền đất tịnh thổ

Exit mobile version