Đại Kỷ Nguyên

Điều gì đã giúp Hàn Quốc từ quốc gia nghèo đói cùng cực trở thành ‘con rồng’ thịnh vượng?

Hàn Quốc bị Nhật xâm chiếm 35 năm (từ 1910 đến 1945), đến năm 1950 chiến tranh Nam-Bắc bùng nổ và kéo dài đến năm 1953. Sau đó, bị phân chia thành hai quốc gia cho đến tận hôm nay. Là đất nước còn chia cắt duy nhất trên thế giới hiện nay, miền Bắc vẫn theo kinh tế kế hoạch tập trung, kém phát triển, còn Hàn Quốc từ đổ nát của chiến tranh đã từng bước khôi phục và phát triển kinh tế để rồi có một sự nhảy vọt làm cho cả thế giới phải khâm phục.

Từ xuất phát điểm khốn khó đến cùng cực

Sau chiến tranh thế giới lần thứ 2, Hàn Quốc là một nước nghèo nàn, lạc hậu. Đặc biệt, khi chiến tranh Nam – Bắc Triều Tiên kết thúc năm 1953, Hàn Quốc đã bị tàn phá nặng nề. Nhiều thành phố của Hàn Quốc chỉ còn là đống tro tàn, thu nhập bình quân đầu người khoảng 67 USD/năm, nhiều vùng nông thôn buộc phải ăn đến cọng rau ngọn cỏ, phải lên núi kiếm thức ăn.

Hàn Quốc từ một quốc gia nghèo đói của Châu Á đã vươn mình trở thành con rồng kinh tế vào đầu thập niên 1990.

Nhớ lại thời kỳ đen tối ấy, hầu hết người dân Hàn Quốc dù ở nông thôn hay thành thị đều phải lo “chạy ăn từng bữa”. Trong những tháng giáp hạt giữa mùa đông và mùa xuân, nhiều người thậm chí còn phải nhịn đói, sống dựa vào các loại ngũ cốc trộn hay viện trợ lương thực từ nước ngoài. Một số người dân kể lại:

“Thời kỳ đó, có lúc tôi đã phải lên núi đào rau rừng ăn, hay lót dạ bằng ngải cứu và ngũ cốc trộn. Thời đó, vào đúng tuổi ăn tuổi lớn thì chúng tôi lại chẳng có tiền để mua đồ ăn mà cũng chẳng có thứ gì để cho vào bụng. Chúng tôi đã phải ăn cơm trộn với lúa mạch mà cũng chẳng đủ no. Nhà chẳng có gạo nên tôi sống chủ yếu nhờ vào rau cỏ trên núi. Chính vì ăn uống kham khổ như vậy mà tôi đã bị sưng phù cả mặt và cơ thể. Chúng tôi hồi đó thực sự đã phải trải qua một thời kỳ vô cùng kham khổ. Hồi đó chúng tôi phải ăn những thanh bột hấp làm từ bột ngô và bột sữa mà Mỹ viện trợ cho Hàn Quốc. Ngoài ra thì chẳng có gì để ăn cả. Thử hỏi ăn như thế thì làm sao mà lớn được cơ chứ?”

Hàn Quốc từ một nước đói nghèo không có gì để ăn trở thành một quốc gia với nền ẩm thực phong phú và thể trạng vượt trội. (Ảnh dẫn qua KBS)

Năm 1961, GDP bình quân đầu người dưới 80 USD/năm, hầu hết người dân vẫn đói nghèo, không thể đảm bảo cho nhu cầu sống tối thiểu, nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, lúc đó cũng phải chịu những trận lũ lụt nối tiếp hạn hán triền miên, nạn đói đã từng xảy ra không bỏ sót một vùng đất nào. Trong khi đó hệ thống chính trị, quan chức tham nhũng, không lo cho dân, đã đẩy Hàn Quốc đến chỗ nguy vong, nghèo đói cùng cực.

Tổng biên tập Jung Young-jin của trang báo mạng Wikipress mô tả lại tình hình Hàn Quốc thời kỳ đó: “Do thiếu gạo nên vào năm 1969, Chính phủ đã chỉ định ngày thứ Tư và thứ Bảy hàng tuần là “Ngày không gạo”, tức là trong hai ngày này người dân sẽ không ăn cơm mà thay vào đó là ăn các loại lương thực từ bột mỳ. Các trường học cũng buộc sinh viên phải ăn thức ăn độn ngũ cốc như lúa mạch với gạo và đậu tương. Thậm chí nhiều nhà hàng còn bị cấm bán cơm cho người dân.”

Đến kỳ tích sông Hàn khiến cả thế giới ngỡ ngàng

Người Hàn Quốc không đầu hàng số phận, kinh tế Hàn Quốc đã có sự nhảy vọt ngoạn mục đến kinh ngạc. Họ đã biết tận dụng những khoản viện trợ của cộng đồng quốc tế (trong đó chỉ riêng viện trợ của Hoa Kỳ đã chiếm đến hơn 30% ngân sách chính phủ), đồng lòng quyết tâm cùng nhau gây dựng lại đất nước. Người Mỹ đã giúp Hàn Quốc cho đến năm 1957 và họ đã đặt đúng niềm tin khi những khoản tiền đã được sử dụng hiệu quả vào nền công nghiệp tạo sức bật kinh tế sau này.

Các nhà máy, đường cao tốc và đường sắt được xây dựng trên khắp cả nước, và những người trẻ tuổi được gửi sang Đức làm thợ mỏ và y tá. Những thanh niên ấy đã phải lao động vất vả, thắt lưng buộc bụng nơi đất khách quê người để gửi ngoại tệ về cho tổ quốc. Họ đã trải qua quá nhiều cay đắng để hiểu rằng, những khó khăn, khổ cực hiện tại không chỉ vì chính bản thân mình, mà còn vì tương lai của Tổ quốc và sự hy sinh đó quả thực đã làm nên nền tảng cho sự phát triển kinh tế về sau này cho Hàn Quốc.

Người dân xây cầu để cải thiện hệ thống hạ tầng trong phong trào Saemaeul.

Cùng với đó, “Phong trào vận động xây dựng nông thôn mới Saemaeul” được triển khai trên toàn quốc với ý chí quyết tâm đồng lòng của mọi người dân đã trở thành đòn bẩy đưa kinh tế đi lên. Kết quả là xuất khẩu tăng mạnh, từ con số 100 triệu USD vào năm 1962 đã tăng lên tới 1 tỷ USD vào năm 1971 và 10 tỷ USD vào năm 1977. Cơ cấu công nghiệp cũng chuyển đổi từ công nghiệp nhẹ sang công nghiệp chế tạo và công nghiệp nặng. Những chiếc xe ô tô do chính đôi bàn tay của người Hàn Quốc làm ra đã bắt đầu được xuất xưởng ra nước ngoài. Nền kinh tế Hàn Quốc đã cất cánh thần tốc với tỷ lệ tăng trưởng hơn 10% một năm và tạo nên “kỳ tích sông Hàn” khiến cả thế giới ngỡ ngàng.

Olympic Seoul năm 1988.

Xin được trích dẫn một đoạn phỏng vấn của đài phát thanh và truyền hình KBS với những người dân đã đi qua giai đoạn khủng hoảng nhất của đất nước:

“Hồi xưa, chúng tôi thậm chí còn không đủ ăn, bởi vậy nên ai trông cũng gầy gò, ốm yếu. Nhưng ngày nay, nhìn vào thể lực, thể chất cường tráng của thanh niên Hàn Quốc thì có thể hiểu được đất nước đã phát triển như thế nào. Thời chúng tôi đừng nói đến việc sở hữu ô tô, mà chỉ được tận mắt ngắm một chiếc ô tô cũng còn khó nữa là. Còn bây giờ phương tiện giao thông tốt hơn rất nhiều, đồ ăn thức uống cũng phong phú, so với ngày xưa thì đúng là một trời một vực. Tôi thực sự cảm thấy mình đang được sống ở một quốc gia giàu có thịnh vượng, và tôi rất tự hào về điều này. Khi khủng hoảng tài chính xảy ra ở Hàn Quốc, tất cả mọi người đều đoàn kết, đồng lòng vượt qua khó khăn. Người giàu hiến tặng vàng, người lao động bình thường chấp nhận lương ít đi, và tất cả đều xác định “thắt lưng buộc bụng” để hồi phục đất nước. Đó là thời kỳ mà tinh thần đoàn kết dân tộc lên rất cao. Một điều tuyệt vời là Hàn Quốc đã đăng cai tổ chức World Cup 2002 thành công. Người dân chúng tôi thấy tự hào về sức mạnh của đất nước mình. Người dân Hàn Quốc rất thân thiện, lạc quan và luôn làm việc chăm chỉ, vô điều kiện. Đó là điều đã làm nên một Hàn Quốc ngày nay”.

Cung điện Gyeongbokgung mùa thu.
Mùa thu trên đảo Nami.

Tất nhiên, có rất nhiều yếu tố đã làm nên bước nhảy vọt thần kỳ cho Hàn Quốc, và một trong số đó chính là tinh thần đoàn kết dân tộc, một lòng xây dựng tổ quốc của mỗi con người nơi xứ sở kim chi. Trong những năm tháng thống khổ nhất đó, người dân Hàn Quốc đã có thể bỏ qua cái tôi ích kỷ cá nhân để cống hiến vì sự hồi phục của đất nước. Thay vì cạnh tranh lẫn nhau, họ càng giúp đỡ, bao dung và đối đãi với nhau tử tế hơn.

Với tinh thần đoàn kết ấy và quyết tâm không bao giờ lùi bước trước nghịch cảnh, người dân Hàn Quốc đã vượt qua tất cả những thử thách khó khăn nhất của lịch sử để kiến tạo nên một quốc gia không chỉ no đủ mà còn phát triển thịnh vượng. Và ngày hôm nay, họ có thể cùng nhau ngẩng cao đầu trên trường quốc tế, tự hào về dân tộc mình như những gì họ xứng đáng!

Ảnh dẫn qua: dkn.tv, KBS, thoibao.today

Hiểu Minh

Exit mobile version