Đại Kỷ Nguyên

Đi thử tàu điện Nhật Bản giờ cao điểm, bạn sẽ không còn phàn nàn về xe bus Việt Nam

Nếu bạn đang phàn nàn về những chuyến xe bus “huyền thoại” ở Việt Nam vào giờ tan tầm và ao ước một hệ thống giao thông công cộng thông minh như Nhật Bản thì bài viết sau đây sẽ cho bạn một cái nhìn khác để “nhìn người ngẫm ta”.

Những chuyến tàu không thể cựa quậy

Tàu điện ngầm là phương tiện công cộng phổ biến ở Nhật. Mỗi ngày ở Tokyo có 40 triệu hành khách đi tàu và 22% trong số đó, tức là 8,7 triệu hành khách đi tàu điện ngầm. Hơn nữa, mạng lưới đường sắt Nhật Bản cũng nổi tiếng khắp thế giới về sự đúng giờ và lưu lượng hành khách khổng lồ.

Mỗi ngày ở Tokyo có 40 triệu hành khách đi tàu

Hệ thống giao thông công cộng ở Nhật Bản luôn được đánh giá cao về sự thông minh và hiệu quả. Trên mỗi một đường ray ở Tokyo, mỗi tàu vào ga cách nhau chỉ khoảng 5 phút, vào giờ cao điểm thì chỉ cách nhau khoảng 2-3 phút mỗi chuyến. Theo thống kê, trung bình khoảng 24 chuyến tàu rời bến/giờ, cùng một lộ trình. Mặc dù vậy, các chuyến tàu điện ngầm vẫn vô cùng đông đúc. Theo Bộ Đất đai, Hạ tầng và Giao thông Nhật Bản thì gần như tất cả các trạm tàu điện ngầm Tokyo hoạt động ở mức… quá tải, một vài trạm còn hoạt động tới 200% công suất.

Tất cả các trạm tàu điện ngầm Tokyo hoạt động ở mức… quá tải

Năm 2012, nhiếp ảnh gia Michael Wolf của Hồng Kông đã tạo ra một loạt ảnh có tên là Tokyo Compression (Tạm dịch: sức nén Tokyo), nơi ông bắt gặp những gương mặt đau khổ vì tình trạng đông nghẹt ở mỗi toa tàu, thậm chí mặt của họ còn bị ép dính vào cửa sổ.

Những gương mặt đau khổ vì tình trạng đông nghẹt ở mỗi toa tàu…

Cùng với đó, để ngăn chặn tình trạng sàm sỡ trên những toa tàu chật cứng, người ta bố trí những khu vực dành riêng cho phụ nữ. Chúng được đánh dấu bằng những ký hiệu dễ nhận ra. Những toa này sẽ giúp phụ nữ đi lại an toàn hơn khi sử dụng phương tiện công cộng.

Những toa tàu dành cho phụ nữ được đánh dấu bằng những ký hiệu dễ nhận ra

Bị “nhồi” chật cứng vẫn chọn giao thông công cộng

Mặc dù đông đúc là vậy nhưng người Nhật luôn khoan dung khi người bên cạnh gục vào vai họ ngủ. Có thể họ không thích những điều này nhưng họ chấp nhận nó như một thực tế, bởi họ hiểu rằng, ai cũng có lúc mệt mỏi và cần sự chia sẻ… từ một người xa lạ.

Thêm một niềm an ủi nữa cho những hành khách “trung thành” của tàu điện ngầm, những chuyến tàu luôn phục vụ đến nửa đêm và thường mất một giờ để kết thúc hành trình. Loa phóng thanh ở nhà ga sẽ thông báo cẩn thận về chuyến cuối để mọi hành khách không bị lỡ tàu, họ không muốn bất kỳ ai phải ngủ vạ vật ở bên ngoài.

Hẳn bạn sẽ không còn phàn nàn về xe bus của Việt Nam nữa.

Lại nói về giao thông công cộng ở Việt Nam, hẳn nhiều người sẽ giật mình khi nhắc đến những chuyến xe bus 26, 27, 32… vào giờ tan tầm. Thế nhưng, nếu biết chấp nhận rằng ngay cả giao thông ở một đất nước văn minh như Nhật Bản cũng vẫn còn tồn tại bất cập, hẳn bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng ở nước ta.

Bạn thấy đấy, mặc dù bị nhồi nhét như vậy nhưng người dân Nhật Bản vẫn đặc biệt yêu thích tàu điện ngầm và các phương tiện giao thông công cộng mà không hề kêu ca, phàn nàn.

Có một nghề gọi là “đẩy khách” ở Nhật Bản

Vì thường xuyên phải chở gấp đôi số khách trên mỗi toa tàu nên tại các ga có đội nhân viên mặc đồng phục gọi là oshiya (tạm dịch: người đẩy khách). Họ đeo găng tay trắng, có nhiệm vụ “nhét” nhiều người vào một toa để tàu chạy đúng giờ. Công việc này thực sự rất khó tin và bạn phải tận mắt chứng kiến mới thực sự hiểu nó như thế nào.

Nghề này xuất hiện đầu tiên là ở ga Shinjuku, Tokyo; chủ yếu do các sinh viên làm thêm. Tuy nhiên, ngày nay, khi mà mật độ dân cư đông đúc của Tokyo đều dồn cả vào những tuyến tàu điện ngầm thì nhân viên ga và đội oshiya phải thay nhau làm việc cật lực trong các giờ cao điểm.

oshiya xuất hiện đầu tiên là ở ga Shinjuku, Tokyo

“Nghề đẩy khách” lên tàu điện ngầm vừa được xem là “sáng tạo”, vừa bị coi là phản cảm tại Nhật. Một mặt nó giúp những chuyến tàu đảm bảo đúng giờ, hành khách không bị lỡ dở công việc, tiết kiệm thời gian… Mặt khác, nó lại khiến nhiều người rơi vào trạng thái căng thẳng do bị chèn ép, người dân bị rơi đồ, thậm chí là nguyên nhân nảy sinh tình trạng trộm cắp trên ga tàu điện.

Công việc này thực sự rất khó tin

Một cách khách quan, mặc dù vẫn còn những vấn đề bất cập nhưng giao thông công cộng Nhật Bản vẫn luôn được đánh giá cao không chỉ bởi chính người dân đất nước mặt trời mọc mà còn bởi nhiều quốc gia phát triển trên thế giới. Và cảnh tượng nói trên thực ra cũng không xảy ra quá thường xuyên tại các ga tàu Nhật Bản mà chỉ xảy ra vào giờ cao điểm mà thôi.

Nguồn ảnh: trithuctre

Hiểu Minh

Exit mobile version