Đại Kỷ Nguyên

Đặc sản vùng miền: Da trâu thối – món ăn khoái khẩu của đồng bào Tây Bắc, bạn có dám thử?

Da trâu thối còn gọi là “năng min”, là một đặc sản có vị thơm ngon đặc trưng của người Thái. Tuy nhiên, nhiều khách du lịch không dám nếm thử món ăn này.

Cách làm món da trâu thối cũng không cầu kỳ lắm, chỉ cần lấy da của con trâu sau khi lọc ra vẫn giữ nguyên phần lông, đem gói vào lá chuối và ủ trong vòng khoảng hai ngày.

Sau một thời gian ủ, da trâu bốc mùi đem rửa sạch thì lông sẽ rụng hết. Người ta đem miếng da đi phơi, rồi dùng nấu canh bon, hoa chuối hoặc nướng tùy sở thích.

Ảnh: Đời sống & Pháp luật.

Người dân nơi đây cho biết thêm, vào mùa hè, nhiệt độ cao có thể làm da trâu nhanh “thối” hơn; trong khi đó, vào mùa đông, nhiệt độ thấp, người ta phải ủ thêm nhiều ngày mới có thể lấy ra chế biến.

Ngoài ra, Tây Bắc còn có một số đặc sản tương tự khác không phải ai cũng dám nếm thử.

Da trâu gác bếp: Để chế biến nên món ăn ngon từ da trâu gác bếp thì quả thực là một kỳ công. Da trâu được ngâm nước nhiều giờ, đến khi mềm thì đem thái thành từng miếng nhỏ. Tiếp đến, ướp với các loại gia vị như: ớt, sả, muối, mì chính và mắc khén rồi chế biến thành canh hoặc nộm da trâu, da trâu muối… Da trâu gác bếp được người dân nơi đây đánh giá là giòn, đậm đà rất ngon.

Ảnh: Vietbao.

Cá thủy tinh (cá ngần): Loài cá này thường xuất hiện vào đầu hè, thịt cá dẻo thơm, xương mềm có thể chế biến thành các món: canh chua, tráng với trứng, cuốn lá lốt, chả cá…

Ảnh: VnExpress.

Muồm muỗm: Sau khi làm sạch, muồm muỗm om với nước măng chua (hoặc giấm gạo) trên bếp lửa liu riu. Cạn nước, cho mỡ (hoặc dầu ăn) vào, đảo đều tay trên bếp to lửa. Khi nào nghe tiếng nổ lách tách tức là muồm muỗm đã chín giòn, cho bột canh (hoặc nước mắm, hạt nêm…) vừa đủ cùng với mì chính, một chút ớt tươi. Cuối cùng cho lá chanh thái chỉ nhỏ vào, đảo đều chín tới lá chanh là được. Muồm muỗm rang chín có màu vàng sậm, rất thơm ngậy.

Ảnh: VnExpress.

Da trâu muối chua: Đây là món ăn không thể thiếu trong những ngày Tết của đồng bào Tây Bắc. Nguyên liệu để làm món da trâu muối gồm: da trâu miếng dày mịn, riềng giã nhỏ, gạo rang thơm giã nhỏ thành thính, một lượng tỏi bóc, ớt thái nhỏ vừa đủ cùng các gia vị đường, muối, mì chính.

Đầu tiên, phải làm sạch da trâu bằng cách đun nước sôi, cho một ít tro bếp vào nước. Lấy từng miếng da trâu nhúng vào nước nóng để cạo sạch lông. Tiếp đó, nướng da trâu trên bếp than cho chín vàng, phồng lên thì cho vào chậu nước trắng rửa sạch, rồi mới bỏ vào nồi luộc cho da trâu mềm, bấm được thì vớt ra, không để da bị nhũn quá.

Ảnh: Người Đưa Tin.

Phần da được luộc xong sẽ để nguội rồi thái thành từng miếng như ngón tay út. Từng miếng da vàng ươm được thái rất đều nhau sẽ nhanh chóng được cho vào chum sành để ướp gia vị và đậy kín trong khoảng một tuần là có thể dùng được luôn.

Món bọ: Bọ làm sạch chân, lươn băm nhỏ, cho thêm gia vị, tiêu rừng (mắc khén), và rau thơm, tía tô, hành, húng tròn, húng chó, ớt, sả bọc lá chuối, sau đó vùi than hồng khoảng 40 phút. Khi chín, món này có vị thơm của rau và hạt tiêu rừng, bọ bùi, dai và hơi ngậy.

Ảnh: VnExpress.

Món nhái: Người Thái ở Điện Biên vẫn chế biến thành món nhái om măng hoặc nhái chiên sả.

Cá bống vùi tro: Cá bống vùi tro được chế biến bởi bà con bản Vàng Pheo, Phong Thổ, Lai Châu. Cá bống được ướp rất kỹ rồi gói vào trong lá dong, sau đó vùi trong tro nóng để cá bống được chín từ từ.

Cá bống vùi tro có mùi hương của lá dong nướng, khi ăn có vị ngậy, không béo.

Ảnh: Pasgo.

Nếu có dịp đi khám phá vùng Tây Bắc, bạn đừng quên thưởng thức hương vị đặc sản nơi đây nhé!

Video xem thêm: Dựa vào núi, núi lở, dựa vào người, người đi, dựa vào mình mới là vĩnh viễn

Exit mobile version