Đại Kỷ Nguyên

Cụ ông tật nguyền lặng lẽ nhặt phế liệu mưu sinh và những bàn tay ấm áp giữa phố đông Hà Nội

Những mưu sinh vất vả, những cơm, áo, gạo, tiền đôi khi khiến chúng ta đi ngang qua nhau mà không thể trao một nụ cười, hay một tia nhìn ấm áp. Ai cũng ngỡ, giữa chốn phồn hoa đô thị, con người ta sẽ khó có thể kiếm được một tấm chân tình. 

Cũng thật lạ lùng, ở cái thành phố Hà Nội đắt đỏ, những người nghèo nhất vẫn tìm được cho mình một cái kế sinh nhai, một cơ hội dù là nhỏ bé thôi để kiếm miếng ăn nuôi tấm thân gầy.

Ông Phạm Văn Thái cũng là một người nghèo, lên kiếm sống ở Hà Nội như thế. Cái thành phố đông đúc này có lẽ muốn cưu mang ông, nhưng nó cũng có cái khó của riêng mình. Vì thế, Hà Nội không thể dành cho ông một công việc nhẹ nhàng, sạch sẽ. Ngày qua ngày trong 7 năm qua, ông Thái vẫn còng mình bên những nơi nào có rác. Cái ông kiếm tìm là những chiếc chai nhựa, hay một vài những mẩu sắt vụn, những cái đinh ốc trên những đồ dùng người ta đem vứt. Nhặt nhạnh, tích cóp để rồi bán đi khi đã đầy cân.

Hà Nội chỉ có thể giúp ông có một công việc như thế này

Ông Thái chia sẻ, trước đây những đinh ốc, sắt vụn ông nhặt trong cả ngày dài lao động bán còn được 7 nghìn một cân, chứ giờ cũng bằng ấy công sức, bằng ấy thời gian, ông chỉ nhận được một nửa giá tiền ngày trước. Cuộc sống ngày một khốn khó hơn. Nhưng biết làm sao được, còn sức thì còn phải cố gắng, bởi ông Thái muốn dành dụm chút tiền lo cho cái “ngày sau” của mình, ông không muốn dành quá nhiều phiền lụy cho con cái.

Ông Thái quê gốc ở Nam Định, từ ngày vợ mất, các con lại vào Nam lập nghiệp và xây dựng gia đình trong đó, ông Thái cũng phải rời quê hương lên tìm cơ hội ở thủ đô. Ông kể, ở nhà quê làm những công việc mà ông kiếm được cũng không đủ sống, cái đói cứ đeo bám ông vào cả trong công việc.

Vậy là với chiếc xe đạp đã hoen màu thời gian, ông lão có đôi chân không nguyên vẹn đến thành phố xa lạ. Một thân, một mình bươn trải. Riết rồi cũng thành quen, những con đường, góc phố cũng đã trở nên quen thuộc với chiếc xe đạp già nua. Lóc cóc cùng ông đi cả chặng đường, lúc nắng, lúc mưa, cả khi trời giá rét.

Nhưng ông vẫn hạnh phúc, bởi ông có người bạn thủy chung cũng là tài sản lớn nhất của ông
Đôi dép đặc biệt dành cho đôi chân không lành

Khi được hỏi về con cái, ông chỉ trả lời, các con ông đều đi lập nghiệp miền trong, họ đã xây dựng gia đình, nhưng cũng khó khăn lắm, lại phải dành dụm nuôi cho những đứa cháu của ông khôn lớn. Nghĩ tới đó, ông thương các con, các cháu, nên không muốn phiền.

Ông chỉ liên lạc với con khi mượn được ai đó chiếc điện thoại, ông lắp sim của mình vào rồi gọi. Hai cha con cũng chỉ nói chuyện với nhau đôi ba tháng một lần, để con ông biết ông vẫn khỏe, và có lẽ cũng là để ông cập nhật tình hình những đứa cháu của mình. Nói chuyện xong thì ông cũng trở về với đời sống thực tại với công việc, rồi với cuộc sống ở xóm trọ nghèo.

Ông có một cuộc sống bình yên nơi xóm trọ

Câu chuyện ông kể bỗng chốc nhẹ hẳn đi khi ông kể nhiều hơn về những điều mà thành phố tặng cho ông, theo cách của riêng nó.

“Ở trên Hà Nội này người ta tốt lắm!”, ông Thái đã từng vui vẻ tâm sự như thế.

Ông kể, ngôi nhà ông ở cũng được người chủ nhà tốt bụng bớt vài phần tiền thuê nhà. Những bữa cơm cũng có bà con trong xóm người cho gạo, người tặng ruốc, muối vừng, người cho quả trứng. Những món quà nhỏ thôi, nhưng chúng đủ để giúp ông có một bữa cơm nhỏ ấm tình người.

Với sự đùm bọc của những người cũng ở trong cảnh nghèo

Người trong xóm đều là người lao động nghèo, nên mọi người cũng bao bọc nhau nhiều hơn. Căn phòng của ông Thái nhìn ở một góc nào đó cũng giống như một viện bảo tàng của lòng tốt. Bởi ông vẫn cất chứa tất cả những gì mà bà con chòm xóm tặng cho ông, dù đồ vật ấy ông có thể dùng hay không.

Viện bảo tàng nhỏ của những tấm lòng

Thế rồi có lần, trên đường đi làm, ông gặp các anh công nhân, rồi được các anh tặng hẳn một xuất cơm, hay có lần khác gặp các bạn sinh viên lại được các bạn nhường hẳn cho cái bánh mì và hộp sữa.

“Cuộc sống của tôi được như ngày hôm nay cũng là nhờ có mọi người xung quanh và xã hội giúp đỡ đấy!”, ông Thái vẫn luôn cảm nhận về đoạn đời này của mình với nhiều lòng biết ơn như thế.

Hà Nội vẫn còn những mùa hoa, những tấm lòng ấm áp

Sinh sống ở một thành phố lớn, đông đúc như Hà Nội chưa bao giờ là một điều dễ dàng, nhưng mọi khó khăn sẽ bớt khắc nghiệt hơn một chút, những cái buồn cũng vơi đi vài phần khi người ta nhận được một sự sẻ chia. Không cần phải là một sự giúp đỡ lớn lao, chỉ một hộp cơm lúc đói lòng ngày giá rét, vài viên thuốc những khi trái gió trở trời, hay một lời nhắn nhủ “đi làm nhớ đem thêm áo” vì cái rét đang về; chỉ cần có vậy thôi, những cơn gió mùa đông bắc cũng sẽ chỉ tự như gió heo may, ngoài da thịt lạnh đấy, nhưng bên trong ấm áp đến lạ kỳ.

Vậy là, người đàn ông nhỏ bé, với đôi chân không còn nguyên vẹn, ngày ngày kiếm tiền từ những thứ người ta vứt bỏ này đã kể cho chúng ta nghe về một Hà Nội rất khác, nghèo hơn nhưng lại nhiều hơn một chút tình người.

Nguồn ảnh: dẫn theo Soha

Hải Lam

Exit mobile version