Đại Kỷ Nguyên

Cụ ông 99 tuổi 30 năm chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, chia sẻ bí quyết trường sinh

Cụ Phạm Thọ Tầng có gương mặt hồng hào, phúc hậu. Ảnh: Dân Trí.

Ba thập kỷ trôi qua, số bệnh nhân được cụ Tầng (Sơn Tây, Hà Nội) chữa trị miễn phí lên đến hàng trăm nghìn người. Say mê làm việc thiện có lúc chẳng kịp ăn cơm, ở tuổi 99 mà “cụ dẻo dai cứ như cây tùng, cây bách, người trẻ chúng ta phát thèm”.

Trên trục đường chính chạy qua phường Xuân Khanh, thị xã Sơn Tây, Hà Nội có tấm biển “Chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, chất độc da cam, trẻ em dưới 8 tuổi, mẹ liệt sĩ”. VnExpress cho biết, đây là tiêu chí hoạt động phòng khám đông y của cụ Phạm Thọ Tầng suốt 30 năm qua.

‘Tiên ông’ hết lòng vì người bệnh

Tiếng gà gáy sau nhà vừa dứt, cụ Phạm Thọ Tầng ra khỏi giường, xỏ dép và đi thẳng ra kho thuốc nam, trải giấy, bốc từng vị thuốc. Khi đã đủ 20 thang thuốc, cụ gói ghém cẩn thận, đề tên người nhận rồi rảo bước lên con dốc trước nhà. Bóng lưng thẳng tắp, chiếc áo măng tô đập theo từng bước chân. Xuân này, cụ Tầng bước sang tuổi 99.

Cụ Tầng khám cho một người bệnh ở Cầu Diễn, Bắc Từ Liêm sáng 29/12/2019. Ảnh: Phan Dương/ VnExpress.

“Người bệnh mang giấy chứng nhận hoàn cảnh khó khăn có xác nhận của chính quyền thì tôi sẽ chữa miễn phí. Người ở xa không tới được, chỉ cần gửi giấy này tôi tự khắc sẽ gửi thuốc cho họ”, cụ Phạm Thọ Tầng tuyên bố.

Theo VnExpress, Lương y Phạm Thọ Tầng từng là viện trưởng Viện Điều dưỡng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong thời gian làm việc cùng các nhà khoa học Ba Lan, Tiệp Khắc, cụ nghiên cứu thêm về cây thuốc nam và mày mò ra các bài thuốc chữa đại tràng và dạ dày, xương khớp. Nghỉ hưu năm 1989, chứng kiến nhiều bệnh nhân nghèo không có tiền chữa bệnh, cụ Tầng quyết định bốc thuốc miễn phí cho bà con.

“Nhiều người cứ bán tín bán nghi, tôi lấy tiền đâu mà mua các vị thuốc rồi phát miễn phí cho người bệnh như thế. Họ nghi thì cứ nghi thôi chứ tôi đâu tìm từng người giải thích được. Trước đây còn khỏe, tôi cũng đến đủ vùng tìm cây thuốc, nhưng nay tuổi cao, con cháu lo lắng nên tôi tự trồng rất nhiều cây thuốc Nam quý trong vườn nhà. Tôi tự thu hoạch thuốc, bào chế với sự hỗ trợ của vợ và con trai”, cụ Tầng kể với PV báo Dân Trí. Ba thập kỷ trôi qua, số bệnh nhân được chữa miễn phí lên đến hàng trăm nghìn người. 

Cụ Phạm Thọ Tầng bên cây thuốc vườn nhà. Ảnh: chụp màn hình từ báo Dân Trí.

Anh Lê Mạnh Hà, người từng được cụ Tầng chữa trị, xúc động chia sẻ với báo Zing: “Chúng tôi mang ơn ông nhiều lắm. Nhiều người bệnh nghèo từ quê ra, ông đã tận tâm chữa khỏi không lấy một đồng xu nào tiền thuốc. Khi về quê, mỗi tháng ông còn gửi và trả cước phí vận tải thuốc đến tận nhà. Chúng tôi luôn xem ông như ông Tiên vậy”.

Bí quyết trường sinh

Sẩm tối một ngày cuối năm 2019, anh Nguyễn Tiến Việt, 38 tuổi, Phúc Thọ, Hà Nội ghé qua phòng khám mua thuốc. Năm năm mới quay lại, anh ngạc nhiên khi thấy cụ Tầng vẫn phong độ như xưa. “Năm tôi đến cụ còn chạy xe máy vù vù. Nhìn cụ dẻo dai cứ như cây tùng, cây bách, người trẻ chúng ta phát thèm”, anh nói với PV báo VnExpress.

Ở tuổi này cụ Tầng mỗi bữa chỉ ăn lưng bát cơm song sức khoẻ tốt, “chưa bao giờ phải dùng viên thuốc, cũng chưa bao giờ phải uống đến ngụm sữa”. “Năm 90 tuổi tôi vác 3 cây đào leo lên đỉnh núi Ba Vì trồng. Từ đó, gần như rằm tháng Giêng năm nào tôi cũng leo hơn 1.300 bậc lên đền Thượng, đền Mẫu. Mỏi đâu thì nghỉ, chứ không phải dùng gậy hay phải nhờ vả vợ con dìu đi”, cụ chia sẻ.

Mắt tinh, đọc báo giấy mỗi ngày, thính tai và xương cốt chưa hề đau nhức, cụ Tầng tự tin sức khoẻ của mình 5 năm tới vẫn tốt. Nói về bí quyết sống lâu, sống khoẻ của mình, cụ Tầng đúc kết:

“Không kèn cựa, ganh đua, chẳng màng tiền bạc. Thấy người nghèo thì mình thương, thấy người giàu thì mừng”. 

Bí quyết trường sinh của cụ Tầng khá tương đồng với điều mà đại danh y Hải Thượng Lãn Ông đề cập đến trong tác phẩm “Vệ sinh yếu quyết ca”:

“Muốn cho chân khí điều hòa

Sửa mình trong sạch hư vô trong lòng

Tinh thần giữ vững ở trong

Bệnh nào xâm được chẳng phòng cũng an”.

Có thể hiểu là, một khi tấm lòng thoáng đãng, ít dục vọng, tâm chân chính thì các loại bệnh tật không thể xâm hại được.

Vì những cống hiến bao năm qua, vị lương y trăm tuổi nhận được hàng trăm bằng khen. Ảnh: Dân Trí.

Chia sẻ với PV báo Zing, cụ Tầng cũng nói, sống qua hai thế kỷ mới hiểu được hạnh phúc, sinh ra và lấp đầy khi người ta biết sống vì nhau, biết chia sẻ cho nhau.

“Thỉnh thoảng thấy tôi cứ luôn chân luôn tay từ sáng tới tối, có ngày đông bệnh nhân còn chẳng kịp ăn, bà nhà tôi cũng cằn nhằn, con cái thì gọi điện về lo lắng, trách tôi tham việc. Nhưng tôi chỉ cười trừ, bảo vợ con: “Của cho đi là của nhận lại cả, đi đâu mà thiệt!”, cụ bộc bạch với PV báo Dân Trí.

Làm gương cho con cháu

Ngôi nhà cấp 4 của lương y trăm tuổi treo cả trăm bằng khen về những cống hiến bao năm qua. Cụ trân trọng tất cả, nhưng trân quý nhất vẫn là những bức thư xin thuốc, thư cảm ơn của bệnh nhân từ khắp cả nước gửi về.

Không chỉ chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, từ khi về hưu, cụ Tầng còn tham gia lập hội, quỹ khuyến học của địa phương. Theo thông tin từ Dân Trí, những năm 90, khi con cái còn chưa trưởng thành, hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, cụ vẫn dành dụm từng đồng lương hưu, tiền bán tạp hóa để mua gạo trợ cấp các cháu có hoàn cảnh khó khăn.

Cha con cụ Tầng cùng bốc thuốc cho bệnh nhân. Ảnh: Dân Trí.

“Giờ thì tôi không vất vả thế nữa rồi. Bây giờ chỉ cần một cuộc điện thoại là các con các cháu tôi lại gửi quà về cho tôi giúp những gia đình chính sách, những cháu nghèo hiếu học của địa phương. Tôi mừng vì con cháu mình đang hiểu được ý nghĩa những việc tôi làm”, cụ Tầng xúc động kể với PV báo Dân Trí.

Ông Phạm Thọ Lớp, con trai cả cụ Tầng chia sẻ: “Hiện nay, cha tôi vẫn đang truyền nghề cho con cháu để nghề quý của gia đình tiếp tục được mang đến giúp người, giúp đời. Chẳng có tài sản, tiền bạc nào khiến anh em chúng tôi tự hào bằng được làm con của một “ông Tiên” giữa đời thực! Cha chưa bao giờ dạy chúng tôi phải sống thế nào, cư xử ra sao nhưng chỉ cần nhìn việc cha làm mỗi ngày, chúng tôi đã hiểu, lấy cha làm tấm gương sáng”.

Video xem thêm: Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Thị Vệ, người lo trước cái lo của người khác

Exit mobile version