Đại Kỷ Nguyên

Có nghề nào như nghề giáo chăng?

Những năm gần đây, xảy ra không ít ‘scandal’ trong ngành giáo dục, khiến một số người thất vọng và hoài nghi. Thế nhưng, còn đó biết bao nhà giáo tận tụy, những người lái đò vẫn ngày đêm miệt mài, cần mẫn chở những chuyến đò qua…

Nghề giáo, vinh dự là thế, nhưng cũng lắm nỗi trái ngang. Phía sau phấn trắng, bảng đen, nào có ai biết được những khó khăn, những nỗi vất vả mà các thầy, các cô đang gồng gánh, tất cả là vì tương lai của học trò – những mầm non tương lai của đất nước? Hãy đọc và cảm nhận nỗi lòng của một giáo viên tiểu học – thầy Vũ Đức Cảnh, qua bài thơ dưới đây. Có khi nào, ta đang vô tình hùa vào đám đông, làm tổn thương những người thầy đáng kính ấy? Quả thật, chúng ta nợ thầy cô thật nhiều ân tình…

Nghề giáo

Có nghề nào hạnh phúc đến thế chăng?
Nghề mình đó với bảng đen phấn trắng,
Gieo yêu thương vào tâm hồn trong trắng,
Mang đến cho đời nhiều hoa trái ngát hương.

Có nghề nào nhắc đến bỗng thấy thương?
Cuộc sống dù nghèo, áo mặc cần phải đẹp,
Suy nghĩ thật nhiều, khi chỉ mua đôi dép,
Thon thót giật mình khi hàng xóm cưới xin.

Có nghề nào nhẫn nhịn đến khó tin?
Mọi chuyện thầy luôn sai còn phụ huynh thì đúng,
Không dám đôi co vì mình là người công chúng,
Tích uất ức vào lòng sinh bệnh tật quanh năm.

Có nghề nào luôn bận bịu quanh năm?
Đi dạy cả tuần ngày nghỉ làm giáo án,
Dạy quanh năm chẳng tham quan du lịch,
Lúc hè về, tiền ít khó đi tour (1).

Có nghề nào bị ném đá te tua,
Hơi một tí lên truyền hình, báo chí,
Họ từng là học trò sao ném đá thầy mạnh thế,
Thầy cô oằn mình chịu rìu búa cựu học sinh.

Có nghề nào con cái sợ phát kinh?
Chẳng dám theo nghề mẹ cha nuôi mình lớn,
Bộ đội, công an, ngân hàng, doanh nghiệp lớn,
Bố mẹ về, con kế nhẹ nhàng thay.

Có nghề nào chịu trăm đắng ngàn cay?
Dạy thêm ngoài giờ bị coi là vi phạm
Thầy cô nào cũng “quyền rơm vạ đá” (2),
Chẳng dám mắng học trò khi chúng hỗn, chúng hư.

Có nghề nào sống khép nép như SƯ,
Bởi bất cứ khi nào cũng thành người vi PHẠM,
Tặc lưỡi, tại số trời, coi như mình bị hạn,
Chẳng có lỗi gì vẫn xin lỗi để được yên.

Cần hiểu rằng, thầy cô chẳng là tiên,
Cũng uống, ăn, buồn, vui như người khác,
Cần sự cảm thông cùng sẻ chia gánh vác,
Cùng thầy cô vun trồng cho trái ngọt hương thơm.

Có nghề nào nghe thấy đến là thương?
Gắn bó cuộc đời bằng bảng đen phấn trắng,
Dẫu cuộc đời nhiều thay đen đổi trắng,
Nhưng tấm lòng thầy chẳng đổi trắng thay đen.

Có nghề nào nhiều đổi mới thế không?
Cả thầy trò vần xoay trong cơn lốc,
Người bảo dở, kẻ bảo hay nhưng học trò vẫn học,
Thầy như thỏi thép hồng nằm “dưới búa – trên đe”.

Mỗi đông về sương giá, lạnh tái tê,
Thầy vẫn ấm vì tình yêu của những người trò nhỏ,
Là động lực giúp thầy vượt muôn ngàn gian khó,
Vững lái con đò, đưa em đến bờ vui.

19/11/2016

Vũ Đức Cảnh (Giáo viên Tiểu học Thúc Kháng, Bình Giang, Hải Dương)

Chú thích:

(1) Tour: đi du lịch.

(2) Quyền rơm vạ đá: quyền nhẹ như rơm, tai vạ nặng như đá.

Video xem thêm: Đạo đức nghề nghiệp đưa con người đến chỗ tôn nghiêm

Exit mobile version